Nắng chiều hanh hao, trong lúc chờ tàu cập bến, những phụ nữ làm công việc bỏ mối và khiêng cá tại Cảng cá phường 6 (TP Tuy Hòa) ngồi trò chuyện với nhau. Nhóm phụ nữ mưu sinh ở đây, mỗi phận người là một câu chuyện. Tuy nhiên, họ có chung một mối quan tâm thường trực là luôn cập nhật thông tin thời sự về biển Đông.
Ngồi dưới mái hiên của nhà thu mua chế biến cá ngừ đại dương, một chị tách ra khỏi nhóm người đang “buông dưa lê, dưa cà” mắt đăm chiêu nhìn về hướng biển. Tôi lại gần chị hỏi thăm về thu nhập của việc khiêng cá, sau một hồi “hỏi xa hỏi gần”, chị cười thân thiện, cho biết: “Tại cảng cá này lúc nào cũng có 50 chị em túc trực. Mỗi người có hoàn cảnh riêng, như tôi đây chồng mất khi đứa con trai út còn đỏ hỏn”. Rồi chị kể nỗi nhọc nhằn của việc quanh năm suốt tháng đều mặc áo mưa. Khiêng cá từ trong hầm tàu muối đá, khi đưa cá lên cáng, nước từ hai đầu cáng “rắc” vào người nên mấy chị phải quấn lớp áo mưa ngăn nước thấm vào da, lạnh. Vì thế, có khi đang khiêng cá lỡ dép đứt quai thì chấp nhận đi chân trần, chứ cái áo mưa luôn rịt bên người. Mỗi ngày chạy tới chạy lui, mỗi người kiếm được 150.000 đến 200.000 đồng. Nhờ vậy, chị có tiền nuôi con ăn học.
Công việc này cũng có cái hay của nó là biết được tâm tư tình cảm của nhiều người, từ chủ tàu cho đến bạn đi biển. Khi cập bến, có tàu no vì trúng luồng cá thì trên tàu ai cũng hớn hở; còn có tàu chỉ đủ tổn, có tàu thiếu tổn thì tâm trạng mọi người khác liền… Tuy nhiên, gần đây ai nấy cùng đều có điểm chung, đó là khi tàu cập bến, trong các thuyền viên người thì kéo ròng rọc, người thì chuyển cá lên cáng, “miệng nói tay làm” đều kể về tình hình Trung Quốc lấn chiếm biển Đông. Và Trung Quốc ngăn không cho tàu cá mình vào đánh bắt vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Người ở ngoài khơi xa về, kể tình hình biển Đông như vậy, người ở trong bờ cập nhật thông tin, tuy là phụ nữ nhưng nghe xong ai cũng ức. Nói đến đây, chị bảo những lúc rảnh chị hay nhìn ra hướng biển xa xôi, nỗi phẫn uất hành động ngang ngược của Trung Quốc trào dâng trong lòng.
Cạnh đó, một phụ nữ ngồi để ngửa cái nón trước bụng tỉ mẩn xếp lại số tiền vừa kiếm được, kề bên là chiếc ba gác, cho hay: Chị mới làm việc bỏ mối cá. Dọc theo tuyến bờ kè năm nay, nhiều người đi đường thấy hình ảnh “lạ”: người phụ nữ thân hình nhỏ nhắn là chị “thượng” lên chiếc ba gác chất đầy cá đạp đi bỏ mối nên nhìn theo.
Câu chuyện càng trở nên cởi mở và lôi cuốn hơn khi người phụ nữ này kể, trước đây chị làm nội trợ, chồng mở công ty làm ăn lớn nhưng rồi thua lỗ. Sau đó, anh lâm bệnh nặng nằm một chỗ, còn hai đứa con đang học ở TP Hồ Chí Minh. Từ người nội trợ, chị trở thành lao động chính trong nhà. Nhà ở sau cảng cá, ban đầu, chị không nghĩ ra cảnh đạp xe ba gác “túc tắc” dọc đường nhưng do đau đáu nỗi lo đến ngày gửi tiền vào TP Hồ Chí Minh cho con nên quyết định làm công việc này…
Lúc đầu chị làm thử “lấy ngày” mua đi bán lại xem sao nhưng thấy có đồng ra đồng vào nên tiếp tục. Từ đó đến nay, công việc này “rủ” chị. Cái nghề “lội” chợ ở hàng cá nên lúc nào chị cũng mang đôi ủng. Bất cứ sáng, trưa, chiều, tối hễ có mối gọi là chị lên đường. Tuy khổ nhưng có tiền nuôi con ăn học nên chị vui.
“Đang làm ăn ngon lành thì nghe bạn tàu đánh bắt cá ngoài khơi về kể Trung Quốc đuổi tàu cá Việt Nam khi đang đánh bắt trên vùng biển nước ta. Và gần đây Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng, mở rộng đảo nổi đảo chìm trên lãnh hải nước mình, càng tức”, chị bảo. Sau khi nghe người phụ nữ “nhỏ người nhưng to tiếng” này nói về tình hình biển Đông, đang “buông dưa lê, dưa cà” mấy chị phụ nữ ngưng bặt nhìn sang. Một chị quay qua “gút” một câu: Tôi phản đối đến cùng về tình hình Trung Quốc lấn chiếm biển Đông của Việt Nam. Mà sao trên thế giới lại có thứ ỷ mạnh hiếp yếu, cứ công khai ăn cướp vậy trời?
Đang “thời sự” về tình hình biển Đông thì có 3 tàu cá cập cảng. Tốp phụ nữ đứng lên, người mặc áo mưa, người thì quay đầu xe ba gác… trở lại công việc mưu sinh của mình.
MẠNH HOÀI NAM