Thuyền Chài B là điểm đảo dừng chân cuối cùng trong hành trình gần 1 tháng đến với Trường Sa cấp phát quà và thay thu quân của chúng tôi. Trong 1 ngày đêm “nán” lại tại điểm đảo xa nhất trong tuyến phía Nam của quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), hòa mình vào cuộc sống của các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ canh giữ biển trời, chúng tôi cảm nhận được nhiều điều đặc biệt ở nơi đây.
“KHO” ỐC NHẢY VÀ CÁ BÒ SỪNG
Chúng tôi đến điểm đảo Thuyền Chài B khi mặt trời vừa ló dạng. Đón đoàn công tác từ đất liền ra thăm, cán bộ chiến sĩ trên đảo rất phấn khởi. Điểm trưởng Thuyền Chài B Nguyễn Văn Ngọc hồ hởi: “Nghe tin tàu vừa rời An Bang để đến Thuyền Chài B, anh em nôn nao lắm. Biết mọi người đi tàu bị sóng vật mệt nên từ chiều qua, chúng tôi đã bắt 2 thau ốc nhảy khoảng 20kg để tối nay luộc đãi khách. Ngoài ra, còn đánh lưới được mấy chục con cá bò sừng to hơn hai bàn tay để mọi người thưởng thức đặc sản của đảo”.
Ở đảo xa, nơi cách đất liền mấy trăm hải lý, nhìn cảnh cán bộ, chiến sĩ Thuyền Chài B hiếu khách lăng xăng vào bếp, người tráo ốc, người nướng cá, người làm nước chấm, đoàn công tác càng cảm động. Dùng bữa cơm chiều ấm cúng cùng các chiến sĩ mà ai cũng nghèn nghẹn. So với các đảo phía nam mà chúng tôi dừng chân trong hành trình gần 1 tháng, bữa cơm ở đảo Thuyền Chài B đa dạng hơn cả vì ngoài thịt heo, thịt hộp, còn có cá bò sừng và ốc nhảy, hai đặc sản quý. Theo các chiến sĩ, ốc nhảy và cá bò sừng tập trung quanh đảo rất nhiều. Xung quanh đảo được bao bọc bởi nhiều rạn san hô, trong khi ốc nhảy và cá bò sừng rất thích ăn rong rêu bám trên san hô. Mỗi lần thủy triều xuống, cá bò sừng thường bơi vào sát chân đảo để tìm mồi nên chỉ cần giăng lưới ở mé rạn san hô, sau đó dùng cây đập xung quanh và trước mặt lưới, lùa cá chạy vào lưới là vô tư bắt. Chỉ cần giăng lưới khoảng 4 giờ đồng hồ có thể bắt được gần cả nửa tạ cá. Cá bò sừng có thịt trắng, dai, thơm và giàu dinh dưỡng. Còn ốc vừa có độ dai, vừa ngọt và thơm. Ngoài hai đặc sản trên, ở Thuyền Chài B còn có ốc kèn, ốc tai tượng, sò và nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao như: cá hồng, cá sơn, cá thu, thu bè, cá mú, cá ngừ đại dương… “Lính Thuyền Chài B không bao giờ sợ đói vì nguồn hải sản ở đây rất dồi dào. Hàng năm, ngoài tăng gia sản xuất bằng cách nuôi heo, gà và trồng rau xanh, chúng tôi còn đánh bắt cá, ốc để cải thiện chất lượng bữa ăn, cung cấp dưỡng chất cho anh em có đủ sức khỏe chiến đấu”, anh Ngọc bộc bạch.
NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi được lưu lại ở lại trên đảo Thuyền Chài B, chúng tôi được nghe cán bộ, chiến sĩ nơi đây chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động. Sâu sắc nhất vẫn là chuyện hy sinh cứu đồng đội của anh Nguyễn Quốc Huy. Kể lại câu chuyện mình đã nghe nhiều lần từ khi đặt chân nhận nhiệm vụ ở đây, thiếu tá Lưu Quang Sắc, Chính trị viên điểm đảo Thuyền Chài B, bồi hồi nói: Buổi tối ngày 18/8/1997, thời tiết mưa bão và biển động rất mạnh. Vì điều kiện nguy hiểm, Điểm trưởng Thuyền Chài B khi ấy là đại úy Nguyễn Quốc Huy và Điểm phó Lương Minh Quyết đã trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo đảm an toàn cho đơn vị. Trong lúc làm nhiệm vụ, anh Quyết phát hiện bè gỗ phục vụ công tác huấn luyện có nguy cơ bị sóng đánh trôi, bèn tìm cách chằng néo lại cho chắc chắn. Đúng lúc ấy, một con sóng lớn bất ngờ ập tới, cuốn phăng anh Quyết đi. Không chút do dự, anh Huy lao mình theo con sóng dữ, ứng cứu đồng đội. Sau hàng giờ vật lộn với sóng to gió dữ, anh Huy đưa được anh Quyết tấp vào bè gỗ. Nhưng bản thân anh lúc ấy vì quá kiệt sức nên bị sóng lớn cuốn trôi. “Sau khi Điểm trưởng Nguyễn Quốc Huy hy sinh, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã lập bàn thờ, ngày nào cũng hương khói để tưởng nhớ người đồng chí, người anh đã không tiếc mạng sống của mình, giành lại tính mạng của đồng đội. Câu chuyện về sự hy sinh của anh Huy luôn được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trên đảo truyền kể cho nhau nghe để tự răn dạy bản thân phải sống sao cho xứng đáng với thế hệ đàn anh đi trước”, thiếu tá Sắc bộc bạch.
Mặc dù chỉ có 1 ngày đêm được sống cùng lính Thuyền Chài B, nhưng chúng tôi đã phần nào cảm nhận được tình cảm mà cán bộ, chiến sĩ nơi đây dành cho nhau. Ngay từ những hành động nhỏ nhất trong bữa ăn, các anh cũng thể hiện sự quan tâm, chăm sóc nhau chẳng khác nào anh em ruột thịt. Khi một chiến sĩ nhận điện thoại từ người thân, anh liền chuyền điện thoại cho các đồng đội khác trò chuyện, cứ như họ là một gia đình lớn. Và khi giao lưu văn nghệ, cán bộ, chiến sĩ vui vẻ choàng vai nhau, đồng thanh hát vang bài ca về người lính hải quân nơi Trường Sa.
Sáng hôm sau, tiễn chúng tôi rời Thuyền Chài B ra tàu lớn để về đất liền, các cán bộ, chiến sĩ của đảo xếp thành hàng dài vẫy tay chào khách. Trong cái khắc nghiệt của thiên nhiên, giữa mênh mông biển cả, nhìn những người lính dày dạn sóng gió, tôi lại rưng rưng nhớ đến mấy câu thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa:
Tổ quốc ơi!
Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống
Bóng chúng tôi trùm khắp đảo Thuyền Chài.
HÀ MY