Lênh đênh sóng cả trên con tàu HQ571 của Vùng 4 Hải quân trong dịp thăm và tặng quà tết chiến sĩ quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), có lẽ những ngày lưu lại trên đảo Trường Sa Lớn sẽ mãi là trải nghiệm quý không thể nào quên với chúng tôi.
Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến là nhà nào ở đảo Trường Sa Lớn cũng nuôi chó. Họ không nuôi một, hai con mà cả đàn. Chó như là người bạn không thể thiếu đối với các gia đình ở đây. Phần lớn đàn ông trong các hộ này đều phục vụ trong bếp ăn của quân đội. Còn phụ nữ thì ở nhà chăm lo cho con cái học hành, trồng rau, nuôi gà… với nếp sinh hoạt bình dị của các gia đình ở vùng nông thôn trong đất liền.
Tôi đến nhà vợ chồng anh Nguyễn Văn Trung và chị Lương Thị Tình để hiểu rõ hơn về cuộc sống của cư dân hải đảo. Chị Tình nhanh nhảu nói: “Vợ chồng tôi có 3 cháu, cháu nhỏ đang bế trên tay, còn 2 đứa lớn đang học tiểu học. Trường học gần nhà nên rất tiện cho việc đi lại của các cháu”. Còn anh Trung hôm nay không đi câu cá mà ở nhà làm tiếp sản phẩm cây hoa từ vỏ ốc biển vẫn còn dang dở trước đó. Anh nói: “Ở đây nhà nào cũng có hoa ốc biển trưng làm kiểng. Sắp đến tết rồi, tôi phải làm một cây to đẹp hơn, bày biện nhà cửa”.
Đức và Hương là con trai và con gái của anh chị. Hai đứa trẻ tỏ ra đặc biệt quý mến và ngồi sát bên tôi “hóng” chuyện, thỉnh thoảng lại tủm tỉm cười. Chị Tình bảo: “Lâu lâu mới có khách đến thăm nhà nên chúng nó vui lắm, chứ không giờ này đã đi hái trái tra rồi”. Tra là một loại bàng biển, mọc sum suê và nhiều nhất ở đảo Trường Sa Lớn. Đây là loại cây cho trái thành chùm, trái chín màu tím ngắt, vị vừa ngòn ngọt vừa chan chát. Chị Tình nói thêm: “Dưới tán cây tra cổ thụ, tuổi thơ của lũ trẻ trôi qua êm đềm với các trò chơi trốn tìm. Cuộc sống ở đây mỗi ngày diễn ra bình yên như thế, em à!”.
Chiều hôm ấy, tôi cùng anh lính trẻ tên Quang, quê ở huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa), anh Nguyễn Tấn Thi, cậu bé Si và cô bé Sen - những cư dân “nhí” trên đảo Trường Sa Lớn - cùng đi câu cá. Có kinh nghiệm lâu năm, anh Thi nhanh chóng câu được một con cá lớn trong sự hò reo của hai đứa trẻ và ánh mắt đầy thán phục của tôi. Tôi nói: Cuộc sống đảo xa thú vị thật đó anh. Anh Thi cười sảng khoái, trả lời: “Mặc dù phải đối mặt với muôn phần khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió nhưng cư dân trên đảo Trường Sa đều hạnh phúc. Lãnh đạo thị trấn thường xuyên thăm hỏi và động viên. Vì vậy nếu có rắc rối và mâu thuẫn nảy sinh trong sinh hoạt hàng ngày thường nhanh chóng được giải quyết ổn thỏa. Tình làng nghĩa xóm cũng trở nên bền chặt”.
Anh lính trẻ tên Quang thêm vào: “Do dân trên đảo còn thưa thớt nên bộ đội chúng tôi nhớ rõ tên từng người một. Giữa nơi biển cả mênh mông này, quân dân phải đoàn kết, gắn bó chặt chẽ thì mới mong giữ đảo bình yên”. Cậu bé Si nhanh nhảu nói: “Chốc nữa rảnh, chú Quang hái giúp con chùm trái tra trên cành cao nhé”.
Cùng với Chính trị viên phó đảo Trường Sa Lớn hôm ấy là trung tá Lương Xuân Giáp đến thăm các nhà dân, tôi càng thấm thía lời anh Thi nói. Lũ trẻ thấy anh Giáp là mừng ra mặt, xúm xít chào rồi tíu tít chạy quanh trông thật gần gũi. Anh Giáp thông báo thời gian cụ thể để bà con biết mà đến hội trường thị trấn Trường Sa đúng giờ nhận quà tết. Anh còn nhiệt tình mời các hộ dân tham gia vào buổi tiệc chia tay một số lính đảo hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở vào đất liền dịp trước tết.
Trung tá Lương Xuân Giáp cho biết: “Người dân trên đảo Trường Sa sống rất kiên cường. Họ thường xuyên bám biển, sống nhờ vào cá, tôm nơi biển cả. Vượt qua khó khăn nơi đảo xa, bà con yêu biển đảo quê hương, đùm bọc và đoàn kết lẫn nhau. Tình nghĩa ấy trở thành nét đẹp trong nếp sống của quân dân chúng tôi trên đảo Trường Sa Lớn”.
Lòng tôi chợt dâng lên niềm xúc động thiêng liêng…
DIỆU ANH