Thứ Sáu, 20/09/2024 18:35 CH
Chuyện nuôi quân ở Trường Sa
Thứ Bảy, 06/12/2014 08:29 SA

Lính hậu cần đảo Đá Đông chuẩn bị bữa cơm chiều - Ảnh: K.HÀ

Thời tiết khắc nghiệt, điều kiện sống thiếu thốn nên chuyện nuôi quân ở Trường Sa có nhiều khác biệt so với ở đất liền. Những anh lính nuôi quân, ngày qua ngày, tận tụy, cần mẫn chăm lo từng bữa ăn cho chiến sĩ ở các đảo cũng như hành khách trên các chuyến tàu ra thăm Trường Sa.

 

NÂNG CHẤT BỮA ĂN CHO CHIẾN SĨ

 

Trên chuyến hải trình gần một tháng đến với 13 đảo, điểm đảo phía nam của quần đảo Trường Sa, đoàn công tác chúng tôi may mắn được sinh hoạt và ăn cơm cùng chiến sĩ ở tất cả các đảo chìm, đảo nổi. Mặc dù điều kiện sống còn thiếu thốn, nguồn thực phẩm chưa đa dạng, nhưng lính hậu cần của các đảo đã dành nhiều công sức, chăm chút cho từng bữa ăn của đơn vị. Theo trung úy Huỳnh Như Thảo (đảo Thuyền Chài), bộ đội Trường Sa được đảm bảo 4 bữa ăn/ngày theo quy định của Bộ Quốc phòng. Bữa sáng, thực đơn của các chiến sĩ thường là cơm, canh với đồ hộp. Bữa trưa và tối, thực đơn là cơm, canh, rau, đồ hộp xen kẽ đồ ăn chế biến từ thịt tươi sống. Bữa đêm, để phục hồi sức khỏe cho anh em chiến sĩ sau huấn luyện, nhà bếp chế biến thêm các món chè, cháo hoặc mì ăn liền. “Việc lên thực đơn mỗi bữa ăn luôn được chúng tôi bàn với bếp trưởng, món ăn liên tục được thay đổi. Hàng tháng, chúng tôi tham khảo ý kiến các chiến sĩ để cải thiện các bữa ăn”, anh Thảo chia sẻ.

 

Để đảm bảo sức khỏe của bộ đội trong huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, những năm gần đây, các đơn vị quân đội ở đảo đã dành nhiều sự quan tâm đến chất lượng bữa ăn cho chiến sĩ. Đồ tươi sống cơ bản được cải thiện, giảm dần lượng đồ hộp. Theo trung tá Đỗ Xuân Vạn, Trợ lý cán bộ Vùng 4 Hải quân, trước đây, thời gian cấp hàng hậu cần chỉ 2 lần/năm, bộ đội phải ăn thịt hộp nhiều thì nay, thời gian cấp hàng hậu cần mang theo hàng tươi sống được nâng lên 4 lần/năm.

 

Ngoài nguồn lương thực ổn định được tiếp tế, các đảo còn tích cực tăng gia sản xuất để nâng cao chất lượng bữa ăn. Đến thăm các đảo ở Trường Sa hôm nay, nhiều người sẽ ngỡ ngàng trước những vườn rau xanh mướt, giàn bầu bí nặng trĩu quả... Tại các đảo nổi như Trường Sa Lớn, An Bang, Trường Sa Đông… do có diện tích lớn hơn so với các đảo chìm, nên ngoài các khu vực công sự, các đơn vị luôn tận dụng khoảng trống để trồng rau, nuôi gà, heo. Nhờ vậy, hàng năm, sản lượng thực phẩm tự cung, tự cấp luôn vượt chỉ tiêu. Còn tại các đảo chìm như Đá Lát, Thuyền Chài, Đá Tây, Đá Đông… bữa ăn của bộ đội thường xuyên được bổ sung nguồn cá biển, bạch tuộc, sò tươi do tự đánh bắt hoặc ngư dân tặng. Chiến sĩ các đảo còn nuôi cá bò da trong lồng bè, sò đánh bắt được để sử dụng lâu dài trong mọi điều kiện thời tiết. “Chế độ ăn hàng ngày luôn được bảo đảm để anh em có sức khỏe, sức bền chiến đấu, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc”, trung tá Đỗ Xuân Vạn cho biết.

 

“CHĂM” CHO NGƯỜI VÀ HÀNG RA ĐẢO

 

Chuyện bếp Trường Sa còn khác biệt ngay trên khoang bếp của những con tàu chở khách, chuyển quân, tiếp tế hàng hóa ra các đảo. Khác với đất liền, việc nấu ăn trong điều kiện tàu liên tục chao đảo, rung lắc vì sóng to gió dữ thực sự là thử thách với các đầu bếp trên mỗi chuyến tàu. 12 thành viên của tổ phục vụ bếp ăn phải dậy từ 3 giờ sáng tất bật chuẩn bị ba bữa cho hơn 200 người. Lực lượng này được tuyển chọn đặc biệt từ những quân nhân chuyên nghiệp, “dạn sóng” và có khả năng chế biến các món ăn ngon, đa dạng. Nhiều lúc biển động, khách đi tàu bị say sóng, mệt mỏi, không thể xuống phòng ăn, các anh lính nuôi quân nấu cháo, mang đến tận phòng cho khách.

 

Bên cạnh đó, các anh còn phải làm nhiệm vụ trông coi hàng hóa, chăm nom nguồn thực phẩm tươi sống để cấp phát cho các đảo an toàn. Thiếu tá Nguyễn Hồng Sơn, Tổ trưởng Tổ phục vụ nhà bếp Tàu HQ 571, cho biết: Để chuẩn bị cho mỗi chuyến hành trình ra Trường Sa, nguồn lương thực, thực phẩm cho chuyến đi dài ngày trên biển được bộ phận quân nhu tính toán kỹ lưỡng, tuyển chọn kỹ càng các nguồn cung ứng thực phẩm có uy tín. Đặc biệt, nguồn thực phẩm tươi sống mang ra cấp phát cho các đảo phải đảm bảo dùng được lâu ngày, tránh hư hỏng. Anh Sơn kể: “Mỗi chuyến tàu, chúng tôi mang gần 30 con heo phát cho các đảo. Lúc mới đưa xuống hầm tàu, các chú heo la ầm ĩ. Nhưng khi tàu đi được hơn 20 hải lý thì cả bọn say sóng, nằm ườn ra sàn. Lính phục vụ của chúng tôi phải ân cần đỡ từng con dậy cho ăn cháo, uống nước vì nếu heo mà chết coi như anh em ở đảo thiệt thòi”.

 

Đảm nhận công việc thầm lặng, vất vả nhưng lính hậu cần trên các tàu hải quân và các đảo luôn lạc quan, vui vẻ. Bởi lẽ, họ ý thức rằng nhiệm vụ của mình rất quan trọng trong việc đảm bảo cho cán bộ, chiến sĩ có sức khỏe tốt, yên tâm công tác, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

 

KHÁNH HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nhãn biển
Thứ Bảy, 15/11/2014 09:46 SA
Lính trẻ tàu HQ-561
Thứ Bảy, 15/11/2014 09:39 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek