Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ sanh một trăm trứng nở một trăm con. Năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người con theo cha xuống biển.
Từ thời vua Gia Long, triều đình nhà Nguyễn rất chú trọng đến việc tiến ra biển Đông để đặt cột mốc chủ quyền tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thu lượm sản vật, khai thác hải sản. Đã có những xưởng đóng tàu thuyền quy mô lớn với các đội thợ đóng tàu thuyền tài giỏi, được các nước châu Âu đánh giá tàu thuyền của Việt Nam thời đó có mẫu mã đẹp, bền. Việt Nam còn có đội tuần thám biển đảo vào loại lâu đời nhất khu vực.
Trước đó, nhà nước Văn Lang đã có tầm nhìn chiến lược về biển đảo. Truyền thuyết trăm trứng, trăm con là sự khẳng định người Việt đã chinh phục biển Đông từ hàng ngàn năm trước. Như vậy nghề biển Việt Nam ra đời từ ngàn xưa. Con cháu đời sau lớp lớp tiếp nối cái nghề của tổ tiên, ông bà mà sinh tồn.
Noi theo “năm mươi người con theo cha xuống biển” để giữ gìn toàn vẹn lãnh hải mà tiền nhân để lại, việc bảo vệ biển đảo không chỉ là trách nhiệm hàng ngày, thường xuyên của các lực lượng chức năng mà còn là của toàn thể nhân dân Việt Nam, vì Hoàng Sa và Trường Sa từ bao đời nay đã là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.
Sau sự kiện hạ đặt trái phép và sau đó phải rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển nước ta, thời gian gần đây, báo chí trong nước và quốc tế đưa tin Trung Quốc đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng trái phép trên các đảo đã chiếm ở Trường Sa và Hoàng Sa. Theo đó, “việc xây dựng các công trình lấn biển ở Hoàng Sa cũng diễn ra ở một quy mô ngày càng lớn hơn. Ví dụ cảng ở đảo Phú Lâm đã được thiết kế lại để tàu sân bay trú ẩn trong tương lai. Sau khi đường băng trên đảo được kéo dài và mở rộng, các máy bay vận tải, quân sự, máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không, máy bay phản lực sẽ có thể cất hạ cánh trên đảo…”. Rõ ràng đây là việc làm đi ngược lại với luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam, bị thế giới và trong nước ta cực lực lên án, làm cho tình hình biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp.
Vì thế, chúng ta cần tiếp tục quốc tế hóa vấn đề biển Đông, đánh thức lương tri nhân loại, trách nhiệm của các nước thường xuyên vận tải hàng hóa trên biển cùng tham gia bảo vệ biển Đông. Mặt khác, tiếp tục thu thập, củng cố đầy đủ các chứng cứ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam để khi cần thiết có cơ sở đấu tranh giành thắng lợi khi đối đầu với các tranh chấp biển Đông của Trung Quốc.
TRẦN BẢO NGỌC