Với chủ đề “Trường THCS Tố Hữu hướng về biển đảo, bảo vệ Tổ quốc”, đầu năm học 2014-2015, Trường THCS Tố Hữu (xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh) đã triển khai mô hình “Mỗi góc học tập của học sinh có một bản đồ và nội dung chú thích về quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam”. Qua hơn 3 tháng thực hiện, mô hình này bước đầu mang lại hiệu ứng tích cực.
Góc học tập của em Lê Thị Thủy Dương treo bản đồ Việt Nam - Ảnh: N.LY |
Theo đó, 137 tấm bản đồ Việt Nam được trao 137 học sinh trong toàn trường. Tấm bản đồ Việt Nam được in trên khổ giấy A3 với chú thích về hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam và dòng chữ “Trường THCS Tố Hữu hướng về biển đảo, bảo vệ Tổ quốc”.
Thầy Nguyễn Hồng Sử, Hiệu trưởng Trường THCS Tố Hữu cho biết về mục đích của việc thực hiện mô hình: Ở vùng này, học sinh chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức, kiến thức về chủ quyền biển đảo, đặc biệt là Trường Sa và Hoàng Sa có phần hạn chế. Vì vậy, để giúp học sinh hiểu chính xác, đúng đắn về chủ quyền lãnh hải quốc gia nên chúng tôi làm cách này theo hướng cụ thể, thiết thực. Được treo tại góc học tập ở nhà, bản đồ không chỉ giúp các em, gia đình mà cả hàng xóm khi đến chơi đều nhìn thấy và khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.
Thông điệp này được các em treo trang trọng tại góc học tập của mình. Sau khi được nhà trường phát một tấm bản đồ nhỏ về treo tại nhà, các em bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, chủ động tìm hiểu về chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và càng thêm yêu thích học môn Địa lý. Em Lê Thị Thùy Dương, học sinh lớp 7, tâm sự: “Trước kia em cũng chưa hiểu rõ về Trường Sa và Hoàng Sa. Nay nhờ có tấm bản đồ nhìn vào hàng ngày cộng với việc lên mạng tra tìm, đọc sách, xem truyền hình, em mới biết thêm nhiều chuyện, nhiều bài học lịch sử hay và quý giá về hai quần đảo này”. Còn em Hà Sơn My, học sinh lớp 8, bộc bạch: “Việc treo bản đồ ở góc học tập giúp em nâng cao lòng tự hào và tình yêu đất nước. Việc này nhắc nhở em chăm lo học hành, rèn luyện để xứng đáng là công dân của một quốc gia độc lập, hòa bình”.
Để giúp học sinh hiểu rõ hơn về những thông tin trên bản đồ Việt Nam, Ban giám hiệu Trường THCS Tố Hữu còn yêu cầu các thầy cô tìm kiếm thêm thông tin mới, bổ ích và chính thống trên mạng để chủ động cung cấp các kiến thức cơ bản về hoàn cảnh lịch sử và vị trí địa lý cho học sinh; hướng dẫn các em cách treo và đọc bản đồ; tư vấn, giải đáp những thông tin liên quan đến chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Bên cạnh góp phần nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo và ý thức bảo vệ Tổ quốc cho học sinh và giáo viên, mô hình còn giúp phụ huynh cùng tìm hiểu và chia sẻ thêm thông tin với con cái một cách dễ dàng, chính xác. Ông Lê Hùng Vương, cha của em Lê Thị Thùy Dương cho biết: “Tôi thấy việc nhà trường giao bản đồ cho học sinh về treo ở góc học tập rất bổ ích. Không những cháu cố gắng học tập hơn mà còn quan tâm đến chuyện thời sự về biển đảo quê hương, nhất là trong thời gian Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển nước ta. Từ việc này chúng tôi cũng quan tâm đến tình hình biển đảo và chắc chắn rất nhiều người khác cũng vậy”.
NGỌC LY - ANH ĐÀO