Mùa hè. Những cột nắng dội xuống cát vàng ươm trên làng chài xác xao nắng gió. Và thật diệu kỳ, ở làng biển, trong cái khắc nghiệt của ngày hè, có một loại cây xanh cho nhiều bóng mát, nhú lá non tơ, rồi cho trái trĩu cành. Đó là cây nhãn biển. Chúng mọc ở bất cứ nơi đâu, sống hào phóng ở mọi nơi, làm chiếc dù xanh che nắng, che mưa cho người dân xứ biển. Cây nhãn biển chậm phát triển, cây không cao lớn như các loại cây khác, nhưng tán lá rộng, lớn lên trong sự dẻo dai, thách thức trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Có lúc tôi chợt nghĩ, giá như ở đảo Trường Sa trồng được nhãn biển thì hay biết mấy! Ngày hè, cây tỏa bóng mát cho bộ đội. Ngày đông, nhãn góp phần ngăn sóng gió trùng khơi.
Dọc đường ra bãi biển, trong vườn của ngư dân hoặc bên lăng thờ Ông Nam Hải thường có những cây nhãn “thâm niên”. Trưa hè, già trẻ gái trai thường mượn bóng mát của cây nhãn biển để tâm tình hoặc mải mê đan lưới, củng cố phương tiện hành nghề đánh bắt biển xa và góp phần bảo vệ biển đảo. Ngày còn thơ ấu, tôi nhiều lần mang cơm ra biển cho cha. Những cây nhãn lúc lỉu trái kết thành chùm màu tím than, bằng đầu ngón tay út căng bóng. Chúng cuốn hút tôi bằng sự thèm thuồng, háo hức. Đó là những cây nhãn trong vườn nhà người ta. Tôi không thể chiếm hữu. Những cây nhãn dọc đường đi, lũ trẻ làng biển không bao giờ để cho trái chín trọn vẹn.
Tôi được thưởng thức vị nhãn ngọt mát rượi đầu lưỡi khi cha tôi xin của người thân. Cha ngồi ăn cơm dưới cái khum (cái lều di động được đóng sẵn ở nhà, khuân ra đặt một nơi trên bãi biển để trú nắng). Còn tôi say sưa ngồi đặt chùm nhãn vào nón, lặt từng trái cho vào miệng ăn ngon lành. Thú thật, tôi thường xung phong mang cơm cho cha cũng vì những chùm nhãn ngọt mát. Đó là món quà trưa hấp dẫn suốt tuổi thơ còn nhiều thiếu thốn.
Gần 50 năm trôi qua, cây nhãn biển vẫn thủy chung với làng biển nắng gió quê tôi. Nay thi thoảng tôi vẫn được vợ ra làng biển thăm người thân, hái nhãn chín mang về đãi chồng. Tôi được dịp thưởng thức món ngon thuở nào và chợt nhận ra một điều: Trẻ con hôm nay sống trong sự đủ đầy nên không để mắt tới những chùm nhãn chín mà ngày xưa lũ trẻ chúng tôi vô cùng ưa thích.
TRẦN QUỐC CƯỠNG