Trong một lần đi công tác mới đây, tôi đến xóm Cá thuộc thôn Tân An, xã Xuân Sơn Nam (huyện miền núi Đồng Xuân). Xóm Cá - cái tên nghe lạ lẫm vì nơi đây chỉ thấy núi đồi, ruộng đồng, soi gò.
Xóm này nằm trên ĐT641, ở giữa hai đèo dốc quanh co, phía dưới là dốc Bà Trực, giáp ranh thôn Tân Phú (xã Xuân Sơn Nam), phía trên là đèo Con Cá, giáp ranh thôn Long An (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân). Hỏi thăm các vị cao tuổi trong xóm chỉ biết, cái tên xóm Cá có từ thời kháng chiến chống Pháp. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì dân ở đây làm nghề bán cá biển. “Mười ngày như chục”, đàn ông thức khuya xuống cửa biển Tiên Châu (huyện Tuy An) mua cá chở về, còn phụ nữ trong xóm dậy sớm nhóm lửa trụng lại mớ cá cơm, hấp lại nồi cá ồ rồi vượt chặng đường 50 đến 70 cây số đèo, dốc đến chợ bán.
Một chị đang hấp cá ồ nói: “Tôi là người miền núi nhưng dân biển”, rồi chị giải thích vì nhà đơn chiếc nên hằng ngày chị xuống cửa biển mua cá chở về hấp, trụng rồi mang đi bán lại kiếm đồng lời. Ở đây 10 nhà thì có đến 9 nhà bán cá (trừ 1 hộ già). Đối với gia đình chị, mấy năm qua, chị được mẹ “sang gánh” công việc đã gắn với bà trên 40 năm. Theo nghiệp này, hằng ngày, chị cầu mong cho trời yên biển lặng để ngư dân yên ổn đánh bắt, còn chị buôn bán kiếm đồng ra đồng vào nuôi con ăn học. Tháng 5 vừa rồi, chị cùng bà con trong xóm thường xuyên theo dõi ti vi phản ánh tình hình biển Đông dậy sóng vì Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta. Chứng kiến cảnh tàu Trung Quốc dùng vòi rồng phun nước, uy hiếp tàu Cảnh sát biển, tàu Kiểm ngư Việt Nam, chị ức lắm. Khi xuống vùng biển mua cá, chị nghe nhiều người bàn tán đủ chuyện, nhất là thể hiện lòng yêu nước bằng cách quyết tâm bám biển. Chị cười giản dị, cho biết: Tôi tích cực mua cá của ngư dân dưới ấy cũng là động viên bà con tiếp tục bám biển làm ăn đó thôi.
Sau một hồi xởi lởi, chị còn khoe ở Đồng Xuân, lớp người cỡ 40 tuổi trở lên nói đến xóm Cá ai cũng biết vì người dân ở đây sống bằng nghề buôn bán cá biển tại các phiên chợ quê trong huyện. Còn thôn Tân An là tên hành chính trên giấy tờ, lớp trẻ bây giờ có nghe người già nói mới biết. Nhiều người dân ở đây đi xa cũng đều “xưng” là dân xóm Cá. “Dù giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã dịch chuyển đi nơi khác, song người dân xóm tôi vẫn hàng ngày hàng giờ theo dõi tình hình biển Đông” - chị nói.
Từ ĐT641, tôi tiếp tục ngược theo Trục giao thông phía Tây của tỉnh, từ huyện Đồng Xuân qua huyện Sơn Hòa rồi đến huyện Sông Hinh. Dọc đường đi, tôi xúc động khi nhìn thấy những tốp học sinh ở các huyện miền núi này đi học, mặc trên người chiếc áo phông màu đỏ có ngôi sao vàng, có in bản đồ Việt Nam đủ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những dòng chữ “Hướng về biển Đông”, “Tôi yêu Việt Nam”, “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”…
Dừng chân ghé vào ngôi nhà ở cạnh đường, người mẹ đang phơi chiếc áo có in dòng chữ “Hướng về biển Đông” trước sân cho hay, chị có 2 đứa con và có 4 chiếc áo như thế này để chúng mặc luân phiên. Chị nói: Nhìn con nó mặc áo có in hình Tổ quốc mình mà thấy tự hào! Rồi chị nhắc về cái giàn khoan Hải Dương trái phép vừa rút khỏi vùng biển nước ta, nhắc đến hành động can trường của các anh kiểm ngư, cảnh sát biển trong những ngày đối mặt với tàu Trung Quốc trên vùng biển Tổ quốc với niềm trân trọng.
Nhưng vui nhất là những ngày rong ruổi dọc Trục giao thông phía Tây, tôi bắt gặp nhiều gia đình tổ chức hát nhạc sống trong dịp đám cưới, đám giỗ. Xen lẫn trong tiếng trống, tiếng đàn, hào hùng vang lên ca từ các bài hát Nơi đảo xa, Gần lắm Trường Sa, Tổ quốc gọi tên mình… xen với ca từ các bài hát thường thấy trước đây. Qua đây mới biết, trong tâm thức người dân miền núi quê tôi luôn hiện hữu hình bóng biển đảo quê hương. Mỗi khi biển quê nhà dậy sóng thì người dân miền núi lại đoàn kết một lòng để cùng cả nước quyết tâm giữ cho chủ quyền lãnh hải đất mẹ đời đời bền vững…
MẠNH HOÀI NAM