Thứ Sáu, 20/09/2024 21:42 CH
Bén rễ Trường Sa
Thứ Tư, 30/07/2014 10:00 SA

Gia đình ngư dân đảo Trường Sa Nguyễn Quốc Tuấn

Trường Sa trong tâm trí nhiều người là sự hoang vắng, buồn tẻ và thiếu thốn. Điều này đúng, nhưng là... cách đây mấy chục năm trước. Còn bây giờ? Đang có một Trường Sa rất khác...

 

Cả đảo Trường Sa chộn rộn hẳn lên bởi 200 đại biểu từ mọi miền đất nước ra thăm. Ngoài cột mốc chủ quyền, nơi nhộn nhịp nhất có lẽ là Bưu điện văn hóa đảo Trường Sa, vì đây là bưu điện đầu tiên của thị trấn (khánh thành vào ngày 25/4, thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Nói bưu điện cho sang, thật ra chỉ là một phòng nhỏ gần trụ sở UBND huyện. Tuy thế, điểm bưu điện này vẫn có tủ sách với hàng trăm đầu sách, bàn đọc sách, báo...

 

NHỮNG CÁNH THƯ TAY

 

Có bưu điện, khoảng cách từ đảo và đất liền như gần hơn. Dù giờ mở cửa chỉ từ thứ hai đến thứ sáu nhưng dân và lính đảo bất cứ khi nào cần lại đến gõ cửa, đưa thư trực tiếp, chẳng cần đợi đến giờ làm việc. Anh Đỗ Huy Minh, 27 tuổi, Phó chủ tịch thị trấn Trường Sa kiêm luôn... nhân viên bưu điện, cho biết: “Bây giờ điện thoại đã phủ sóng tại huyện đảo Trường Sa, có gì cần chỉ việc gọi một cú. Nhưng cảm giác trông chờ những lá thư, cảm xúc khi nhìn thấy dòng chữ viết bằng tay không bao giờ có thể thay thế được”.

 

Không những thế, từ những cảm xúc nơi tuyến đầu Tổ quốc, khách ra thăm luôn có nhu cầu gửi thư về đất liền. Vì thế, mỗi chuyến tàu ra thăm, đại biểu tập trung đông nghẹt bưu điện. Thậm chí, rất nhiều người mua một phong bì, một con tem, viết vài dòng gửi cho... chính mình chỉ vì “muốn nhận được lá thư có đóng dấu bưu điện Trường Sa”. Lê Duy Long, huấn luyện viên CLB vovinam Học viện Ngoại giao, vừa cặm cụi viết lá thư tay về cho các môn sinh của mình, vừa cho biết: “Tôi kể cho các em nghe về cuộc sống của các chiến sĩ, về cảm xúc thiêng liêng khi tham dự buổi chào cờ trên đảo. Ngồi viết thư tay rồi gửi thư tại bưu điện đầu tiên trên đảo, cảm xúc lạ lắm”.

 

ĐỘI VĂN NGHỆ NGƯ DÂN

 

Trời sẩm tối, đảo Trường Sa đã lên đèn. Tại cột chủ quyền, đội múa gồm 7 phụ nữ tuổi trên dưới 30 ráo riết tập luyện để chuẩn bị cho tiết mục biểu diễn giao lưu buổi tối. “Đúng rồi, đưa tay lên cao một chút, mắt hướng về phía trước...”, biên đạo múa, thượng úy Hoàng Đức Thắng kiên nhẫn hướng dẫn các học trò từng chút một. “Phải từ từ, vì họ đều là vợ của ngư dân trên đảo, có phải dân chuyên nghiệp đâu. Chẳng ai biết đọc một nốt nhạc, chưa ai từng tập một động tác múa...”, anh cho biết.

 

Sân khấu tập là sàn xi măng ngay trước cột chủ quyền; áo dài tự sắm, phụ kiện hóa trang thì bộ đội trên đảo hỗ trợ (nhưng chỉ ở mức cây nhà lá vườn)... Diễn viên nghiệp dư, điều kiện tập luyện thiếu thốn nhưng tinh thần không hề thiếu. Mỗi khi sắp có đoàn ra thăm, trước đó vài tuần, mỗi tối các chị lại cùng nhau tập múa, nhiệm vụ chăm con được mấy anh chồng xung phong đảm nhiệm. Chị Phạm Thị Như Trinh, thành viên đội múa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thị trấn, nói: “Chị em mỗi người mỗi nghề: người buôn bán trái cây, người đi biển kéo cá, người là thợ may... chỉ toàn lao động chân tay thôi nên tay chân cứng ngắc, đứng trước sân khấu vẫn run lập cập nhưng tham gia múa hát, biểu diễn cho nhiều người xem cũng vui lắm”.

 

Những bàn tay vốn chỉ quen đan lưới, làm vườn, những thân hình vốn chưa từng biết đến một điệu nhảy vẫn cố gắng “vật lộn” với những động tác khó để có thể trình diễn những tiết mục đẹp nhất chào khách phương xa đến đảo. Những bài hát có thể chưa xuất sắc, những điệu múa có thể chưa nhuần nhuyễn nhưng nhìn những diễn viên nghiệp dư múa, hát say mê, hồn nhiên như thế, trong lòng ai cũng dấy lên niềm rưng rưng khó tả. Vì thế, mỗi tiết mục biểu diễn đều được khách phương xa lẫn “gà nhà” cổ vũ hết mình.

 

BÉN RỄ

 

Tôi đến thăm nhà một cư dân trên đảo Trường Sa. Trong nhà có đầy đủ ti vi, tủ lạnh, đầu karaoke mà... cửa mở toang hoác, không thấy chủ đâu. Đứng đợi một hồi, chủ nhà, anh Nguyễn Quốc Tuấn, mới về. “Ở đây vậy đó. Mọi người thân nhau như anh em, có mất mát gì đâu mà đóng cửa”, anh nói.

 

Mỗi ngày, đàn ông trên đảo cùng nhau đi biển đánh cá đều có bộ đội trên bờ quan sát đề phòng có chuyện không hay xảy ra. “Cá đánh bắt được ngoài phần để ăn còn lại cho bộ đội. Ngược lại, bộ đội thỉnh thoảng lại cho thịt, gạo, mắm muối... Cứ thế, dân và quân hỗ trợ lẫn nhau thôi”, anh Tuấn cho biết.

 

“Tình hình biển Đông phức tạp như vậy, anh không sợ sao?”, tôi hỏi. “Làm ngư dân phải bám biển mà sống chứ. Vả lại, đảo, biển này là của mình, sao lại phải sợ? Nó mà qua, đập nó một trận. Đảo còn mình còn, đảo mất mình mất. Ai cũng chết mà. Trong bờ đã đặt lòng tin thì mình không thể phụ được”, anh khẳng khái.

 

Đứng trên đảo, tôi phóng mắt nhìn quanh. Giữa biển Đông bao la, với sự kiên gan bám biển của ngư dân, với sự can trường, dũng cảm của chiến sĩ, từ hòn đảo khô cằn Trường Sa bây giờ đã phủ một màu xanh mát mắt, sóng điện thoại, internet đã tràn đầy... Ai đó bỗng ngâm nga:

 

“Đến đây thì ở lại đây. Bao giờ bén rễ, xanh cây thì về...”.

 

“Rễ” đã bén, cây đã xanh nhưng chiến sĩ và ngư dân vẫn tiếp tục ở lại. “Về đâu nữa? Nhà mình ở đây mà!”, ngư dân tại đảo Trường Sa Nguyễn Thành Hưng khẳng định chắc nịch.

 

(TNO)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Gửi lại Trường Sa
Thứ Tư, 23/07/2014 08:29 SA
Bình yên chiều Trường Sa
Thứ Bảy, 19/07/2014 08:52 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek