Thứ Sáu, 20/09/2024 21:44 CH
Gửi lại Trường Sa
Thứ Tư, 23/07/2014 08:29 SA

Sư thầy chùa Trường Sa Lớn viết chữ lên san hô cho khách - Ảnh: T.BÍCH

Chiều. Trên bờ biển đảo Trường Sa Lớn (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), í ới mấy tốp người gọi nhau trông chừng tất bật. Thỉnh thoảng có người ồ lên biểu lộ sự vui mừng. Cậu lính trẻ đang chắc tay súng, mắt nghiêm ngắm ống nhòm theo dõi động tĩnh ngoài mặt nước xa, hình như đoán được thắc mắc của tôi, không quay mặt lại mà nói vừa đủ nghe: Họ đi nhặt san hô để mang về đất liền đó, chú à…

 

Mà đúng là ở đây nhiều san hô thật, là cục, là hòn, là viên theo nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau. Có hòn nhỏ bằng nắm tay hao hao trái tim trông rất ấn tượng. Có cục to như nồi cơm điện nhưng dẹp lép, phẳng lỳ nhẵn nhụi. Có viên dài, xinh xinh thon thả như ngón tay thiếu nữ. Nhìn mọi người tất bật tìm kiếm, xăng xái nhặt bỏ vô bao, tôi cũng a dua kiếm một viên nhỏ lận túi quần gọi là kỷ niệm chuyến thăm đảo xa thương nhớ.

 

Khi đi ngang chùa Trường Sa Lớn, tôi thấy những người nhặt san hô khi nãy đang ngồi đợi. Thì ra họ đến chùa để nhờ sư thầy trụ trì Thích Giác Nghĩa dùng bút lông chấm mực tàu viết lên san hô các chữ An, Tâm, Phúc, Ái, Lộc, Thọ… tùy theo tâm nguyện của người yêu cầu. Vừa hoa tay thảo những nét rất đẹp, thầy vừa nhắc các chủ nhân phải nhớ nghĩa từng mặt chữ để giải thích cho những ai thắc mắc. Tôi nhỏ nhẹ xin thầy cho chữ Nhẫn. Một anh ngồi cạnh tôi lần lượt bày ra gần 10 viên, cục san hô đủ kiểu dáng, kích cỡ rồi nhờ thầy viết một loạt chữ. Anh cho biết: Trước khi lên tàu ra Trường Sa, chiến hữu xa gần gọi điện thoại dặn kiếm cái gì mang về làm quà cho đất liền. May mà ở đây có sẵn san hô, thôi thì xin thầy mấy chữ để tặng bạn bè ở trỏng vậy!

 

 Khuya, trong tiếng máy tàu chạy rì rì rời Trường Sa Lớn để đến điểm đảo khác, không ngủ được, tôi ngồi dậy, lấy viên san hô ra ngắm nghía, dự tính khi về sẽ đặt trên bàn làm việc ở cơ quan cho oai, nhất là để cho nhiều người cùng biết là mình đã từng ra thăm Trường Sa. Anh bạn cùng phòng thức dậy hút thuốc vặt, thấy tôi cầm san hô săm soi, bèn hỏi: - Ông lấy ở đảo đó à? - Thì thấy thiên hạ nhặt, tôi cũng kiếm một chút chút về làm kỷ niệm. - Ai cũng cứ xăm xăm đi tìm kỷ vật như ông thì xóa đảo à? Tôi chặc lưỡi: - Ông lại hình sự hóa quan hệ dân sự rồi! - Không đâu, hãy nghe tôi nói này!

 

Rồi anh kể lại lời một người cháu là sĩ quan Hải quân đã hơn 10 năm công tác ở Trường Sa. Theo người cháu, mấy trăm năm nay, các đảo, điểm đảo ở Trường Sa chỉ toàn đá, san hô và cát. Còn cây xanh, đất để sự sống sinh sôi nảy nở là rất ít. Nếu mỗi người khách từ đất liền ra thăm Trường Sa, đến các đảo mà ai cũng chăm bẳm nhặt san hô, nhặt đá và hái bàng vuông mang về thì chỉ làm cho đảo ngày càng bé nhỏ đi, èo uột hơn trước thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt trong thời buổi trái đất đang ngày càng nóng dần lên. Do đó, thay vì ra Trường Sa kiếm quà theo kiểu vừa nói mang về cho người thân, mỗi người ra thăm đảo hãy mang theo vài ký đất các loại hoặc một cây xanh. Đây là món quà nhỏ để cùng chung tay góp phần vun đắp cho Trường Sa vạn đại xanh tươi giữa biển Đông, để cán bộ, chiến sĩ thêm yên lòng giữ đảo. Anh bạn nói tiếp: Mấy năm nay, nhiều cơ quan báo chí, nhiều địa phương, tổ chức trong cả nước có chương trình “Góp đá xây Trường Sa”, “Hướng về Trường Sa, Hoàng Sa” với nhiều hoạt động thiết thực như đóng góp vật chất xây nhà, làm điện gió, trang bị xuồng cao tốc… để cùng Nhà nước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo. Tại sao chúng ta lại vô tình làm Trường Sa “nghèo” đi bởi những đam mê, những thú vui mà thật ra nhiều khi đâu có phải là cấp thiết lắm trong đời sống hàng ngày?

 

Nghe anh bạn hỏi, tôi giật thột. Thế là sau khi lấy máy ảnh chụp lại viên san hô có chữ Nhẫn và dòng chữ “Kỷ niệm Trường Sa 5/2014” mà sư thầy viết tặng, đến đảo Trường Sa Đông, tôi nhẹ nhàng đặt nó xuống dòng nước xanh trong. Gửi lại Trường Sa viên san hô nơi nó sinh ra, tôi gửi lại một thói quen vô bổ không cần thiết và nghe lòng nhẹ nhõm khi trở lại đất liền. Tôi cũng nghiệm ra rằng, đến với Trường Sa, niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của mỗi con dân đất liền chính là cảm nhận phong cảnh thiên nhiên, cuộc sống con người nơi đây tuy còn khó khăn, khắc nghiệt nhưng không kém phần tươi đẹp, lạc quan. Từ đó, mới thấy yêu thương hơn nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc mà cùng chung tay xây đắp cho huyện đảo tiền tiêu ngày càng xanh tươi và phát triển bền vững vậy…

 

SÔNG BA HẠ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek