Trên những tấm bản đồ Việt Nam hoặc khu vực Đông Nam Á xuất bản tại phương Tây trong các thế kỷ XVI-XIX, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thường được miêu tả như “lưỡi dao” dài, kéo dọc suốt ngoài khơi đối diện với bờ biển Việt Nam. Tên của các đảo và quần đảo được ghi khá rõ trên bản đồ các bản đồ này. Đầu của “lưỡi dao” thường ghi: I.de Pracel (đảo Hoàng Sa), hay Paracel Islands, Paracel, Paracels, Pracel, Parcels... Điểm cuối của “lưỡi dao” thường ghi là Pulo Sissir (hay Pullo Sissir, Pulo Cécir), gồm có hai đảo: Pullo Sissir da Terra (Cù Lao Câu) và Pullo Sissir do Mar (Cù Lao Thu) ở vùng biển Bình Thuận ngày nay.
Vùng bờ biển Việt Nam đối diện với hai quần đảo này (vùng duyên hải miền Trung Việt Nam ngày nay) thì được ghi chú là Costa da Paracel, Coste de Pracel (bờ biển Hoàng Sa).
Chẳng hạn: bản đồ Asia do Gerard Mercator (1512 - 1594) thực hiện, bản đồ East India do Petrus or Pieter thực hiện năm 1594, bản đồ India Orientalis do Jodocus Hondius thực hiện năm 1613, bản đồ Insulæ Indiæ Orientalis Praæcipuæ do Jodocus Hondius thực hiện năm 1613, bản đồ Asia noviter delineata do Willem Janszoon Blaeu thực hiện năm 1617, bản đồ Asia do John Speed thực hiện năm 1626, bản đồ Asia do John Speed thực hiện năm 1626, bản đồ India Orientalis do Gerard Mercator thực hiện năm 1630, bản đồ Insulæ Indiæ Orientalis do Jodocus Hondius thực hiện năm 1632, bản đồ Carte de l’Asie do Van Lochem thực hiện năm 1640, bản đồ India quæ Orientalis dicitur, et Insvlæ Adiacentes do Willem Janszoon Blaeu thực hiện năm 1645, bản đồ Indiæ Orientalis do Visscher thực hiện năm 1680, bản đồ Carte des Costes de l’Asie sur l’ocean contenant les bancs isles et costes & c. do Alexis Hubert Jaillot thực hiện năm 1720, bản đồ Carte de l’Asia do Homann Heirs thực hiện năm 1744...
Đặc biệt, An Nam đại quốc họa đồ do Giám mục Jean Louis Taberd thực hiện năm 1838, có ghi dòng chữ “Paracel seu Cát Vàng”, nghĩa là “Paracel hoặc là Cát Vàng”. Cũng chính Giám mục Taberd trong bài viết in trên tạp chí The Journal of the Asiatic Society of Bengal (số 6, năm 1837) xuất bản tại Calcuta, đã khẳng định: “Paracels, hay Pracel, tức là Hoàng Sa - Cồn Vàng, thuộc về Cochinchina”.
Những bản đồ cổ phương Tây trong sưu tập này có niên đại trải dài từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, đều có thể hiện bằng hình vẽ hoặc bằng ghi chú vị trí của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở trong vùng biển của nước ta với nhiều tên gọi khác nhau. Điều này chứng tỏ từ thế kỷ XVI, nhiều người phương Tây đã biết đến vùng biển đảo Hoàng Sa và ghi nhận quần đảo này là một phần lãnh thổ của Việt Nam lúc bấy giờ, mà họ gọi là Cochinchine, Cochinchina, Cauchy-Chyna, Cochi-China, Cauchim Chynan, Annam…).
(Còn nữa)