- TOẢN TẬP THIÊN NAM TỨ CHÍ LỘ ĐỒ THƯ VÀ TÁC GIẢ ĐỖ BÁ
Tác phẩm 纂集天南四至路圖書 (Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư) được chép gộp cùng nhiều tác phẩm khác trong một tập sách gồm 6 phần khác nhau, được gọi chung là 洪德本圖 (Hồng Đức bản đồ)(1).
Phần thứ nhất thường được gọi là Hồng Đức bản đồ, gồm 3 bản đồ toàn thể lãnh thổ Đại Việt, 1 bản đồ trung đô (kinh đô Thăng Long) và 13 địa đồ của 13 thừa tuyên thuộc Đại Việt vào cuối đời Hồng Đức. Ở trang đầu tập sách có ghi dòng chữ: 洪德貳拾壹年肆月初陸日 (Hồng Đức nhị thập nhất niên tứ nguyệt sơ lục nhật: ngày mồng 6 tháng 4 năm Hồng Đức thứ 21 (1490).
Phần thứ hai là 3 đoạn văn trích từ 3 quyển sách: 交州志 (Giao Châu chí), 安南志畧 (An Nam chí lược) và 交趾道三 (Giao Chỉ đạo tam).
Phần thứ ba có tựa là 纂集天南四至路圖書 (Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư). Ngoài lời dẫn, phần này gồm 4 quyển, mỗi quyển gồm các bản đồ kèm theo chỉ dẫn:
Quyển 1 là 自昇龍至占城國 (Tự Thăng Long chí Chiêm Thành quốc) gồm bản đồ và chỉ dẫn đường đi từ kinh đô Thăng Long đến nước Chiêm Thành. Lời chú về Hoàng Sa nằm trong quyển này.
Quyển 2 là 京畿至欽州念州 (Kinh kỳ chí Khâm châu, Niệm châu) ghi chép về đường đi từ kinh đô Thăng Long đến châu Khâm và châu Niệm ở Quảng Đông (Trung Quốc).
Quyển 3 là 自奉天至廣西雲南 (Tự Phụng Thiên chí Quảng Tây, Vân Nam) ghi chép về đường đi từ phủ Phụng Thiên (Việt Nam) đến Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc).
Quyển 4 là 自京城至北關門 (Tự kinh thành chí bắc quan môn) ghi chép về đường đi từ Thăng Long đến ải bắc (Lạng Sơn) .
Phần thứ tư có tựa là 甲午年平南圖 (Giáp Ngọ niên bình Nam đồ) gồm 5 tấm bản đồ, vẽ đường đi từ Chiêm Thành đến biên giới Cao Miên.
Phần thứ năm có tựa là 景盛新圖大蠻國 (Cảnh Thịnh tân đồ Đại Man quốc). Đây là bản đồ do quan trấn thủ Hưng Hóa Nguyễn Án vẽ, có giới thiệu về nước Đại Man, lạc khoản đề 歲庚申九月十四日 (Tuế Canh Thân cửu nguyệt thập tứ nhật: ngày 14 tháng 9 năm Canh Thân (1800). Lời dẫn cho biết nước Đại Man nằm ở phía tây nam nước ta, phía nam giáp Xiêm La, Chiêm Thành, phía bắc tiếp giáp với nội địa Vân Nam, Quý châu. Đó chính là đất Lão Qua, Miến Điện xưa.
Phần thứ sáu có tựa là 高平府全圖 (Cao Bằng phủ toàn đồ), gồm 3 bản đồ của phủ Cao Bằng, Mục Mã trấn doanh và Cao Bằng trấn thành. Ngoài ra còn có phần 高平圖說 (Cao Bằng đồ thuyết), là phần chỉ dẫn của các bản đồ.
Hồng Đức bản đồ là một tập hợp gồm nhiều tác phẩm trải qua nhiều thời đại, nên việc xác định niên đại và tác giả chính xác của từng tác phẩm là điều rất khó. Trong bài này, chúng tôi chỉ xin đề cập niên đại và tác giả của Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, tác phẩm có phần bản đồ phủ Thăng Hoa và phủ Quảng Nghĩa với những lời chú dẫn về Hoàng Sa.
Đã có nhiều tác giả kiến giải niên đại của Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, như: Dumoutier (1896), Trương Bửu Lâm (1962)… Bằng cách đối chiếu các dị bản của Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm như: Thiên hạ bản đồ (A.2628); Thiên Nam lộ đồ (A.1018); An Nam hình thắng đồ (A.3034); Hồng Đức bản đồ (A.2499); Nam Việt bản đồ (A.1603); Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (A.73)… tác giả Phạm Hân trong bài viết “Tìm hiểu niên đại của Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” in trên tạp chí Hán Nôm (Số 1 năm 1994) đã khẳng định tác phẩm này được biên soạn vào năm thứ 7 niên hiệu Chính Hòa (1686) (2).
Ngay sau lời dẫn về những bản đồ trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư là dòng chữ 青江碧潮儒生中式杜伯氏公道甫撰 (Thanh Giang Bích Triều nho sinh trúng thức Đỗ Bá thị Công Đạo phủ soạn) cho biết tác giả của tập sách là một người họ Đỗ Bá tự là Công Đạo, nho sinh trúng thức ở xã Bích Triều, huyện Thanh Giang biên soạn.
Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết Thanh Giang là tên cũ của huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An vào đầu đời Lê(3).
Sách Thanh Chương huyện chí (bản lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu VHv.2557) xác nhận Đỗ Công Luận (tên chữ là Công Đạo), người thôn Cẩm Nang, xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Trong gia phả của họ Đỗ ở Cẩm Nang cho biết cụ thể hơn về Đỗ Bá: “Họ ta xưa có Đậu (Đỗ) Bá, tự Công Luận hoặc Công Đạo, tuổi trẻ đã đậu Hương giải, triều đình gia ân cho làm Giám sinh, nhưng ông không thích (không đến học). Ông lại là ấm tử, nên cho làm Tri huyện huyện Thạch Hà, ông cũng không muốn làm quan. Ông thường than rằng đất ta liền cõi Chiêm Thành trước kia hàng năm bị xâm lấn, có lần giặc giã vào chợ Phuống giết người cướp của thậm khổ. Vào khoảng thời Chính Hòa (1680-1705) ông từ quan, giả dạng người buôn, xuôi sông Lam, vượt Thuận Quảng, qua Chiêm Lạp và các nước, xem sông núi, đường biển xa gần, vẽ bản đồ mang ra Bắc, hiến kế mở biên giới vào phía nam.
Chúa (Trịnh Căn) rất mừng, đưa bản đồ cất vào kho. Lại yêu cầu ông soạn vẽ cho bộ “Tứ chí lộ đồ”(4).
Như vậy, với các nguồn tư liệu đáng tin cậy có thể biết được chính xác tác giả của Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư là Đỗ Bá tự là Công Đạo, người ở xã Bích Giang, huyện Thanh Chương, Nghệ An ngày nay. Điều này càng khẳng định tính chính xác niên đại và giá trị sử liệu của tác phẩm.
- TOẢN TẬP THIÊN NAM TỨ CHÍ LỘ ĐỒ THƯ
Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá soạn vẽ theo lệnh của chúa Trịnh dưới triều vua Lê Hy Tông (1676-1705). Đây là bộ bản đồ địa lý thứ hai của nước ta, sau bộ Hồng Đức bản đồ, được soạn vẽ theo chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông (1460-1497) và ban hành năm 1490. Bộ bản đồ này để lại cho chúng ta những thông tin quý báu về lãnh thổ nước Đại Việt vào thế kỷ XVII, trong đó có xứ Đàng Trong do chúa Nguyễn cai quản. Đặc biệt, những ghi chú khá tỉ mỉ về đảo Hoàng Sa là nguồn tư liệu vô giá chứng minh chủ quyền của nước ta.
Quyển 1 của toản tập có vẽ hình dải cát ở giữa biển, có quy mô rộng lớn, nằm ở ngoài khơi phủ Quảng Nghĩa, ngang với cửa Đại Chiêm (cửa Đại) ở phía bắc, cửa Sa Kỳ ở phía nam, với tên Nôm là Bãi Cát Vàng, cùng lời chú giải như sau:
Nguyên văn:
海中有一長沙名𡓁葛鐄約長四百里濶二十里卓立海中自大占海門至沙榮門每西南風則諸國商舶内行漂跋在此東北風外行亦漂跋在此並皆飢死貨物各置其處阮氏每年季冬月持船十八隻來此取貨多得金銀錢弊銃彈等物自大占門越海至此一日半自沙淇門至此半日其長沙處亦有玳瑁沙淇海門外有一山山上多產油木名油塲有巡 …
Phiên âm:
Hải trung hữu nhất Trường Sa, danh Bãi Cát Vàng ước trường tứ bách lý, khoát nhị thập lý, trác lập hải trung. Tự Đại Chiêm hải môn chí Sa Vinh môn, mỗi tây nam phong, tắc chư quốc thương bạc nội hành phiêu bạt tại thử, Đông Bắc phong, ngoại hành diệc phiêu bạt tại thử, tịnh giai cơ tử. Hóa vật các trí kỳ xứ. Nguyễn thị mỗi niên quý đông nguyệt trì thuyền thập bát chích, lai thử thủ hoá, đa đắc kim ngân tiền tệ súng đạn đẳng vật. Tự Đại Chiêm môn việt hải chí thử nhất nhật bán. Tự Sa Kỳ môn chí thử bán nhật. Kỳ trường sa xứ diệc hữu đại mạo. Sa Kỳ hải môn ngoại hữu nhất sơn, sơn thượng đa sản du mộc, danh du trường, hữu tuần…
Dịch nghĩa:
Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm đứng dựng giữa biển. Từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh mỗi lần có gió tây nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ở đây, đều cùng chết đói hết cả. Hàng hóa thì đều để nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng Chạp đưa 18 chiếc thuyền đến đây lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc tiền tệ súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm vượt biển đến đây thì phải mất một ngày rưỡi. Từ cửa Sa Kỳ đến đây thì phải nửa ngày. Chỗ bãi cát dài ấy cũng có đồi mồi. Ngoài cửa biển Sa Kỳ có một hòn núi, trên núi sản xuất phần nhiều là cây dầu, gọi là trường dầu, có đặt quan tuần sát…
Với lời chú trong phần bản đồ phủ Thăng Hoa và phủ Quảng Nghĩa, tác giả Đỗ Bá đã cho biết những thông tin vô cùng quý báu về vị trí địa lý và hóa vật của đảo Hoàng Sa (được gọi là Bãi Cát Vàng). Ngoài ra cũng cho biết việc các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã xác lập chủ quyền ở đó bằng cách hằng năm cho 18 đội thuyền ra thu sản vật và những đồ do tàu thuyền bị nạn dạt vào, đồng thời đặt quan tuần sát ở đó.
Trong tác phẩm 海紀外事 (Hải ngoại kỷ sự) của Hòa thượng Thích Đại Sán, người tỉnh Triết Giang (Trung Quốc), được chúa Nguyễn Phúc Chu mời sang Thuận Hóa vào năm Ất Hợi (1695) và trở về nước năm Đinh Sửu (1697), cũng có đoạn miêu tả về Hoàng Sa, gọi là 萬理長沙 (Vạn Lý Trường Sa). Hải ngoại kỷ sự cho biết “Thời quốc vương trước, hằng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư tất vào”(5).
Vạn Lý Trường Sa mà Thích Đại Sán đề cập trong Hải ngoại kỷ sự chính là Bãi Cát Vàng mà Đỗ Bá đã nhắc đến trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư. Hải ngoại kỷ sự ra đời sau Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư 11 năm nhưng cả hai tác phẩm đều đề cập đến đội thuyền 18 chiếc hằng năm được cử ra Hoàng Sa. Sự tương đồng về những ghi chép giữa hai nguồn sử liệu, một do người Việt Nam soạn (Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư) và một do người Trung Quốc soạn (Hải ngoại kỷ sự) cho thấy các hoạt động thực thi chủ quyền của chúa Nguyễn đối với khu vực Hoàng Sa (Vạn Lý Trường Sa, hay Bãi Cát Vàng) đã được ghi nhận trong các trước tác của người đương thời, cả người Việt, lẫn người Hoa. Ngoài ra, những ghi chép trong các bộ sử như: Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Nam hà tiệp lục của Lê Đản, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Đại Nam thực lục tiền biên và Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, hay các ghi chép của các nhà hàng hải phương Tây đã cho thấy những chú dẫn về Hoàng Sa trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư cơ bản là chính xác, mặc dù Đỗ Bá vẽ tập bản đồ này trong điều kiện hoàn toàn bí mật.
Tóm lại, Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá Công Đạo sưu tập, soạn vẽ vào những năm đầu niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) thời vua Lê - chúa Trịnh là tư liệu sớm nhất ghi chép về quần đảo Hoàng Sa và việc thực thi chủ quyền của các chúa Nguyễn trên đó. Tên gọi 𡓁葛鐄 (Bãi Cát Vàng) mà sau này thường được gọi là 黄沙 (Hoàng Sa) hay 黄沙渚 (Hoàng Sa chử) đã đi vào lịch sử cùng với quá trình đấu tranh xác lập chủ quyền trên vùng biển đảo của đất nước.
------------------
(1) Tác phẩm Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư mà chúng tôi giới thiệu trong bài viết này được trích từ tập Hồng Đức bản đồ, bản chữ Hán đang lưu trữ tại thư viện Đại học Hiroshima (Nhật Bản), mã số 98846. Tư liệu này do PGS.TS. Nishimura Masanari ở Đại học Kansai (Nhật Bản) cung cấp. Tác giả bài viết xin chân thành cảm ơn PGS.TS. Nishimura Masanari đã cung cấp tài liệu này.
(2) Xem thêm: Phạm Hân, “Tìm hiểu niên đại của Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư”, Hán Nôm, (Số 1/1994), 26 - 29.
(3) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, (Huế: Thuận Hóa, 1992), 123.
(4) Dẫn theo: Nguyễn Quang Ngọc, “Bản đồ Bãi cát vàng của Đỗ Bá và những tư liệu đầu tiên chép về đội Hoàng Sa”, nguồn: http://hoangsa.org/forum/downloads/99900-4-baicatvang.pdf
(5) Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, (Sài Gòn: Viện Đại học Huế - Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, 1963), 125.
TRẦN VĂN QUYẾN