Hai tháng qua, dư luận trong nước và quốc tế đã lên án mạnh mẽ hành động ngang ngược của Trung Quốc khi đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa của Việt Nam. Cùng với những việc làm thiết thực nhằm xây dựng, bảo vệ, phát triển buôn làng, đồng bào các dân tộc huyện Sông Hinh bày tỏ niềm tin sâu sắc đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta trong việc kiên trì với các giải pháp đấu tranh hòa bình vấn đề biển Đông, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Nguyễn Công Hoan, nguyên chiến sĩ Tàu Không số từ năm 1964 đến 1974, hiện đang trú tại 51 Ngô Quyền, thị trấn Hai Riêng. Ông Hoan cho biết, thực tế trong thời gian này, chính quyền ngụy quyền Sài Gòn đang chiếm giữ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đến năm 1974, trong khi đoàn tàu Không số của ông đang tập trung lực lượng ở khu vực đảo Hải Nam chuyển hàng phục vụ chiến trường miền Nam đánh Mỹ thì Trung Quốc đã có ý định đánh chiếm đảo. Năm 1975, ông trở về tiếp tục tham gia cùng đơn vị Đặc công 186 Hải quân và Đặc công Quân khu 5 giải phóng quần đảo Trường Sa. Trong những ngày qua, ông Hoan không khỏi bức xúc trước ý đồ bành trướng của Trung Quốc với những bằng chứng phi lý hòng độc chiếm biển Đông. Và cũng trong thời điểm này, ông dành nhiều thời gian hơn đến thăm con cháu, người thân, xóm giềng để nhắc nhở mọi người về chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc mà ông cha ta đã dày công xây dựng, gìn giữ. Ông Hoan bày tỏ: “Chúng tôi là những cựu chiến binh rất bất bình đối với quân ăn cướp Trung Quốc. Chúng tôi luôn ủng hộ Đảng và Nhà nước, đặc biệt là đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có những phát biểu khẳng định rõ ràng các quan điểm và đường lối của Đảng ta là quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”.
Hướng về biển, đảo quê hương, tuổi trẻ huyện Sông Hinh đã bày tỏ tình cảm, quyết tâm bằng những việc làm thiết thực. Lê Thị Ái Thủy, học sinh lớp 9D1, Trường THCS Trần Phú, huyện Sông Hinh, nói: “Được ngồi trên ghế nhà trường, được các thầy cô giảng dạy, cũng như được tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, em càng thêm yêu quê hương đất nước chúng ta hơn. Em sẽ quyết học tập thật tốt, để trở thành một công dân tốt, góp phần giúp đất nước đi lên, ngày càng phát triển mạnh giàu. Dân giàu, nước mạnh thì không thế lực nào có thể xâm hại được”. Còn Y Hốc, Bí thư Xã đoàn Ea Bia, bộc bạch: “Từ ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, chủ đề biển đảo là một nội dung quan trọng trong các kỳ sinh hoạt của các chi đoàn, được đoàn viên thanh niên thảo luận sôi nổi. Hơn thế nữa, Ban chấp hành Xã đoàn còn xuống từng thôn, buôn tổ chức các buổi tuyên truyền về Công ước Liên Hợp Quốc 1982, về Trường Sa, Hoàng Sa là máu thịt của Việt Nam. Qua đó, nhận thức của đoàn viên thanh niên càng sâu sắc hơn về chủ quyền biển đảo. Khí thế, tinh thần, nhiệt huyết của tuổi trẻ xã nhà là sẵn sàng lên đường bảo vệ khi Tổ quốc cần”.
Với chị Đàm Thị Sanh, dân tộc Nùng (xã Ea Ly) tuy sống ở vùng núi xa xôi còn nhiều khó khăn nhưng qua Đài Truyền hình Việt Nam, chị vẫn luôn dõi theo tinh thần bám biển can trường của bà con ngư dân, của các anh kiểm ngư, cảnh sát biển đang ngày đêm đối mặt với tàu Trung Quốc ở nơi hạ đặt trái phép giàn khoan. Chị cho rằng để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thì mỗi cá nhân cần tỉnh táo, cảnh giác hơn trước âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu. Chị nói: “Vừa rồi tôi coi thời sự mới biết một số người đã bị kẻ xấu kính động nên có những hành động quá khích, như vậy là không tốt. Tôi đề nghị các cơ quan nhà nước, các đoàn thể cần tổ chức các buổi sinh hoạt để tuyên truyền cho nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, để mọi người biết nhiều hơn về biển, đảo; về quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta xung quanh chuyện biển Đông. Từ đó, mỗi người sẽ có nhận thức và hành động đúng đắn để giữ gìn an ninh, chính trị, xây dựng quê hương phát triển”.
Phó bí thư thường trực Huyện ủy Tuy An Phạm Sơn Hải gặp chiến sĩ quê thôn 6, xã An Ninh Đông trên đảo Đá Lát (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) - Ảnh: T.BÍCH |
Còn Ma Ngố, Trưởng buôn Quang Dù (xã Đức Bình Tây), ngày ngày luôn dành nhiều sự quan tâm về biển đảo nhưng vẫn không quên ủ giống lúa mới, làm đất, gieo sạ lúa hè thu cho kịp thời vụ. Ma Ngố khảng khái: “Mình nói thẳng ra là cũng như đám rẫy của mình mà họ tới họ chiếm, họ làm, như vậy là quá đáng. Cho nên tốt nhất là giàn khoan Trung Quốc phải rút lui khỏi vùng biển Việt Nam. Việc làm của mình bây giờ là vận động bà con cứ yên tâm lao động sản xuất, khi có tình huống xảy ra thì sẵn sàng theo lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ”.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Sông Hinh Nguyễn Văn Ngọc, để tiếp tục củng cố sự nhất trí, đồng thuận trong Đảng, trong dân, thời gian qua, Huyện ủy thường xuyên quán triệt các văn bản đến các đảng bộ cơ sở về tình hình và quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về giải quyết các vấn đề ở biển Đông. Bên cạnh đó, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện cũng đã chủ động xây dựng chuyên mục tuyên truyền biển, đảo. Mặt trận và các hội đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền biển, đảo qua các buổi sinh hoạt thường kỳ, sinh hoạt chuyên đề. “Cùng với nhân dân cả tỉnh, đồng bào các dân tộc huyện Sông Hinh luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, thi đua lao động sản xuất, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh; cảnh giác đập tan các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, giữ vững sự bình yên, xây dựng buôn làng ngày càng phát triển. Đây là hành động thiết thực để góp phần cùng cả nước bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong những ngày tháng khó khăn này” - ông Ngọc nhấn mạnh.
VĂN THÙY