Những bản đồ này do các triều đại phong kiến Việt Nam vào thời Lê (1427-1788), thời chúa Nguyễn (1558-1775) hay thời Nguyễn (1802-1945) chính thức tổ chức thực hiện và ấn hành, hoặc do các bậc thức giả trong xã hội tự thực hiện và công bố trong các trước tác của họ.
Trên những bản đồ này, Hoàng Sa và Trường Sa được ghi nhận bởi hình vẽ và văn tự, bằng chữ Hán như: 黃沙 (Hoàng Sa), 黃沙渚 (Hoàng Sa Chử), 黃沙洲 (Hoàng Sa Châu), 萬里長沙 (Vạn Lý Trường Sa) hay chữ Nôm như: 𡌣葛鐄 (Bãi Cát Vàng), 𡑱鐄 (Cồn Vàng)... nằm ở ngoài khơi vùng biển miền Trung Việt Nam đương thời.
Do điều kiện và phương tiện đo đạc lúc bấy giờ còn sơ khai, tri thức về địa lý và bản đồ học của người đương thời chưa hoàn toàn chuẩn xác nên vị trí của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên các bản đồ này nằm ở gần bờ biển Việt Nam, có những sai biệt nhất định so với vị trí thực tế của các quần đảo này trên bản đồ Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, những miêu tả trong các sử liệu liên quan đến các bản đồ này đã ghi nhận các triều đại phong kiến Việt Nam đã quan tâm đến việc khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền tại các quần đảo này liên tục từ thế kỷ XVI đến nay, mà những bản đồ này là những bằng chứng cụ thể, xác thực.