Thứ Sáu, 20/09/2024 22:26 CH
Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa (Tiếp theo và hết)
Thứ Hai, 30/06/2014 09:35 SA

Ngày 26/5/2011, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tuyên bố 3 tàu hải giám của Trung Quốc xâm nhập lãnh hải của Việt Nam, phá hoại thiết bị và cản trở tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 2 của tập đoàn đang hoạt động tại vùng biển miền Trung chỉ cách mũi Đại Lãnh của tỉnh Phú Yên 120 hải lý(1). Hành động này đánh dấu sự leo thang trong hành động gây hấn của Trung Quốc đối với Việt Nam, được các phương tiện truyền thông chính thống của Việt Nam thông tin rộng rãi, kịp thời, gây dư luận bức xúc cho người dân Việt Nam(2). Đây được coi là hành động vi phạm chủ quyền thuộc loại nghiêm trọng nhất mà Trung Quốc từng thực hiện tại vùng biển của Việt Nam trong thời gian gần đây. Việc các tàu hải giám Trung Quốc vào rất sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của PVN là một hành động hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PVN(3).

 

Bản đồ thời vua Minh Mạng thể hiện rõ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng chữ Hán - Ảnh: TƯ LIỆU

 

Ngày 28/5/2011, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố: Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu nước này “chấm dứt ngay, không tái diễn” những hành động đó, đồng thời đòi bồi thường thiệt hại. Việt Nam cũng cho rằng hành động của Trung Quốc vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên trên biển Đông, cũng như “nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước”(4).

 

Ngày 29/5/2011, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga đã bác bỏ tuyên bố của bà Khương Du, nói khu vực xảy ra sự việc không thể do Trung Quốc quản lý, và lên án nước này đang “làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông”, “cố tình làm dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nêu rằng chính hành động của Trung Quốc đã đi ngược lại “nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước” và kêu gọi “giải quyết các tranh chấp liên quan bằng biện pháp hòa bình”. Việt Nam cũng khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là “không có cơ sở pháp lý”(5).

 

Ngày 9/6/2011, 2 tuần sau vụ tàu Bình Minh 2, một tàu thăm dò dầu khí khác của Việt Nam thuê lại tiếp tục bị tàu Trung Quốc phá hoại thiết bị. Tàu khảo sát địa chấn 3D Viking 2 của liên doanh CGG Veritas (Pháp) được Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam thuê để thăm dò dầu khí ngoài khơi Vũng Tàu đã bị 1 “tàu cá” của Trung Quốc (mang số hiệu 6226) chạy với tốc độ cao ngang qua và dùng “thiết bị chuyên dụng” cắt dây cáp, khiến tàu này phải ngừng hoạt động. Tiếp đó, 2 “tàu cá” khác của Trung Quốc (mang số hiệu 311 và 303) tiến vào “giải cứu” để tàu số 6226 rút lui an toàn(6).

 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga đã nêu rõ vụ việc trên, và lại “phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam”, yêu cầu phía Trung Quốc xuất phát từ tầm cao chiến lược của quan hệ Việt - Trung, “chấm dứt ngay và không để tái diễn” các vụ việc như thế. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối(7).

 

Ngày 5/6, tại Hội nghị An ninh châu Á lần thứ 10 (Đối thoại Shangri-La 10) diễn ra tại Singapo, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã có bài phát biểu quan trọng với chủ đề “Ứng phó với các thách thức an ninh biển mới”, trong đó nêu rõ: “vụ ngày 26/5/2011, tàu khảo sát Bình Minh 2 của Việt Nam bị cắt cáp thăm dò khi đang hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, gây lo ngại đến việc duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông cũng như khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã kiên trì giải quyết vụ việc trên bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế và nguyên tắc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn hòa bình, ổn định trên biển Đông và giữ mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng. Chúng tôi mong muốn những sự việc tương tự không tái diễn”(8).

 

Ngày 3/6, bên lề Đối thoại Shangri-La tại Singapo, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh khẳng định trong cuộc gặp với người đồng cấp Lương Quang Liệt của Trung Quốc, rằng: Việt Nam khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của mình đối với các vùng biển và thềm lục địa theo quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 và các văn bản pháp luật quốc tế. “Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc”(9).

 

Ngày 24/11/2011, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng tuyên bố việc Trung Quốc cho phép khai thác du lịch ở quần đảo Hoàng Sa là vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Tuyên bố này được đưa ra sau khi có tin ngày 22/11/2011, tỉnh Hải Nam của Trung Quốc đã cấp phép cho một công ty du lịch đưa khách đi tham quan từ đảo Hải Nam tới quần đảo Hoàng Sa.

 

Ngày 25/11/2011, tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội thứ XIII nước CHXHCN Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ: “Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta làm chủ thực sự, ít nhất từ thế kỷ 17 khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục hòa bình”. Theo Thủ tướng, năm 1974 Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa (lúc đó trong sự quản lý của chính quyền Sài Gòn). Chính quyền Việt Nam Cộng hòa lúc đó phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hợp Quốc can thiệp. Chính phủ lâm thời cách mạng miền Nam Việt Nam lúc đó cũng ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này. “Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta có đủ căn cứ và lịch sử pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết, đòi hỏi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, phù hợp với Công ước Luật Biển”, Thủ tướng nói. Đối với quần đảo Hoàng Sa, theo Thủ tướng năm 1975 Hải quân Việt Nam đã tiếp quản 5 đảo do quân đội của chính quyền Sài Gòn đang quản lý. Sau đó, với chủ quyền của Việt Nam, chúng ta tiếp tục mở rộng thêm lên 21 đảo với 33 điểm đóng quân. Ngoài ra, Việt Nam còn xây dựng 15 nhà giàn để khẳng định chủ quyền của chúng ta ở vùng biển này - vùng biển trong phạm vi 200 hải lý thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam... Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có cư dân đang làm ăn sinh sống trên một số đảo, trong đó có 6 khẩu đã sinh ra và lớn lên trên các đảo này”. Theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam chủ trương nghiêm túc thực hiện Công ước Luật Biển, Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC) và các nguyên tắc thỏa thuận mới đây đã ký với Trung Quốc. Việt Nam yêu cầu các bên giữ nguyên trạng, không làm phức tạp thêm để gây ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định khu vực này. Việt Nam cũng tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế xã hội và cơ sở vật chất kỹ thuật ở những nơi đang đóng giữ, để cải thiện đời sống và tăng cường khả năng tự vệ của quân dân trên đảo Trường Sa. Đối với hàng hải ở biển Đông, Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện và yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc thực hiện theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982 và tuyên bố DOC là phải bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự, tự do hàng hải ở biển Đông. Lập trường này của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ủng hộ, gần đây nhất là tại hội nghị cấp cao ASEAN với các đối tác(10).

 

Ngày 21/6/2012, Quốc hội khóa XIII của Việt Nam đã thông qua Luật Biển Việt Nam.

 

Luật Biển Việt Nam khẳng định chủ quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với các vùng nội thủy, lãnh hải, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên cơ sở các quy định của Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế. Đồng thời, Luật Biển Việt Nam quy định rõ Nhà nước Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế.

 

Trên thực tế, các sự kiện, văn kiện, chứng cứ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua bao thế kỷ đến nay còn rất nhiều. Tuy vậy, với một số dẫn chứng nêu trên, cũng có đủ cơ sở vững chắc để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với thực tiễn và pháp luật quốc tế.

 

Từ những tư liệu lịch sử - pháp lý rõ ràng và căn cứ vào những nguyên tắc của luật pháp và tập quán quốc tế, có thể rút ra các kết luận sau đây:

 

Thứ nhất, từ lâu, Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự và công khai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa khi mà các quần đảo đó chưa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào.

 

Thứ hai, suốt trong mấy thế kỷ, ít nhất là từ thế kỷ XVII đến nay, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện thật sự và liên tục chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Thứ ba, Nhà nước Việt Nam luôn luôn bảo vệ tích cực các quyền và danh nghĩa của mình trước mọi mưu đồ và hành động xâm phạm tới chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Thứ tư, việc xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam qua các triều đại cho đến ngày nay là phù hợp với tập quán và pháp luật quốc tế. Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn luôn khẳng định và có đầy đủ các căn cứ khoa học, pháp lý để chứng minh rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Mọi âm mưu và hành động xâm phạm chủ quyền không thể bác bỏ của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vi phạm pháp luật quốc tế.

 

--------------------------

(1) Theo TTXVN (27/5/2011) “Tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của Việt Nam” VietNamNet, truy cập 12/6/2011; BBC (27/5/2011). “Tàu Trung Quốc “vi phạm lãnh hải” Việt Nam”, BBC Vietnamese, truy cập 12/6/2011; “Mức độ gây hấn của Trung Quốc tăng lên”, VnExpress (6/1/2011), trung cập 1/6/2011; “BBC Vietnamese -Việt Nam - Ý đồ của TQ”, Bbc.co.uk.truy cập 1/6/2011; “Lam Nguyên” (16h57 ngày 5/3/2011”), “Trung Quốc đi ngược 16 chữ cam kết với Việt Nam”, VnMedia, truy cập 3/6/2011; BBC (28/5/2011), “Việt Nam phản đối TQ vi phạm lãnh hải”, BBC Vietnamese, truy cập 12/6/2011; BBC (29/5/2011), “Hà Nội phản bác lại Trung Quốc”, BBC Vietnamese, truy cập 12/6/2011.

(2) Tldd

(3) Tldd

(4) Tldd

(5) BBC (29/5/2011), “Hà Nội phản bác lại Trung Quốc”, BBC Vietnamese, truy cập 12/6/2011

(6) BBC (9/6/2011), “Tàu TQ lại “phá cáp” của tàu Việt Nam thuê”. BBC Vietnamese, truy cập 12/6/2011; Theo PetroTimes (10/6/2011), “Clip vụ tàu Viking II bị tàu Trung Quốc uy hiếp”, VnExpress. Truy cập 12/6/2011; Đông Hà, Minh Luận (10/6/2011), “Tàu cá Trung Quốc xông thẳng vào tàu Viking 2”, Tuổi trẻ Online, truy cập 12/6/2011.

(7) BBC (9/6/2011), ‘Tàu TQ lại “phá cáp” của tàu Việt Nam thuê”, BBC Vietnamese, truy cập 12/6/2011.

(8) http://vn.news.yahoo.com/ph%C3%Alt-bi%E1%BB%83u-c%E1%BB%A7a-b%E1%BB%99-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-ph%C3%B9ng-quang-thanh-123400555.html

(9) Bảo Trung (4/6/2011), “Đại tướng Phùng Quang Thanh gặp song phương BT Quốc phòng Trung Quốc”, VTV, truy cập 12/6/2011.

(10) file:///C:/Documents%20and%20Settings/BaDien/Desktop/%27Vi%E1%BB%87t%20Nam%20%C4%91%C3%B2i%20ch%E1%BB%A7%20quy%E1%BB%81n%20Ho%C3%A0ng%20Sa%20b%E1%BA%B1ng%20h%C3%B2a%20b%C3%ACnh%27%20-%20VnExpress.htm

 

PGS,TS NGUYỄN BÁ DIẾN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek