Thứ Sáu, 20/09/2024 23:51 CH
Tư liệu Hán Nôm về quần đảo Hoàng Sa trong sách Phủ biên tạp lục (Tiếp theo và hết)
Thứ Sáu, 20/06/2014 08:47 SA

Toàn cảnh đảo Phú Lâm. Ảnh chụp năm 1938 (tư liệu của UBND huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng)

Tuế dĩ tam nguyệt thụ thị hành sai tà lục nguyệt lương giá tiễu điếu thuyền ngũ chính xuất dương, tam nhật tam dạ thủy chí thử đảo, cư trú tứ tình thái thủ, bộ ngư điểu vi thực, sở đắc tào vật, mã kiếm, ngân hoa, ngân hoàn, đồng khí, tích khí, ô thuyền, súng khẩu, tượng nha, hoàng lạp, chiêu cụ, tư khí dữ thái đồi mồi giáp, hải sa giáp hải sâm, văn loa phả đa. Dĩ bát nguyệt kỳ hồi yên môn tựu Phú Xuân đầu nạp, dĩ bát nguyệt kỳ hồi Eo môn tựu Phú Xuân đầu nạp. Xưng nghiệm định hạng ngật thủy hứa tư mại. Văn loa, hải ba, hải sâm chư vật, lĩnh bằng phản hồi. Kỳ sở đắc hóa đa thiểu bất định; diệc hữu không hành giả tằng tra cựu cai đội Thuyên Đức hầu biên bạ, Nhâm Ngọ niên thập đắc ngân tam thập hốt. Giáp Thân niên đắc tích ngân thiên nhất bách cân. Ất Dậu niên đắc ngân nhất bách nhị thiên lục hốt. Tự Kỷ Sửu niên chí Quý Tỵ niên phàm ngũ niên gia tuế chỉ đắc đồi mồi, hải ba kỷ cao, giám hữu tích khối thạch tư dữ đồng súng nhị khẩu nhi dĩ. Nguyễn Thị hựu trí Bắc Hải đội vô định suất; hoặc Bình Thuận phủ Tứ Chính thôn; hoặc Cảnh Dương xã nhân hữu tình nguyện giả phó thị hành sai, miễn kỳ sưu tiền, sử giá tư tiểu điếu thuyền vãng Bắc Hải Côn Lôn Cù Lao Hà Tiên cồn đẳng xứ cân thủ tào vật, cập đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm các hạng, hựu lệnh cai Hoàng Sa đội quan tịnh quảng bất quá thái chư hải vật, kim ngân trọng hóa hãn hữu sở đắc.

 

Hoàng Sa chính cận Hải Nam Liêm Châu phủ, thuyền nhân thời ngộ Bắc quốc ngư chu dương trung tương vấn. Thường kiến Quỳnh Châu Văn Xương huyện chính đường quan tra Thuận Hóa công văn nội xưng Càn Long thập cửu niên An Nam Quảng Ngãi phủ Chương Nghĩa huyện Cát Liêm đội An Bình xã quân nhân thập danh ư thất nguyệt vãng vạn lý Trường Sa thái thập các vật. Bát viên đăng ngạn tầm mịch chư hạng, chỉ tồn nhị danh thủ thuyền, cuồng phong đoạn đĩnh, phiêu nhập Thanh cảng. Y quan tra thực áp tống hồi tịch. Hiểu Vương lệnh Thuận Hóa cai bạ Thức Lượng hầu vi thư dĩ phúc.

 

Dịch nghĩa:

 

Ở bên ngoài các cửa biển xứ Thuận Hóa, Quảng Nam có các ngọn núi đá nổi lên giữa biển để che chắn một vùng rộng hẹp khác nhau. Thôn Bắc Biên xã An Niểu ở phía nam châu Bố Chính có đỉnh núi tên là Cù Lao Cỏ, đi ra biển chừng 4 canh giờ là đến.

 

Bên ngoài cửa biển Đà Nẵng phủ Điện Bàn có ngọn núi tên gọi là Hòn Trà, Hòn Lỗ, đi ra khỏi cảng biển chừng nửa canh giờ là đến.

 

Bên ngoài cửa biển Đại Chiêm phủ Thăng Hoa có núi tên gọi là Cù Lao Chàm, gồm ba ngọn đối đỉnh nhau. Hai ngọn lớn cỏ cây xanh tốt, dân cư trồng cấy ruộng nương, gieo trồng các loại cam quýt, lạc đỗ, trên đảo có nước ngọt. Một ngọn núi nhỏ nhưng khô khốc. Từ đất liền đi ra ngoài biển chừng 2 canh giờ là đến.

 

Bên ngoài cửa biển xã An Vĩnh huyện Bình Sơn phủ Quảng Ngãi có ngọn núi tên gọi là Cù Lao Ré rộng hơn 30 dặm. Trước đây có dân phường Tứ Chính ở đây cày ruộng, trồng đậu. Từ đất liền đi ra biển chừng 4 canh giờ là đến. Bên ngoài khu đảo này lại có đảo Đại Trường Sa, trước đây có nhiều hải sản và hàng hóa, tàu thuyền. Nhà nước cho lập đội Hoàng Sa để đi thu lượm. Từ đất liền đi ra biển chừng 3 ngày là đến, ở đây gần với xứ Bắc Hải.

 

Bên ngoài các cửa biển mới lập Thời Phú, Nước Mặn, Nước Ngọt của phủ Quy Nhơn đều có núi đảo. Trên đảo có nhiều tổ chim én, Nhà nước cho lập đội Thanh Châu để đi thu lượm.

 

Bên ngoài cửa biển phủ Bình Thuận có núi tên gọi là Côn Lôn, rộng chừng mấy dặm, ở đây cũng có nhiều tổ chim én. Ở ngoài xa hơn nữa có ngọn núi tên gọi là Cù Lao Khoai, trước kia cũng có nhiều hải sản và hàng hóa của tàu thuyền. Nhà nước cho lập đội Hải Môn để đi thu lượm.

 

Bên ngoài cửa biển phủ Gia Định có ngọn núi tên gọi là Côn Lôn.

 

Bên ngoài cửa biển Hải Môn trấn Hà Tiên có ngọn núi tên gọi là Đại Côn Lôn, có cư dân sinh sống ở đây.

 

Đường sá theo đường bộ đi từ trấn Thuận Hóa vào trấn Quảng Nam, từ quán Luân Voi đến quán Trà đi hết nửa ngày, tối thì đến quán Tuần Ải, tiếp tục đi đến quán Sảng đi hết nửa ngày, tối thì đến quán Thanh Khê. Lại đi tiếp đến quán Miên Sa hết nửa ngày, tối thì đến doanh trấn Quảng Nam. Từ doanh Quảng Nam đi đến quán Bà Dầu. Lại đi tiếp đến quán Khang Thọ hết nửa ngày, tối thì đến quán Ông Bộ. Lại đi tiếp đến quán Bến Ván hết nửa ngày, tối thì đến quán Trì Bình. Lại đi tiếp đến quán Ô Sông hết nửa ngày, tối thì đến quán Trà Khúc. Lại đi tiếp đến quán La Hà hết nửa ngày, tối thì đến quán Địa Thi. Lại đi tiếp đến quán Hoa Sơn, tối thì đến quán Bến Đá. Lại đi tiếp đến quán Bồ Đề hết nửa ngày, tối thì đến quán Bồ Đề. Lại đi tiếp đến quán Phủ Cũ hết nửa ngày, tối thì đến quán Tre hết nửa ngày. Lại đi tiếp đến quán Làng Cả, lại đi tiếp đến quán Trò hết nửa ngày, tối thì đến quán Mới. Lại đi tiếp đến quán Canh Hàn hết nửa ngày, tối thì đến quán Phú Trung. Lại đi tiếp đến quán Rung Rinh Chân Đèo hết nửa ngày giáp với địa giới phủ Phú Yên, tổng cộng đi hết 14 ngày rưỡi.

 

Các đường chính đi theo đường thượng đạo, trung đạo cho đến vùng hạ bạn thì bắt đầu từ núi Đồng Bò giáp liền với đồn Tuần Cũ xuôi xuống đến đèo Bến Đá hết nửa ngày. Lại đi tiếp đến quán Lệ Dương hết một ngày. Lại đi tiếp đến công trường Đồng Dại hết nửa ngày. Lại đi tiếp đến quán Đồng Hươu hết nửa ngày. Từ Đồng Hươu đi đến Cầu Bông hết hai ngày. Từ quán Lệ Dương đi xuôi xuống đến đây cũng hai ngày. Từ Cầu Bông đi đến Tây Sơn hết một ngày. Từ Tây Sơn đi xuôi xuống đến quán Lạc giáp với đại lộ hết một ngày.

 

Viên Câu Kê đội Thuận Đức là Long Đức Bá chỉ dẫn đường quân đội đi từ doanh Quảng Nam đến phủ Quảng Ngãi như sau:

 

Đường đi từ điếm tuần Ải Vân đi đến doanh Quảng Ngãi tục gọi là Dinh Chiêm mà đi vào đánh dẹp phương nam đi qua sông đến Kẻ Thế (cầu có bắc ván nhỏ) qua dòng sông nhỏ Bào Toán, vượt qua quán Lang Châu ở xã Văn Quật (cầu có bắc ván) đi vào Đầm Khoai ở sông Bà Rèn (có 3 cầu bắc ván) đến quán Trà Đinh vượt qua các xã Hương Lý, Hương Lộc, Hương Tuyền (khe nhỏ có cầu bắc ván) qua quán Cát, quán Liễu đến xã Hà Lam là hết một ngày đường.

 

Đường đi tiếp đến quán Cây Mít ở xã Bà Tư (có khe suối nhỏ), vượt qua đi đến quán xã Trường An ở xã Cẩm Lũ (suối nhỏ có cầu lát ván bắc qua), đến quán Kế Xuyên (suối có cầu lát ván bắc qua) đến quán Lò Thổi, quán Sỏi (suối có cầu lát ván bắc qua) đến quán Tháp (có hai cây cầu lát ván), rồi đến chợ Chiên Đán là hết một ngày đường.

 

Lại đi tiếp qua Suối Đá (suối có cầu lát ván bắc qua) tới sông Tam Kỳ vượt qua quán Phú Khang đến sông Bầu Báu là hết một ngày đường. Lại đi tiếp qua quán Trà Lý, quán Cây Kinh đến chợ Cầu Ông Bộ (nằm ở bên đường giáp giới vùng núi) đến quán Trảy, quán Cát (hai xứ đều toàn cát và bụi rậm, tục gọi là Truông Cát) đến sông Bến Ván là hết một ngày đường. Lại đi tiếp qua quán Thạch Sôi (toàn là cát và cỏ rậm, giáp liền với núi rừng) đến quán Ốc (cũng toàn là cát và cỏ rậm) là chỗ giáp giới giữa hai phủ Thăng Hoa, Điện Bàn với phủ Quảng Ngãi. Lại đi tiếp vào Quảng Ngãi đến quán Trì Bình (đường đi cũng giáp núi) tới chỗ Quán Suối (suối có cầu lát ván bắc qua, đường đi giáp núi) đến quán Trò là hết một ngày đường. Lại đi tiếp qua chợ Mới (suối có cầu lát ván bắc qua) qua sông Châu Ô đến quán Ô Sông (cũng có cầu lát ván bắc qua) tới Truông Ba Gò lại tới Cầu Cháy là hết một ngày đường. Lại đi tiếp qua quán Hàng Dừa, quán Lân Đồ (đường đi giáp núi) tới cầu kênh Hàng Dừa, quán Trò (có ba nơi có cầu lát ván bắc qua, phường Rượu đến sông lớn Trà Khúc là hết một ngày đường. Lại đi tiếp đến chợ Dinh Chương Nghĩa (có dòng suối nhỏ) tới quán Ba La (suối có cầu tre bắc qua), đến quán La Hà (suối có cầu tre bắc qua, lại tiếp giáp với rừng) đi tiếp đến cầu Cây Vả là hết một ngày đường (suối có hai cây cầu bắc qua).

 

Lại đi tiếp qua quán Nghĩa Trang, đến quán Hoa Sơn đi qua quán Triều, quán Bờ Đạp (có dòng suối nhỏ) đến quán Trà Câu (suối có cầu tre bắc qua) đến quán Cát là hết một ngày đường. Lại đi tiếp qua quán Sứ, quán Miên Khê (suối có cầu lát ván bắc qua), giáp liền với chân đèo Bến Đá, quán Dốc Ma (ở Bến Đá), đến quán Đỉnh Đèo là hết một ngày đường, tới chỗ phủ Quảng Ngãi giáp với phủ Quy Nhơn, tổng cộng đi hết 12 ngày. Đấy là đường đi của quân đội, còn hành trình đi bộ của dân thường thì từ Kẻ Thế đi đến chợ Chiên Đàn là hết một ngày đường. Lại đi tiếp từ Bến Ván đến Cầu Cháy là hết một ngày đường. Lại đi tiếp đến cầu Cây Vả là hết một ngày đường. Lại đi tiếp từ Bến Đá đến Đỉnh Đèo là hết một ngày đường. Tổng cộng đi hết 6 ngày.

 

Hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn có ba xứ Phòng Tây, Thu Bồn và Vực Rắn đều là đồng ruộng mênh mông. Ở phủ Quảng Ngãi có xã Phú Xuân ở huyện Bình Sơn, xã Phúc Khang ở huyện Chương Nghĩa, đồng đất tiếp giáp với sông ngòi, đất đai bằng phẳng màu mỡ, rộng đến mấy ngàn mẫu ruộng, được gọi là Tiểu Đồng Nai. Trước đây họ Nguyễn lập ra 70 trại chiêu tập dân miền núi và khách Tàu đến khai khẩn cày cấy, thu được rất nhiều thóc lúa.

 

Xã An Vĩnh(1), huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi giáp liền với biển. Ở vùng biển xa về phía đông bắc có nhiều đảo núi, các núi lẻ tẻ kế tiếp nhau nhiều đến hơn 130 ngọn. Giữa các ngọn núi là biển, đảo núi xa cách nhau hoặc là đi một ngày đường hoặc đi hết mấy canh giờ. Trên núi có suối nước ngọt, trong các đảo có bãi cát vàng (Hoàng Sa chử) dài hơn 30 dặm, rộng lớn bằng phẳng, nước trong vắt nhìn tận đáy. Ở bên các hòn đảo có vô số tổ yến, chim chóc nhiều đến ngàn vạn con, thấy người đến thì chúng vây kín chung quanh chẳng hề né tránh. Bên bãi cát có vô số loài vật kỳ lạ như ốc hoa còn gọi là ốc tai voi, to như chiếc chiếu, dưới bụng có các hạt to bằng ngón tay, màu đục chẳng bằng màu trai minh châu. Vỏ ốc ấy gọt thành thẻ bài, lại có thể đem nung vôi xây nhà trát vách. Có loại tên là Xà Cừ, có thể dùng làm đồ trang sức. Lại có loài ốc tên là ốc hương(2). Thịt các loài ốc này đều có thể ướp muối nấu ăn. Loài đồi mồi thì rất lớn, có loài ba ba biển (hải ba) tục gọi là con trăng bông. Cũng có loài giống như con đồi mồi song hình thể nhỏ hơn, mai mỏng có thể dùng làm đồ trang sức, trứng nó to bằng ngón tay to, đem muối dùng làm thức ăn. Lại có loài hải sâm, tục gọi là con đót đót, bơi lội ở bên bãi biển. Bắt hải sâm đưa về lấy vôi xát qua, tuốt bỏ ruột đi đem phơi khô. Đến khi ăn thì đem ra ngâm vào nước cua đồng rồi nạo qua cho sạch đem nấu với tôm hoặc thịt lợn thì càng ngon.

 

Các thuyền tàu nước ngoài đi biển gặp hải bão lớn đều đến neo đậu ở đây. Trước đây họ Nguyễn lập ra đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh sung vào. Mỗi năm luân phiên tổ chức đi ra biển, cứ vào tháng 3 nhận lệnh chịu sai dịch, mang theo sáu tháng lương thực đủ dùng. Đội dùng năm chiếc thuyền câu nhỏ chở đi ra biển suốt ba ngày ba đêm liền thì mới bắt đầu đến được đảo này. Thuyền dừng ở đấy thả sức thu lượm, bắt lấy chim cá mà ăn. Lại lấy được đồ vật của tàu thuyền như kiếm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, thỏi thiếc, thỏi chì, súng ống, ngà voi, sáp ong, đồ chiêu, đồ sứ. Lại thu lượm cả mai đồi mồi, mai ba ba biển, hải sâm, ốc hoa rất nhiều.

 

Đến kỳ tháng 8 thì trở về cửa Eo rồi đi đến thành Phú Xuân để giao nộp. Cân đo định hạng đủ rồi, mới bắt đầu cho bán riêng các loại ốc hoa, ba ba biển, hải sâm, rồi đến lĩnh lấy bằng cấp mà quay về. Hàng hóa hải vật thu lượm được nhiều ít không nhất định, cũng có lần ra đi mà trở về tay không.

 

Từng tra sổ sách của đội cũ ấy là Thuyên Đức hầu thấy biên chép là:

 

- Năm Nhâm Ngọ (1702) thu lượm được 30 thỏi bạc.

 

- Năm Giáp Thân (1704) thu lượm được 5.100 cân thiếc.

 

- Năm Ất Dậu (1705) thu lượm được 126 thỏi bạc.

 

- Từ năm Kỷ Sửu (1709) đến năm Quý Tỵ (1713) tức là trong khoảng 5 năm, mỗi năm chỉ thu lượm được mấy cân đồi mồi, ba ba biển. Thi thoảng cũng thu được thỏi thiếc, bát sứ và hai khẩu súng bằng đồng mà thôi.

 

Họ Nguyễn còn xây dựng đội Bắc Hải, không quy định gồm bao nhiêu suất, hoặc lấy người ở thôn Tứ Chính, hoặc lấy người ở xã Cảnh Dương, cũng có người tình nguyện, cho phép đi sai dịch, được miễn tiền đóng sưu sai. Lệnh cho đội này dùng chiếc thuyền câu nhỏ ra cù lao Côn Lôn ở vùng biển Bắc Hải vào các cồn đảo ở Hà Tiên, để thu lượm hàng hóa trong các con tàu, và các thứ đồi mồi, ba ba biển, bào ngư, hải sâm, lại sai luôn viên chức trông coi đội Hoàng Sa kiêm quản cả đội này. Thế nhưng họ chỉ thu lượm được các loại hải sản, còn tiền bạc và các hàng hóa quan trọng thì ít có thể thu lượm được.

 

Bãi cát Hoàng Sa ở gần phủ Liêm Châu trên đảo Hải Nam. Người chở thuyền trên biển thỉnh thoảng lại gặp thuyền đánh cá của Bắc quốc, thuyền đánh cá ở giữa biển khơi, đôi khi gặp nhau liền đánh tiếng hỏi thăm nhau. Ta từng thấy trong công văn cũ của viên Tri huyện huyện Văn Xương ở Quỳnh Châu lục soát các công văn cũ thấy văn bản có khi ghi là năm Càn Long thứ 19, mười tên quân nhân ở xã An Bình đội Cát Liêm huyện Chương Ngãi phủ Quảng Ngãi nước An Nam vào ngày tháng 7 vượt qua muôn dặm trường sa vạn lý thu thập các hải sản và đồ vật. Tám tên đó đã đi lên bờ thu nhặt hải vật, chỉ còn lại hai tên ở lại giữ thuyền. Chợt có một trận cuồng phong thổi đến làm đứt dây buộc thuyền, khiến con thuyền trôi dạt vào vùng cảng nhà Thanh. Viên quan ở địa phương ấy tra xét đích thực liền cho dẫn trả về nguyên quán. Chúa Nguyễn là Hiểu Vương ra lệnh cho Cai bạ ở Thuận Hóa là Thức Lượng hầu viết thư phúc đáp.

Hà Nội ngày 1 tháng 1 năm 2011

Người dịch: Lương Thị Thu

Hiệu đính: PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

 

(1) Nguyên bản viết là An Bình, có lẽ nhầm

(2) Nguyên bản viết là chữ giả, là nhầm

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek