Thứ Tư, 25/12/2024 12:42 CH
Tư liệu Hán Nôm về quần đảo Hoàng Sa trong sách phủ biên tạp lục
Thứ Ba, 17/06/2014 08:16 SA

Nghi lễ chào cờ của đơn vị lính bảo an người Việt được cử ra trấn đóng tại đảo Hoàng Sa - Ảnh chụp năm 1938

Nội dung tập tư liệu này được khảo xét giới thiệu qua ba phần:

 

- Tiểu sử tác giả Lê Quý Đôn và quá trình biên soạn Phủ biên tạp lục.

 

- Nội dung phản ánh trong Phủ biên tạp lục.

 

- Trích dịch bài tựa sách và những đoạn chép về quần đảo Hoàng Sa.

 

Phần 1: Tiểu sử tác giả

 

Lê Quý Đôn sinh năm 1726 tại làng Duyên Hà, huyện Duyên Hà trấn Sơn Nam Thượng, nay thuộc huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình, tên tự là Doãn Hậu, tên hiệu là Quế Đường. Ông lớn lên trong gia đình có truyền thống nho học, thân phụ ông là Lê Phú Thứ thi đỗ Tiến sĩ, làm quan đến Thượng thư bộ Hình. Do vậy thuở nhỏ Lê Quý Đôn được giáo dưỡng rất nghiêm, đọc rộng biết nhiều. Khoa thi Hương năm 1743 ông thi đỗ Giải nguyên lúc đó mới 18 tuổi. Năm 1752 ông thi đỗ Đình Nguyên Bảng nhãn, rồi được bổ làm Thị thư học sĩ ở Viện Hàn lâm. Năm 1757 được thăng làm Thị giảng học sĩ. Năm 1760 giữ chức Thừa chỉ học sĩ. Ông có biệt tài trước tác nên được sung vào ban Toản tu Quốc sử, dần thăng đến Quốc sử quán Tổng tài.

 

Năm 1774 lợi dụng tình thế rối reng ở Đàng Trong, chúa Trịnh Sâm cử Việp công Hoàng Ngũ Phúc làm Chinh nam Đại tướng quân mang quân vượt sông Gianh vào đánh Phú Xuân, chúa Trịnh Sâm tự làm tướng đem quân vào đóng ở Nghệ An làm thế thanh viện cho Việp Công. Lúc này Lê Quý Đôn cùng ba viên đại thần khác là Nguyễn Hoàn, Nguyễn Đình Thạch, Nguyễn Đình Huấn được giao trọng trách ở lại trấn thủ Kinh thành. Tháng 12 năm 1775 Chinh nam Đại tướng quân Hoàng Ngũ Phúc bị bệnh nặng, chúa cho rút về điều dưỡng, rồi cử Bùi Thế Đạt thay quyền trấn thủ Thuận Hóa, Lê Quý Đôn và Nguyễn Mậu Dĩnh được cử làm Hiệp trấn. Chúa Trịnh Sâm lại lệnh cho các quan ở Thuận Hóa phải thu thập tư liệu ở xứ này và liên tục gửi về Thăng Long cứ mười ngày một lần. Trong sáu tháng ở Thuận Hóa, Lê Quý Đôn đã đi điều tra tìm hiểu để viết báo cáo gửi về triều đình, những báo cáo này đã được ông tập hợp để rồi viết thành sách Phủ biên tạp lục. Trước khi viết Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn đã có kinh nghiệm biên soạn các bộ sách nổi tiếng khác như Kiến Văn tiểu lục, Quần thư khảo biện, Lê triều thông sử, Quốc sử tục biên, Thánh mô hiền phạm... do vậy khi viết Phủ biên tạp lục ông đã biết cách phân chia sắp xếp, thu thập tư liệu tinh xác để đưa ra các nhận định khoa học đầy sức thuyết phục.

 

Sơ đồ Đại Việt quốc

 

Phần 2: Nội dung Phủ biên tạp lục

 

Hiện trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm chúng tôi thấy có hàng chục văn bản. Ở đây chúng tôi căn cứ vào bản VHv.1181, sách gồm 6 quyển, mỗi quyển trên trăm trang.

 

Quyển 1 ghi chép lại quá trình quân và dân Đại Việt mở mang khai thác hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam.

 

Trong quyển 1 này tác giả ghi chép đầy đủ tên các phủ huyện tổng xã của cả hai xứ vùng lãnh thổ Hoàng Sa thuộc vào huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi, xứ Quảng Nam.

 

Quyển 2 ghi chép địa thế núi sông và thành lũy của toàn bộ xứ Quảng Nam và xứ Thuận Hóa. Phần này cũng ghi chi tiết đường xá và lộ trình đi lại giữa các phủ huyện, có cả đường bộ và đường thủy.

 

Trong quyển này có khoảng 16 trang viết về quần đảo Trường Sa (từ tờ 83 đến tờ 111). Thời kỳ này Lê Quý Đôn ghi được tên quần đảo là Đại Trường Sa, nằm ở ngoài biển cả thuộc xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi.

 

Quyển 3 ghi chép ruộng đất, có kê khai rõ ruộng công và ruộng tư từng phủ huyện. Đặc biệt có kê khai tường tận toàn bộ số thóc lúa do xứ Thuận Hóa và xứ Quảng Nam phải nộp. Ghi chép rõ thể lệ thi cử tuyển dụng nhân tài theo lệ cũ của chúa Nguyễn ở hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam.

 

Cuối quyển 3 ghi chép về chế độ binh lính ở hai xứ, đặt ra quân hiệu, xét duyệt phân loại và tổ chức quân đội thời cũ ở hai xứ này.

 

Quyển 4 ghi chép toàn bộ các nguồn thuế ở khu vực này, đồng thời có chỉ rõ việc khai khoáng như vàng, bạc, đồng, sắt ở đây. Cuối quyển này chỉ ra đường xá giao thông và việc đắp đường đi lại.

 

Quyển 5 ghi chép nhân tài và thơ văn.

 

Quyển này ghi chép được rất nhiều danh nhân xứ Đàng Trong, đặc biệt là tài thơ văn, trong đó có các vị như Mạc Thiên Tứ, Ngô Thế Lân, Trần Thiên Lộc. Riêng số thơ Đường luật của các vị thi nhân Đàng Trong đã nhiều đến trăm bài.

 

Quyển 6 Ghi chép đầy đủ các sản vật quý hiếm ở vùng Thuận Quảng như:

 

Cao mật gấu ở châu Bố Chính.

Nhâm sâm hoa tía ở Bắc Bố Chính.

Gỗ táu ở Kỳ Hoa.

Gỗ kiền kiền ở Quảng Điền.

 Sợi bông hoa ở Diên Khánh.

Gỗ hoa lệ có ở nhiều nơi trong hai xứ.

Hồ tiêu ở huyện Minh Linh.

Cây ý dĩ còn gọi là bo bo, vừng mè trồng nhiều ở Thuận Hóa.

Làm chiếu cói ở Bố Trạch.

Làm giấy ở Hương Trà.

Nghề đúc đồng ở Hội An.

Xà cừ ở Quảng Nam.

Dệt lụa ở phủ Điện Bàn.

 

Nhìn chung sách Phủ biên tạp lục của Bảng nhãn Lê Quý Đôn cung cấp nhiều tư liệu quý cho đời sau tham khảo. Đặc biệt ở quyển 2 khi ghi chép về hình thế núi sông ở hai xứ Quảng Nam và Thuận Hóa này, cũng có những đoạn ghi khá chi tiết về khu vực hai đảo này. Sách có ghi sự kiện chúa Nguyễn cử đội thuyền ra khai thác hải sản ở đây. Cư dân của hai phường An Vĩnh và An Hải cư trú ở đảo Lý Sơn là nhân lực chủ yếu thực thi công việc này. Hai xã An Vĩnh và An Hải thuộc huyện Bình Sơn phủ Quảng Ngãi. Năm 1775 khi Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc tiến đánh phía nam đã từng đóng quân ở huyện Bình Sơn.

 

Để hiểu rõ hơn về các tư liệu Hán Nôm ghi chép về vùng biển Hoàng Sa trong sách Phủ biên tạp lục này ngoài phần giới thiệu tổng quan ở phần 1, phần 2 như trên, chúng tôi sẽ tuyển dịch những nội dung cụ thể như sau:

 

 

 

Phần 3: Tuyển dịch

 

 

Phiên âm:

 

Sĩ quân tử chi lị quan tòng chính dã khởi duy ung dung lang miếu đàm văn nhã, xưng đức vọng thời nhi tuần lịch biên quan, hữu phương diện chi trách, diệc tư sở dĩ phủ tuất binh nông, hưng tiện trừ hại, tuyên bố điều giáo, di dịch phong tục, tận kỳ tâm lực chi sở cập, tuần kỳ chức phận chi đương vi dĩ phó hĩ bệ gia huệ nguyên nguyên chi ý, tuy thời hữu nan dịch, thế hữu khả bĩ, tùy nghi nhi tễ lượng chi tự vô bất thích dã. Tống Âu công vân: Trị dân giả bất vấn hiến tài năng phủ, đãn dân xưng tiện tức thị lương lại vi chính nhi chí. Sử dân xưng bất tiện kỳ khả tai?

 

Bộc dĩ dung tiễn, hạnh phùng nhân thánh, phụng thị chính phủ. Giáp Ngọ thu trị hữu chinh nam chi dịch, mệnh tướng xuất ư. Kế nhi lục phi chỉnh giá, thập nhất nguyệt đông khắc bình Thuận Hóa. Ất Mùi hạ quan quân lược định Quảng Nam, mưu mô chỉ hoạch, hạch đắc tham dự. Thị đông trấn thủ nha môn ư Phú Xuân Đoan quận công dĩ Đốc Suất kiêm Tổng lĩnh. Viết Bính Thân điêu ưng giản mệnh Tham thị quân vụ hiệp trấn thủ tư thổ, nhập cảnh lại dân án đổ, điền trù khẩn tịch canh tác giai an, ngung ngung hướng hóa. Thánh chủ chinh thảo tuy hoài chi uy đức hữu dĩ trí nhiên. Thượng tướng quân Việp quận công quân lệnh nghiêm túc, đáo xứ chiêu tập chi công diệc bất vu dĩ.

 

(Còn nữa)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Mỗi lòng dân xây một bảo tàng
Thứ Bảy, 14/06/2014 07:00 SA
Ngư dân Đông Hòa quyết tâm bám biển
Thứ Bảy, 14/06/2014 06:35 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek