Lần đầu tiên, Quân khu V tổ chức Hội thi Chính trị viên (CTV) Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) xã, phường, thị trấn giảng dạy chính trị giỏi. 22 thí sinh đại diện cho 11 tỉnh, thành phố đã hội tụ về Trường Quân sự tỉnh Phú Yên cùng nhau so tài.
Đại tá Nguyễn Hữu Chỉnh, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu V trao bằng khen cho các thí sinh đạt giải cao - Ảnh: X.HIẾU
TRÌNH ĐỘ ĐỒNG ĐỀU
Trong 22 thí sinh (mỗi tỉnh, thành phố 2 người) tham gia Hội thi CTV Ban CHQS xã, phường, thị trấn giảng dạy chính trị giỏi có 2 “bông hoa” xinh đẹp đều đến từ Khánh Hòa và một người dân tộc Xê Đăng. Độ tuổi bình quân của thí sinh là 40; trong đó trẻ nhất là thí sinh Phạm Văn Nguyên (TX Sông Cầu, Phú Yên) 30 tuổi và cao tuổi nhất là thí sinh Trần Lợi (tỉnh Ninh Thuận) 56 tuổi. Về chuyên môn, học vấn, 3 thí sinh có trình độ thạc sĩ, đại học: 14 thí sinh, cao đẳng: 2 thí sinh, trung cấp: 3 thí sinh. Để đến với “đấu trường” cấp quân khu, có mặt tại hội thi này, các thí sinh đã vượt qua sự tuyển chọn khắt khe từ 2 vòng thi cấp huyện và tỉnh (thành phố).
Cuộc thi diễn ra với ba phần bắt buộc: Chuẩn bị đề cương giáo án bài giảng; thực hành bài giảng chính trị trong thời gian không quá 30 phút và thi hiểu biết (trả lời câu hỏi bốc thăm và xử lý tình huống). Do được chuẩn bị kỹ nên bước vào hội thi tất cả thí sinh đều rất tự tin.
Ở phần chuẩn bị đề cương giáo án bài giảng, nhờ chịu khó nghiên cứu tài liệu, hệ thống hóa, ghi nhớ chính xác, thấu đáo các văn bản, pháp luật của Nhà nước về quân sự - quốc phòng, nhất là Luật Dân quân tự vệ, Pháp lệnh Dự bị động viên, các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn… nên nhiều thí sinh chuẩn bị đề cương, bài giảng hết sức công phu, đúng quy định, trình bày rõ ràng, sạch đẹp, bố cục hợp lý, sưu tầm bổ sung nhiều tư liệu hay, liên hệ thực tiễn địa phương nên chất lượng đồng đều. Tiêu biểu như giáo án bài giảng của các thí sinh: Lê Quang Hòa (Quảng Nam), Võ Quốc Tuấn (Đắk Nông), Phạm Văn Nguyên (Phú Yên), Lê Hồng An (Đắk Lắk), Nguyễn Thị Thanh Lê (Khánh Hòa)…
Phần chính của hội thi là thực hành bài giảng chính trị theo nội dung do Ban giám khảo chỉ định, theo ba chuyên đề: “Âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với nước ta”, “Đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay”, “Quan điểm, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta”. Mỗi người mỗi phong cách sư phạm, sở trường và có điểm mạnh riêng. Trong khi những thí sinh trẻ tuổi tỏ rõ thế mạnh trong ứng dụng công nghệ thông tin, giảng dạy theo phương pháp mới (giáo án điện tử) thì những thí sinh lớn tuổi cho thấy sự dày dạn kinh nghiệm trong phương pháp truyền thống, bình tĩnh xoay chuyển các câu hỏi hóc búa của Ban giám khảo. Nếu như thí sinh nam mạnh mẽ, hào sảng trong khi truyền đạt nội dung bài giảng thì thí sinh nữ lại uyển chuyển, khéo léo trong cách đặt và giải quyết vấn đề. “Điểm chung của các thí sinh là bám sát giáo án, nội dung, yêu cầu của bài giảng, thực hiện đúng quy trình lên lớp, biết vận dụng, kết hợp nhiều phương pháp như: thuyết trình, diễn giải, quy nạp, gợi mở, trực quan…; kết hợp tốt giữa nói và trình bày bảng, phân tích, lý giải và liên hệ thực tiễn làm cho nội dung bài học phong phú, sinh động, người nghe dễ tiếp thu” đại tá Nguyễn Hữu Chỉnh, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu, Trưởng ban giám khảo hội thi nhận xét.
Hội thi diễn ra từ 29-31/5 được Ban tổ chức đánh giá là “hoàn thành mục đích, yêu cầu đề ra”. Kết quả, 100% đạt loại giỏi, trong đó có 2 giải nhất, 4 giải nhì, 4 giải ba, 12 giải khuyến khích được Quân khu tặng bằng khen, giấy khen. Trong đó, 2 thí sinh của đoàn Phú Yên đạt giải nhì và khuyến khích. Bộ CHQS và Trường Quân sự tỉnh Phú Yên đã làm tốt nhiệm vụ của đơn vị đăng cai, được Quân khu tặng bằng khen.
BÁM ĐUỔI QUYẾT LIỆT
Phần thi nhận thức bằng phương pháp trắc nghiệm và viết câu hỏi tự luận đòi hỏi thí sinh phải nắm vững kiến thức quốc phòng - quân sự; vận dụng lên hệ thực trạng công tác giáo dục chính trị cho các đối tượng ở cơ sở… các thí sinh đều thể hiện tương đối tốt. Theo đại tá Nguyễn Hữu Chỉnh, hình thức mới và khó là thi xử lý tình huống. Ở phần thi này đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức tổng hợp, kinh nghiệm thực tiễn, nắm vững nguyên tắc tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào từng vấn đề, từng trường hợp cụ thể thì mới có thể giải quyết tốt tình huống. Nhận thức được những yêu cầu đó, các thí sinh đã dành nhiều thời gian cho việc ôn luyện kiến thức, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm…, kể cả khi đã bước vào cuộc thi, nên đã tự tin trả lời trôi chảy, mạch lạc câu hỏi, có phân tích, liên hệ… và “vượt ải” không khó. Do trình độ khá đồng đều, các thí sinh luôn bám đuổi sát sao về điểm thi, liên tục có sự thay đổi thứ tự trong bảng tổng sắp sau từng “chặng đua” nên rất khó dự đoán ai sẽ là người đoạt giải. Phải đợi đến phần thi cuối cùng và kết thúc cuộc thi, Ban giảm khảo mới phân định được vị thứ của từng thí sinh.
Phan Thị Như Thùy, một trong hai thí sinh nữ của đơn vị Khánh Hòa cho biết: Hội thi giúp chúng tôi nhận thức rõ hơn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục chính trị cho lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên. Qua đó tiếp tục suy nghĩ, tìm cách đưa công tác này ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, độ tin cậy của lực lượng vũ trang địa phương, xây dựng xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cùng chung suy nghĩ trên, thí sinh Võ Quốc Tuấn (Đắk Nông) chia sẻ: “Ngoài được dịp học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm trong việc giảng dạy chính trị cho dân quân, dự bị động viên, nhờ có hội thi này mà chúng tôi được đi thăm Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Bến và Tàu Không số Vũng Rô; hiểu biết hơn về quê hương Phú Yên anh hùng, xinh đẹp và mến khách”.
LẠC VIỆT