Thứ Ba, 21/01/2025 14:28 CH
Kiên cường bảo vệ chủ quyền biển đảo
Thứ Tư, 18/02/2015 07:00 SA

Một phần trong nghi lễ chào cờ trên đảo Trường Sa - Ảnh: Tư Liệu

2014 là năm ghi dấu ấn đặc biệt trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Đỉnh điểm là cuộc đấu tranh chống lại việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 vào khoan thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. 

 

Trong suốt 2 tháng rưỡi, từ ngày 2/5 đến ngày 15/7/2014, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam là Cảnh sát biển và Kiểm ngư đã kiên cường đấu tranh buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam. Sát cánh với họ là ngư dân các tỉnh miền Trung, những “cột mốc chủ quyền sống trên biển” đã kiên trì bám biển, không chỉ vì mục đích mưu sinh, mà còn vì mục tiêu giữ vững ngư trường truyền thống mà cha ông và bản thân họ đã gắn bó từ bao đời nay, bất chấp sự đe dọa, uy hiếp và tấn công của các lực lượng quân sự trá hình của Trung Quốc.

 

TRANH THỦ SỰ ỦNG HỘ CỦA BẠN BÈ QUỐC TẾ

 

Cuộc đấu tranh chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam thông qua sự kiện “giàn khoan Hải Dương 981” tuy gian khó nhưng đã dẫn đến những hiệu quả đặc biệt:

 

Thứ nhất, là “tạo nên sự đồng thuận và tinh thần đoàn kết quốc gia trong cuộc đấu tranh chống lại mưu đồ và hành động bá quyền của Trung Quốc ở biển Đông”. Có thể trước đó một bộ phận lớn người Việt Nam ở trong và ngoài nước vẫn còn mơ hồ với vấn đề chủ quyền biển đảo, hay chưa hiểu hết những âm mưu và thủ đoạn của Trung Quốc nhằm chiếm đoạt biển Đông, thì với sự kiện “giàn khoan Hải Dương 981” người dân Việt Nam không còn mơ hồ về mục tiêu, ý đồ và quyết tâm “nuốt trọn biển Đông” của Trung Quốc. Tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam được nhân lên gấp bội, người dân Việt Nam đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia.

 

Thứ hai, thông qua cuộc đấu tranh chống lại “giàn khoan Hải Dương 981”, Việt Nam đã tạo nên một hình ảnh về một quốc gia kiên cường, nhưng khôn khéo, biết kiềm chế và tuân thủ luật pháp quốc tế trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia của mình. Nhờ đó Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế, đặc biệt là các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc; được các nước ASEAN như Philippines, Singapore, Indonesia tin tưởng và đánh giá là một đối tác tin cậy trong việc gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực. Trong khi đó, sự kiện “giàn khoan Hải Dương 981” đã khiến cho Trung Quốc “đánh rơi” hình ảnh “trỗi dậy hòa bình” mà họ đã dày công gầy dựng và tuyên truyền trong mấy thập kỷ qua, khiến các nước đối tác và láng giềng của Trung Quốc đã thay đổi nhận thức, coi Trung Quốc là “một nước lớn đang bắt nạt các nước láng giềng nhỏ hơn”.

 

Thứ ba, suốt 74 ngày Trung Quốc kéo giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì hàng trăm nhà báo Việt Nam và hàng chục phóng viên, thông tín viên của các hãng truyền thông lớn trên thế giới, từ Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nhật, Canada… đã đổ về vùng điểm nóng mang tên “Hải Dương 981” ở vùng biển Hoàng Sa để trực tiếp tường thuật những hành vi bạo ngược của phía Trung Quốc cũng như hoạt động đấu tranh kiên quyết và khôn ngoan của phía Việt Nam. Giới truyền thông quốc tế đã chứng kiến sự hung hãn, phi nhân, bất chấp luật pháp quốc tế mà Trung Quốc “phô diễn” tại hiện trường và đã phản ánh và tố cáo những hành động vô nhân đạo đó của Trung Quốc với công luận thế giới thông qua truyền thông.

 

Thứ tư, chính sự kiện “giàn khoan Hải Dương 981” đã trao cho Việt Nam những cơ hội hợp tác mới, ở tầm cao hơn, với các đối tác như Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ: Nhật Bản chính thức đề nghị hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực tác nghiệp cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam; Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, tạo cơ hội cho Việt Nam được mua một số thiết bị quốc phòng như radar, tàu tuần tiễu, máy bay tuần tra, máy bay săn ngầm… nhằm nâng cao năng lực bảo vệ an ninh biển; Ấn Độ thì xác định sẽ ưu tiên hỗ trợ Việt Nam hiện đại hóa lực lượng vũ trang, hợp tác hải quân và khai thác dầu khí trên biển…

 

VẠCH TRẦN MƯU ĐỒ CỦA TRUNG QUỐC

 

2014 cũng là năm Việt Nam đã có những thành công về mặt trận ngoại giao và học thuật thông qua việc tổ chức các hội thảo quốc tế về biển Đông. Đáng chú ý là 3 cuộc hội thảo do Đại học Đà Nẵng và Trường đại học Phạm Văn Đồng tổ chức tại TP Đà Nẵng trong các ngày 20 và 21/6/2014; do Trường đại học Tôn Đức Thắng tổ chức tại TP Hồ Chí Minh trong các ngày 25 và 26/7/2014; và do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại TP Đà Nẵng trong các ngày 17 và 18/11/2014.

 

Các cuộc hội thảo này đã quy tụ hàng trăm học giả hàng đầu ở trong nước và quốc tế trong các lĩnh vực lịch sử, pháp lý và ngoại giao liên quan đến chủ quyền và tranh chấp chủ quyền ở biển Đông. Các học giả đã phân tích, mổ xẻ những vấn đề liên quan đến cuộc tranh chấp chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông, đồng thời chỉ trích hành động nguy hiểm và vi phạm pháp luật quốc tế của Trung Quốc khi nước này đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khoan thăm dò trong thềm lục địa Việt Nam; lên án hành động vô nhân đạo của Trung Quốc đã dùng vũ lực tấn công lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam và đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Không chỉ phê phán Trung Quốc vi phạm pháp luật quốc tế và xâm hại chủ quyền biển đảo Việt Nam, các học giả tham gia hội thảo cũng thảo luận về chính sách quản lý xung đột và giải quyết tranh chấp chủ quyền thông qua cơ chế tòa án quốc tế, phương thức quản lý xung đột bằng con đường ngoại giao ôn hòa để giữ gìn biển Đông thành một vùng biển của hòa bình, hợp tác và thịnh vượng. Các học giả cũng kêu gọi Việt Nam nên sử dụng các cơ chế pháp lý quốc tế để khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) hay Tòa án Trọng tài về Luật Biển (ATLS)… để bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ ngư dân và môi trường biển của Việt Nam. Ngoài ra, trước những hành động của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng các thực thể địa lý trong biển Đông trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong khu vực quần đảo Trường Sa, các học giả quốc tế đã vạch trần mưu đồ “độc chiếm biển Đông” của Trung Quốc và đồng thuận với Việt Nam hình thành một “mặt trận học thuật” để đấu tranh với những hành vi phi pháp của Trung Quốc.

 

Các cuộc hội thảo quốc tế này là nơi để Việt Nam cung cấp cho các học giả quốc tế những chứng cứ xác thực về lịch sử xác lập và thực thi chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Đồng thời đây cũng là nơi mà các học giả quốc tế đã lên tiếng ủng hộ quan điểm của Việt Nam trong vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, lên án tư tưởng bá quyền và âm mưu của Trung Quốc nhằm kiểm soát và “đánh cắp biển Đông làm của riêng”.

 

Việt Nam đã kiên cường đấu tranh và thu được thắng lợi trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, không chỉ ở trên thực địa mà trên cả mặt trận thông tin, tuyên truyền và mặt trận ngoại giao, học thuật. Cuộc đấu tranh này đã thể hiện sự kiên quyết, đồng thời chứng tỏ sự khôn ngoan, mềm dẻo và tính chính nghĩa của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền quốc gia đầy cam go và ngày càng phức tạp.

 

Tiến sĩ TRẦN ĐỨC ANH SƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bay cùng “chim sắt”
Thứ Hai, 23/02/2015 10:00 SA
Cuộc giải cứu thần kỳ trong lòng đất
Chủ Nhật, 22/02/2015 14:00 CH
Tướng út và Ký ức thơ
Thứ Bảy, 21/02/2015 15:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek