Thứ Ba, 21/01/2025 14:42 CH
Cuộc giải cứu thần kỳ trong lòng đất
Chủ Nhật, 22/02/2015 14:00 CH

25 giờ có mặt ở hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng), những người lính công binh Lữ đoàn Công binh 293 (Bộ Tư lệnh Công binh) với phần đông là thanh niên Phú Yên đã góp công lớn vào câu chuyện thần kỳ giải cứu thành công 12 công nhân bị mắc kẹt trong lòng đất lạnh. Đây là một trong những cuộc giải cứu hồi hộp nhất trong lịch sử tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây và là 1 trong 10 sự kiện nổi bật trong nước năm 2014 do các cơ quan báo chí bình chọn.

 

Binh nhất Hoàng Văn Thảo trong vòng tay chúc mừng của đồng đội - Ảnh: PHƯỚC TUẤN

 

CHUYỆN VỀ NGƯỜI ĐẦU TIÊN THÔNG HẦM

 

Chúng tôi tìm đến nhà binh nhất Hoàng Văn Thảo, người chiến sĩ dân tộc Tày 26 tuổi đã cuốc những mẻ đất cuối cùng để thông hầm cứu 12 nạn nhân bị mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng. Sau những ngày mưa, con đường dẫn vào buôn Zô, xã Ea Ly, huyện Sông Hinh nhầy nhụa bùn đất. Tiếp chúng tôi trong căn nhà xây khang trang, nằm ở cuối buôn, ông Hoàng Văn Minh, ba của Thảo nói: “Hôm theo dõi chương trình thời sự giải cứu thành công 12 nạn nhân trong vụ sập hầm thủy điện trên tivi, bất ngờ thấy con trai phát biểu, chúng tôi mới biết thành tích của nó và đơn vị. Sau đó, Thảo có điện thoại về nhà kể chuyện cùng đồng đội ngày đêm đào hầm cứu người an toàn. Nghe giọng nó hồ hởi, rồi bà con trong buôn biết tin đến nhà chúc mừng, gia đình tôi vui lắm”.

 

Theo ông Minh, trước đây, gia đình ông ở Đắk Lắk. Năm 2007, cả gia đình chuyển xuống buôn Zô lập nghiệp. Vì điều kiện gia đình khó khăn nên Thảo nghỉ học từ năm lớp 9, phụ giúp ba mẹ phát rẫy trồng mía, nuôi em trai đi học. Đầu năm 2013, Thảo kết hôn với cô gái Ê đê ở cùng buôn. Khi vợ mang thai được 5 tháng thì anh nhận lệnh nhập ngũ. Suy nghĩ thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc là trên hết nên gia đình động viên Thảo gác hạnh phúc cá nhân sang một bên, lên đường tòng quân. “Quân đội là nơi rèn luyện rất tốt nên gia đình tôi hy vọng thằng Thảo sẽ trưởng thành, chín chắn hơn”, ông Minh bộc bạch.

 

Trước khi tham gia giải cứu các nạn nhân bị mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng, Thảo có 14 ngày phép về thăm nhà. Lần đầu tiên, người thanh niên dân tộc Tày này nhìn thấy mặt con trai đầu lòng Hoàng Gia Bảo. Xúc động, anh ôm con vào lòng nhưng cháu bé đẩy anh ra vì “lạ mặt”. Mãi đến 4-5 ngày sau, nhờ gần gũi, cháu Bảo mới cho ba ẵm. Chị Ksor Hờ Kéo, vợ Thảo tâm sự: “Đầu tháng 2, anh Thảo xuất ngũ. Gia đình đợi anh về, tổ chức cúng thôi nôi cho con và ăn mừng chiến công anh cùng đồng đội đào hầm, cứu người an toàn. Đây là niềm vui không chỉ của riêng anh mà còn là niềm tự hào của gia đình và buôn làng”.

 

Không kìm nén nổi cảm xúc khi nhắc về đứa con thứ ba trong gia đình, bà Nông Thị Bích, mẹ Thảo thổ lộ: “Từ nhỏ, Thảo đã là một đứa cần cù, chịu khó, luôn nghĩ cho người khác. Một lần, có đứa bạn bị thanh niên trong xóm bắt nạt, nó đứng ra ngăn, chịu đòn thay. Từ ngày đi bộ đội, nó thêm chững chạc, rắn rỏi hơn. Trong lần điện thoại gọi về nhà gần nhất, nó khoe sắp được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có công thông hầm, cứu người”.

 

Các công binh quê Phú Yên mừng rỡ vì thông hầm, giải cứu an toàn 12 công nhân - Ảnh: PHƯỚC TUẤN

 

CHIẾN CÔNG KHÓ QUÊN TRONG ĐỜI

 

Theo thượng tá Lê Quang Huy, Phó chính ủy Lữ đoàn Công binh 293, thanh niên Phú Yên là lực lượng nòng cốt xây dựng đơn vị. Trong huấn luyện, rèn luyện, các chiến sĩ quê xứ Nẫu luôn chấp hành tốt nội quy, hòa nhập với môi trường quân ngũ nhanh và có nhiều tiến bộ. Ngoài ra, mỗi khi có nhiệm vụ đột xuất, các chiến sĩ đều là những người hăng hái xung phong đi đầu. Trong 102 công binh của lữ đoàn tham gia cứu nạn ở Đạ Dâng, có đến hơn 2/3 chiến sĩ quê ở Phú Yên. Trong điều kiện vô cùng nguy hiểm: thiếu ánh sáng, thiếu oxy, thời tiết rất lạnh, địa chất bất ổn…, với quyết tâm cao, lòng dũng cảm, kiên cường, các chiến sĩ đã làm nên chiến công vẻ vang: thông hầm và đưa các nạn nhân ra ngoài an toàn trước thời gian dự tính 2 ngày.

 

Chúng tôi tìm đến TX Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, nơi Lữ đoàn Công binh 293 đóng quân để gặp những người con của Phú Yên vừa lập chiến công trong lòng đất cao nguyên Lâm Viên. Nhưng thủ trưởng đơn vị cho biết, sau khi giải cứu nạn nhân thành công, với quân phục còn lấm lem bùn đất Đạ Dâng, các chiến sĩ đã lập tức lên đường nhận nhiệm vụ mới tại vùng sâu vùng xa khác ở Lâm Đồng. Vì tính chất bí mật của quân đội nên khu vực này không cho người dân vào. Tuy nhiên, được lãnh đạo lữ đoàn tạo điều kiện, chúng tôi đã có cuộc trao đổi qua điện thoại nội bộ với Hoàng Văn Thảo và các chiến sĩ quê Phú Yên trực tiếp tham gia cuộc giải cứu. Anh Thảo cho biết: “Đây là một kỷ niệm đáng tự hào với những chiến sĩ sắp xuất ngũ như tôi. Trong ngách hầm cứu nạn chỉ cao ngang hông, mồ hôi ướt nhẹp áo, tóc bết bùn đất, chúng tôi vừa khom lưng xúc từng xẻng đất đá chuyền ra ngoài, vừa cẩn thận gia cố hầm để khỏi bị sập. Dự kiến, ngách hầm bên trái này, chúng tôi cần đào sâu đến 30m mới vào đến khu vực các nạn nhân bị kẹt. Nhưng khi cần mẫn đào đến mét thứ 14, sau một nhát cuốc, tôi phát hiện ra một tia sáng yếu ớt lóe lên từ một lỗ thủng nhỏ. Ngay lập tức, tôi và đồng đội liền báo lên chỉ huy và tiếp tục đào thêm một đoạn dẫn, khoét lỗ cho trung úy Nguyễn Văn Tiền chui vào, tiếp cận các công nhân bị mắc kẹt. Khi dìu nạn nhân ra khỏi hầm đến lều chăm sóc y tế, tôi vẫn không thể tin rằng mình và đồng đội thông hầm sớm như vậy”.

 

Thượng tá Lê Đình Hùng, Phó lữ đoàn trưởng Quân sự Lữ đoàn Công binh 293, người trực tiếp chỉ huy lữ đoàn tham gia cứu hộ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, cho biết: “Với phương pháp đào hầm trong cát, các chiến sĩ công binh của đơn vị đã bất chấp hiểm nguy, gian khổ, thực hiện thành công việc đào thông hầm cứu các nạn nhân. Một số chiến sĩ quê Phú Yên như: Hoàng Văn Thảo, Lê Đức Vũ Mon, Nguyễn Trọng Lành, Lý Xuân Thịnh, Nguyễn Minh Định… cùng đồng đội đã tỏ rõ bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ rằng “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Việc cứu nạn thành công 12 nạn nhân như là món quà công binh muốn dành tặng nhân dân trước thềm xuân mới Ất Mùi 2015”.

 

HÀ KIỀU MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek