Chủ Nhật, 13/10/2024 23:26 CH
Tướng út và Ký ức thơ
Thứ Bảy, 21/02/2015 15:00 CH

Từ một chiến sĩ trong lực lượng vũ trang (LLVT) Phú Yên, rồi trở thành tướng lĩnh trong Quân đội nhân dân Việt Nam, gần nửa thế kỷ gắn với binh nghiệp, trung tướng Nguyễn Thành Út (nguyên Phó tư lệnh Chính trị Quân khu 5) chỉ có đôi dòng Ký ức thơ. Ông bảo: “Tôi không quen viết nhật ký, cũng không quen làm thơ. Những điều tôi ghi chép trong 34 trang giấy là “tài sản” để lại cho riêng các con tôi”.

 

Từ TP Tuy Hòa tôi bắt xe đò lên TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) tìm gặp trung tướng Nguyễn Thành Út. Nhiều năm viết báo, tuyên truyền về lực lượng vũ trang, thường được nghe các anh ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhắc đến tướng Út nhưng tôi chưa một lần được gặp ông trực tiếp, nên lần này quyết tâm được diện kiến. Nhà ông không khó tìm, tôi đến thẳng Binh đoàn 15 hỏi là có người chỉ bởi con dâu ông đang làm việc ở đó. Khi biết tôi là “đồng hương Tuy Hòa huyện” lên, ông rất vui. Trong suốt gần 2 tiếng đồng hồ hàn huyên, trò chuyện với người khách “không mời mà đến”, ông chia sẻ về những điều tâm huyết sau 46 năm gắn bó với quân đội, nhưng về bản thân mình, ông rất kiệm lời…

 

TRƯỞNG THÀNH TỪ CHIẾN SĨ

 

Trung tướng Nguyễn Thành Út sinh năm 1942 tại thôn Bàn Nham, xã Hòa Xuân, huyện Tuy Hòa (nay là xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa). Khi đang học đệ tứ thì ông phải bỏ học giữa chừng. Năm lên 18 tuổi, ông từ giã gia đình, khoác ba lô lên đường tòng quân theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, mà từ ngữ ông dùng là “chạy lên rừng”. Thời gian đầu, ông làm công vụ cho Tỉnh đội trưởng Nguyễn Lầu, sau đó làm lính đặc công của Đại đội 202 do đồng chí Lê Trung Kiên làm đại đội trưởng. Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, ông được điều về làm lính Quân khu 5, “lang bạc kỳ hồ” (theo cách nói của ông) hết Sư 2, đến Quân đoàn 3, sang Quân đoàn 4 rồi vào đầu quân cho Quân khu 7. Ông trải lòng: “Thời điểm những năm 60, chiến trường rất khốc liệt, với cái tầm giác ngộ của một thanh niên tuổi mới mười tám đôi mươi, nếu ở quê nhà không phải là vùng địch tạm chiếm có khi tôi cũng đã đào ngũ vì rất nhớ nhà, nhớ người thân. Nhưng cuối cùng, tôi đã trụ vững”.

 

Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước hát khúc khải hoàn, non sông thu về một mối, nhưng hòa bình chưa được bao lâu thì chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra. Nguyễn Thành Út lại cùng đồng đội tiếp tục tòng chinh bảo vệ biên cương Tổ quốc; sang tận Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp nước bạn khỏi họa diệt chủng của Khơ me đỏ. Năm 1990, từ Quân khu 7, cấp trên điều ông về làm Phó chủ nhiệm Chính trị, rồi Chủ nhiệm Chính trị, Bí thư Đảng ủy - Phó tư lệnh Chính trị Quân khu 5. Ông được phong quân hàm thiếu tướng năm 1994 và 8 năm sau là trung tướng. Vị tướng về hưu cho biết, trước khi trở thành tướng lĩnh trong quân đội, ông đã từng là “một chiến sĩ lâu năm”. Đây chính là khoảng thời gian đủ để ông thấu hiểu và dành trọn tình thương mến sâu sắc của mình cho người chiến sĩ. Vì vậy, dù ở vị trí nào, là tiểu đoàn trưởng hay phó tư lệnh quân khu, ông luôn đề cao và quý trọng chiến sĩ. Và theo ông, đại đội chính là nơi bắt đầu cho sự rèn luyện của một người lính.

 

Niềm vui cuối đời của tướng Nguyễn Thành Út - Ảnh: XUÂN HIẾU

 

KÝ ỨC DÒNG ĐỜI

 

Ngoài những kinh nghiệm kể trên mà theo tướng Út có lẽ chỉ có giá trị với riêng mình, tài sản lớn nhất ông để lại cho các con của ông là tập thơ chép tay, gồm 23 bài với tựa Ký ức thơ, bài dài nhất  69 câu và bài ngắn nhất vỏn vẹn chỉ 7 câu. 

 

Trong đó, Trở về là bài thơ ông tâm đắc nhất, được viết vào đêm 20/7/2006, trước ngày ông nhận sổ hưu vào sáng hôm sau và được đặt trang trọng ở đầu tập thơ. Bài thơ chất chứa bao tâm tình sâu lắng của một vị tướng khi nhìn lại dòng đời đã qua với những tháng ngày gian khổ cùng đồng đội “thân trần che đạn cho nhau” trên chiến trường: Ra đi tròn mười tám/ Trở về tuổi sáu tư/ Cố nhớ buồn vui trong quá khứ/ Lục tìm kỷ niệm tuổi đôi mươi/ Mới biết mình “ngu” không ghi chép/ Làm sao nhớ nổi một dòng đời…

 

Hay bài Phú Yên, ông viết tháng 1/1976, sau khi nước nhà thống nhất chưa được bao lâu: Con đã về đây với Phú Yên/ Mùa hoa tươi đẹp đến đầu tiên/ Mùa xuân độc lập thiêng liêng nhất/ Nam - Bắc bây giờ mãi đoàn viên… Trong bài thơ dài 39 câu này, ông không quên nhắc đến người tỉnh đội trưởng đầu tiên của Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ - người chỉ huy mà ông vô cùng kính trọng, nể phục: Anh hùng LLVT Nguyễn Lầu. Ông cũng không quên người đại đội trưởng đáng kính Anh hùng LLVT Lê Trung Kiên cùng bao đồng chí đồng đội khác như: Anh hùng LLVT Lương Tấn Thịnh, liệt sĩ Tô Ngọc Trác - người vừa được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời nhắc đến từng tên đất, tên làng thấm đẫm nghĩa tình của nơi chôn nhau cắt rốn - Phú Yên: Đau thương mà rất đỗi can trường/ Máu tiếp máu hồng tươi sự sống/ Cho hôm nay và cho mai sau… Và trong dòng đời đã đi qua, ông cũng đã dành một phần đáng kể để viết về đồng chí, đồng đội, viết cho người yêu: Em sống mãi trong anh/ Phần đời sâu thẳm nhất/ Chưa kịp nói với nhau/ Những lời từng giấu cất… (Viết cho em - tháng 10/1967). Và hạnh phúc vỡ òa khi 35 tuổi ông mới được làm cha: Cha chưa biết hát ru con/ Nhưng có tiếng hò ơi của mẹ/ Chín tháng ròng con ơi có biết/ Mẹ chắt từng giọt máu nuôi con… (Ru con (tặng vợ) -6/4/1977).

 

46 năm trong quân đội, 27 năm gắn bó ở chiến trường, 7 lần bị thương… đã để lại trong ông nhiều ký ức khó phai. Ở cái tuổi ngoài “xưa nay hiếm”, là thương binh hạng 2/4 lại mang trong mình căn bệnh cao huyết áp phải thường xuyên điều trị ngoại trú, nhưng tướng Út vẫn chưa chịu ngơi nghỉ. Khỏe ngày nào là ông lại vác cuốc lên rẫy chăm sóc cà phê, ra vườn chăm sóc cây cảnh. Hạnh phúc nhất đời ông là hai con trai đều đã trưởng thành, có công việc ổn định và đã cho ông lên chức nội. Trong ngôi nhà số 74 Trường Sơn (phường Yên Thế, TP Pleiku nơi tướng Út hưởng tuổi già thường đầy ắp tiếng cười của đôi vợ chồng già và đứa cháu gái kháu khỉnh.

 

XUÂN HIẾU

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek