Chủ Nhật, 13/10/2024 23:31 CH
Dấu ấn đường Trường Sơn huyền thoại
Thứ Tư, 18/02/2015 00:00 SA

Cựu chiến binh Trường Sơn tỉnh Phú Yên tại Đền thờ Đường 20 Quyết Thắng trên đường Trường Sơn - Ảnh: HÀ MY

Trên dãy Trường Sơn hùng vĩ của đất nước, có một con đường đã đi vào lịch sử như một chiến công chói lọi của kháng chiến chống Mỹ. Hôm nay, đi trên con đường Trường Sơn xưa, nay là đường Hồ Chí Minh vắt qua rừng núi trùng điệp, chứng kiến sự hồi sinh trên những mảnh đất một thời là túi lửa, nhiều người sẽ cảm phục sự phi thường của bộ đội Trường Sơn năm xưa và tự hào hơn về sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam…

 

Đường Trường Sơn chiến lược là một kỳ công lịch sử, một con đường huyền thoại, một mặt trận tiêu hao, tiêu diệt địch, góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. (Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người phát lệnh mở đường mòn Trường Sơn)

VƯỢT ĐẠI NGÀN, CHUYỂN HÀNG VÀO NAM

 

Chúng tôi tìm đến nhà ông Trương Bình Trọng (phường 2, TP Tuy Hòa), một trong 500 chiến sĩ đầu tiên vạch rừng, mở lối mòn Trường Sơn huyền thoại. Người chiến sĩ 85 tuổi đời của Đoàn 559 bồi hồi, nhớ lại: “Lúc được tổ chức giao nhiệm vụ bí mật thồ thuốc men, đạn dược sang bờ nam sông Bến Hải để chuyển vào miền Nam, tôi phấn khởi lắm. Lớp lớp thanh niên chúng tôi ngày ấy đã ra trận chẳng nghĩ gì hiểm nguy, gian khổ. Cõng 30kg hàng đi trong đêm, nhiều hôm mưa rừng lạnh cóng, phải băng dốc cao, suối sâu, đỉa bám đầy người, đến nỗi bàn chân bật máu, hai vai tê dại, nhưng nghĩ đến miền Nam ruột thịt, không một ai chùn bước”.

 

Còn với người chiến sĩ lái xe “gan vàng, dạ ngọc” Trần Thành Chính, trái tim ông chưa bao giờ thôi thao thức khi nhớ về những năm tháng gắn bó với đường mòn Trường Sơn. Trong hồi ký viết về một thời thấm đẫm máu và hoa, người trung tá già ấy bộc bạch: “Nhận lệnh đưa vũ khí và lương thực vào Nam, tôi và đồng đội lên đường, bất chấp mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Những ngày đêm lái xe giữa làn ranh sự sống và cái chết, chúng tôi không sợ hiểm nguy, chỉ sợ hàng không đến được với miền Nam ruột thịt”.

 

Người chiến sĩ lái xe Trường Sơn ấy vẫn còn nhớ như in những lúc đưa xe qua ngầm vào mùa mưa, hay những đêm máy bay địch quần trên đầu, xe phải tắt đèn, vượt qua chiếc cầu tạm vắt vẻo trên vách đá, chỉ chệch một vài cm là người và xe có thể lao xuống vực. Để đảm bảo an toàn hàng hóa và phương tiện, những chiến sĩ thanh niên xung phong đã khoác áo ni - lon trắng, dũng cảm đứng ra làm cọc tiêu sống để lái xe nhìn thấy những vệt trắng lờ mờ mà biết đường đi.

 

Tại cái nơi mà “Ai chưa đến đó như chưa rõ mình” (Tố Hữu), tuổi trẻ của ông Trọng, ông Chính và bao đồng đội khác được thử thách, tôi luyện và trưởng thành.

 

Cựu binh Trương Bình Trọng và Trần Thành Chính xem lại những hình ảnh gắn liền với những năm khói lửa trên đường Trường Sơn - Ảnh: HÀ MY

 

“ÁO MỚI” CHO CON ĐƯỜNG HUYỀN THOẠI

 

Là một trong những cựu chiến binh của Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên trở lại chiến trường xưa nhân kỷ niệm 55 năm Ngày mở đường Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2014), thượng sĩ Mai Thị Thêu, nguyên là lính công binh Đoàn 559, không khỏi ngỡ ngàng, xúc động khi chứng kiến sự thay da đổi thịt mạnh mẽ trên con đường từng một thời “vào sinh ra tử”. Theo bà Thêu, thời khói lửa, đường Trường Sơn được mở với nhiều trục đường cơ động để khi địch đánh ta đoạn này thì ta có đoạn khác đi. Vì vậy, chiều dài đất nước Việt Nam hơn 1.000km nhưng chiều dài đường Trường Sơn tổng cộng hơn 20.000km và được ví như trận đồ bát quái xuyên rừng rậm. Bà Thêu nhớ lại: “Thế hệ thanh niên của chúng tôi lúc đó chỉ có một mong muốn là được phục vụ cho chiến trường. Vì vậy, để đủ tiêu chuẩn cân nặng đi bộ đội, tôi và nhiều người trẻ khác đã lén nhét đá vào người lúc kiểm tra sức khỏe. Với phương châm “máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”, nhiều đồng đội của tôi đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh tại cánh rừng này”.

 

40 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đường Trường Sơn huyền thoại năm nào và nay là đại lộ Hồ Chí Minh đã được Binh đoàn 12 của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn trải nhựa phẳng lỳ, thênh thang, trở thành con đường huyết mạch nối liền Bắc - Nam. Giờ đây, những trọng điểm đánh phá ác liệt năm xưa, những sở chỉ huy tiền phương ngày nào trên con đường huyền thoại đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước. Những hố bom, ụ súng cũng không còn nữa, thay vào đó là những công trình, thị tứ mới, những cánh rừng bạt ngàn xanh, những nương rẫy trĩu hạt. Trên tuyến đường thuộc các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, nhà sàn của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô con cháu Bác Hồ mọc lên san sát, khang trang…

 

GẠCH NỐI QUÁ KHỨ VÀ TƯƠNG LAI

 

Từ một con đường mòn được tạo ra bằng cách xẻ núi, băng rừng, đến nay, địa danh đường Trường Sơn đã trở thành con đường chính đi dọc tuyến biên giới phía tây đất nước, mở ra một hướng phát triển kinh tế cho các tỉnh nằm trên trục đường này. Song hành với huyền thoại đường Trường Sơn, có hai kỳ tích khác được thiết lập, đó là đường ống dẫn xăng dầu từ biên giới Việt - Trung đến miền Đông Nam Bộ (năm 1969) và đường dây điện 500kW Bắc - Nam (năm 1994). Con đường này vừa được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

 

Trong buổi gặp mặt với Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên trước thềm xuân mới, thiếu tá Đinh Tiến Hiệp, Phó giám đốc điều hành dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 qua địa bàn Phú Yên (thuộc Binh đoàn 12, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) bộc bạch: “Đường Trường Sơn xưa - đường Hồ Chí Minh nay là gạch nối giữa quá khứ và tương lai. Thênh thang bước trên con đường Hồ Chí Minh hôm nay, chúng tôi càng thêm tự hào về các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu và tuổi xuân để viết nên độc lập, tự do của dân tộc”. Là thế hệ tiếp nối của bộ đội Trường Sơn một thời, chúng tôi nguyện sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp của những người đi trước, đưa con đường này trở thành “con đường tương lai giàu có của Tổ quốc ta...” và ra sức xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, góp phần làm cho bài ca Trường Sơn sống mãi trong lòng dân tộc”. 

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cuộc giải cứu thần kỳ trong lòng đất
Chủ Nhật, 22/02/2015 14:00 CH
Tướng út và Ký ức thơ
Thứ Bảy, 21/02/2015 15:00 CH
Vững vàng Kiểm ngư Việt Nam
Thứ Tư, 11/02/2015 08:26 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek