Thứ Năm, 23/01/2025 02:55 SA
Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Hai, 23/06/2014 10:59 SA

Chất đất trên các đảo của quần đảo Trường Sa là cát san hô, có lẫn những lớp phân chim lẫn mùn cây có bề dày từ 5 đến 10cm. Một số đảo trong quần đảo có nước ngầm như đảo Song Tử Tây, đảo Trường Sa, đảo Song Tử Đông. Trên các đảo có nhiều loại cây xanh như cây phong ba, phi lao, bàng vuông và một số loại dây leo cỏ dại (1).

 

Nguồn lợi hải sản ở quần đảo Trường Sa rất phong phú, có nhiều loại cá tập trung với mật độ cao, đặc biệt có loại vích là động vật quý hiếm, cá ngừ đại dương có giá trị kinh tế cao (2).

 

Khí hậu, thời tiết ở vùng biển quần đảo Trường Sa khác biệt lớn so với các vùng ven bờ. Mùa hè mát hơn và mùa đông ấm hơn. Một số hiện tượng thời tiết cũng diễn biến khác so với trong đất liền (3).

 

Vùng đảo (quần đảo) Trường Sa (4)

 

Hàng năm ở quần đảo Trường Sa có tới 131 ngày có gió mạnh từ cấp 6 trở lên, phân phối không đồng đều trong các tháng. Có thể chia ra làm 2 mùa: mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau, lượng mưa trung bình hàng năm rất lớn, khoảng 2.500mm. Hiện tượng dông trên vùng biển quần đảo này rất phổ biến, có thể nói quanh năm, tháng nào cũng có dông và là nơi thường có bão lớn đi qua, tập trung vào các tháng mùa mưa.

 

Vùng đảo Trường Sa nằm trong vùng khí hậu Nam Biển Đông có đặc trưng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, mang tính chất xích đạo, thời tiết chia ra hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa. Địa hình đáy biển ở đây là miền núi ngầm. Các núi có độ cao từ vài trăm mét đến 2.000m với đỉnh bằng và sườn đứng. Vùng biển Trường Sa khá đặc biệt, là nơi có mặt và đan xen của 4 đới nước: đới 200-2.000m, đới 2.000-3.000m, đới 3.000-4.000m và đới trên 4.000m. Các đảo nổi phân bố tập trung ở đới nước 200-2.000m và đới 2.000-3.000m. Tất cả các đảo đều tọa trên đỉnh bằng của các núi ngầm cao trên dưới 2.000m so với phông đáy chung. Sườn của các núi có độ dốc từ 200-300 đến 600-700. Đỉnh bằng của các tòa núi có dạng tròn - bầu dục, kéo dài hướng đông bắc - tây nam, đông - tây và bắc - nam với diện tích rất khác nhau từ vài km2 đến vài trăm km2. Thường các đảo cụm nhau trên một tòa núi (đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Đá Tây, Trường Sa Đông), cũng có trường hợp trên một tòa núi chỉ có một đảo (Trường Sa, An Bang). Các đảo nổi hơn mặt nước biển từ vài chục cm đến 3-4m. Một số bãi nổi lập lờ, chìm xuống khi nước triều cao (Thuyền Chài).

 

Về hình dáng, đa số các đảo có dạng tròn - bầu dục (An Bang, Trường Sa Đông, Nam Yết, Sinh Tồn, Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông); số ít có dạng tam giác (Trường Sa). Nhiều đảo nổi có dạng kéo dài hướng đông bắc - tây nam (Trường Sa, Đá Tây, An Bang, Thuyền Chài, Tốc Tan, Song Tử Tây); hướng đông - tây (Nam Yết, Sinh Tồn); hướng bắc - nam (Sơn Ca, Đá Lớn). Diện tích các đảo không lớn, từ vai trăm m2 (Tốc Tan, An Bang) đến vài chục ngàn m2 (Sơn Ca) và lớn hơn nữa là vài trăm ngàn m2 (Song Tử Tây, Trường Sa, Ba Bình) nếu tính cả phần bị ngập dưới mặt nước biển.

 

 

  1. (5)

 

Nhiều sách địa lý và bản đồ cổ của Việt Nam ghi chép rõ Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Vạn lý Hoàng Sa hoặc Vạn lý Trường Sa từ lâu đã là lãnh thổ Việt Nam.

 

Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, tập bản đồ Việt Nam do Đỗ Bá, tên chữ là Công Đạo, soạn vẽ vào thế kỷ XVII, ghi rõ trong lời chú giải bản đồ vùng phủ Quảng Nghĩa, xứ Quảng Nam: “giữa biển có một bãi cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng”, “Họ Nguyễn (6) mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến lấy hóa vật, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn”.

 

Trong Giáp Ngọ bình nam đồ, bản đồ xứ Đàng Trong do Đoán quận công Bùi Thế Đạt vẽ năm 1774, Bãi Cát Vàng cũng được vẽ là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam (7).

 

Phủ biên tạp lục, cuốn sách của nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) viết về lịch sử, địa lý, hành chính xứ Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn (1558-1775) khi ông được triều đình bổ nhiệm phục vụ tại miền Nam, chép rõ đảo Đại Trường Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa) thuộc phủ Quảng Ngãi. “Xã An Vĩnh” (8), huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa, ở ngoài cửa biển có núi (9) gọi là Cù Lao Ré, rộng hơn 30 dặm (10), có phường Tứ Chính, dân cư trồng đậu, ra biển bốn canh thì đến, phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa. Trước kia có nhiều hải vật và hóa vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi 3 ngày đêm mới đến là chỗ gần xứ Bắc Hải”.

 

Đại Nam nhất thống toàn đồ, bản đồ nước Việt Nam vẽ vào khoảng năm 1838, ghi “ Hoàng Sa” - “Vạn lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam.

 

Đại Nam nhất thống chí, bộ sách địa lý Việt Nam do Quốc sử quán nhà Nguyễn (1802-1845) soạn xong năm 1882 (11) ghi Hoàng Sa là bộ phận lãnh thổ Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Nghĩa. Đoạn nói về hình thể tỉnh Quảng Nghĩa, cuốn sách viết: “Phía đông có đảo cát - đảo Hoàng Sa - liền với biển làm hào; phía tây là miền sơn man, có lũy dài vững vàng; phía nam liền với tỉnh Bình Định, có đèo Bến Đá chặn ngang, phía bắc giáp tỉnh Quảng Nam có ghềnh Sa Thổ làm giới hạn”.

 

Nhiều nhà hàng hải, giáo sĩ phương tây trong những thế kỷ trước đều xác nhận Hoàng Sa (Pracel hay Paracel) thuộc lãnh thổ Việt Nam.

 

Một giáo sĩ phương Tây đi trên tàu Amphitrite từ Pháp sang Trung Quốc năm 1701 viết trong một lá thư rằng: “Paracel là một quần đảo thuộc vương quốc An Nam” (12).

 

  1. Hồi ký về nước Cochinchine (13): “Nước Cochinchine mà nhà vua bấy giờ đã lên ngôi Hoàng đế gồm xứ Cochinchine và xứ Đông Kinh (14)... một vài đảo có dân cư không xa bờ biển và quần đảo Paracel do những đảo nhỏ, ghềnh và đá không có dân cư hợp thành...” (15).

 

(Còn nữa)

------------------------------

(1,2,3) Giới thiệu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trang thông tin điện tử bản quyền thuộc Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đăng tải ngày 11/6/2009, http://cucktbvnlts.gov.vn/vn/Print/1302.aspx

 

(4) http://cucktbvnlts.gov.vn/vn/Print/1302.aspx.

 

(5) Xem: Bộ Ngoại giao Việt Nam, Sách trắng, Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa bộ phận lãnh thổ của Việt Nam năm 1979, 1981.

 

(6) Tức chúa Nguyễn, cát cứ xứ Đàng Trong từ năm 1558 đến 1775.

 

(7) Trong tập Hồng Đức bản đồ. Xem thêm: Nhiều tác giả (2011), Bằng chức lịch sử và cơ sở pháp lý Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2011.

 

(8) Ở phía nam biển Sa Kỳ, phường An Vĩnh ở Cù Lao Ré cũng thuộc xã này.

 

(9) Đối với người Việt Nam cũng như người Trung Quốc, chữ Hán “Sơn” có nghĩa là núi, nhưng cũng được dùng để chỉ các hải đảo. Thí dụ: Phần lớn các đảo ở ngoài cửa vịnh Hàng Châu (Nam Thượng Hải) đều được người Trung Quốc gọi là sơn: Bạch Sơn, Đại Ngư Sơn, Đại Dương Sơn, Tiểu Dương Sơn, Trúc Sơn, Tù Sơn… Người Trung Quốc cũng dùng từ sơn để chỉ một số đảo của Việt Nam như Cửu Đầu Sơn (đảo Cô Tô), Bất Lao Sơn (Cù Lao Chàm), Ngoại La Sơn (Cù Lao Ré)…

 

(10) Dặm: Đơn vị đo lường thời xưa của Việt Nam, tương đương 1/2km.

 

(11) Phần viết về các tỉnh Trung Bộ được soạn lại và khắc in năm 1909.

 

(12) J.Y.C. Trích dẫn trong bài “Bí mật các đảo san hô - Nhật ký về cuộc hành trình đến Hoàng Sa”. (Mystere des atolls - Journal de voyage aux Paracel) đăng trong tuần báo “Đông Dương” (Indochine) trong các số ngày 3,10,17 tháng 7 năm 1941 - Danh từ Vương quốc An Nam trong tài liệu chỉ nước Việt Nam thời bấy giờ.

 

(13) Danh từ Cochinchine (tiếng Pháp) hoặc Cochinchina (tiếng Anh) trong tài liệu phương Tây trích dẫn ở đây có hai nghĩa tùy theo văn cảnh: a) Nước Việt Nam thời bấy giờ, sách nay dịch là nước Cochinchine; b) Xứ Đàng Trong thời bấy giờ, sách này dịch là xứ Cochinchine.

 

(14) Tức Đàng Ngoài (le Tonkin)

 

(15) A.Salles trích dẫn trong bài “Hồi ký về nước Chochinchine của J.B.Chaigneau” (Le mémorie sur la Chochinchine de J.B.Chaigneau) đăng trong “Tạp chí của những người bạn thành Huế cổ” (“Bulletin des amis du vieux Huế”) số 2 năm 1923 tr.257.

 

PGS,TS NGUYỄN BÁ DIẾN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek