Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (gọi tắt là Nghị quyết Trung ương 4) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, về“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Để phòng, chống hiệu quả “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, rất cần có các giải pháp đồng bộ…
Nhận diện các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
Theo Nghị quyết Trung ương 4, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những biểu hiện rất cụ thể. Đó là phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”. Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân sự”. Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang; đòi “phi chính trị hóa” quân đội và công an; xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; chia rẽ quân đội với công an; chia rẽ nhân dân với quân đội và công an…
Đặc biệt, móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước. Đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; thông tin phiến diện, một chiều về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước. Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học - nghệ thuật. Tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng; cổ xúy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng. Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan. Lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ nội bộ, gây chia rẽ giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo, giữa dân tộc và tôn giáo, giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng và Nhà nước…
Phải đẩy mạnh “tự soi”, “tự sửa”
Thực tế cho thấy rằng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay như Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu chính là quá trình phai nhạt lý tưởng, sa sút tính chiến đấu của người cộng sản theo chiều hướng suy thoái nên rất nguy hiểm cho sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Nói vậy là vì từ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một cá nhân, một bộ phận cán bộ, đảng viên biến chất, có thể dần dẫn đến “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” của cả một tổ chức, nhất là tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị. Vì thế, đòi hỏi phải có các giải pháp phòng, chống sao cho hiệu quả.
Để Nghị quyết Trung ương 4 đi vào cuộc sống đạt kết quả thiết thực, trước hết người đứng đầu các cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải thực sự gương mẫu trong mọi mặt hàng ngày để cán bộ, đảng viên và quần chúng noi theo. Muốn vậy, bản thân mỗi người đứng đầu phải thường xuyên “tự soi” mình về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Qua đó phát hiện, thấy được các hạn chế, bất cập để khắc phục mà tiến bộ. Muốn vậy, phải hết sức khách quan, trung thực, cầu thị trong nhìn nhận, đánh giá cá nhân mình. Đồng thời biết chân thành tiếp thu ý kiến đóng góp của đồng chí và cấp dưới về các ưu điểm, khuyết điểm…, trên cơ sở đó, đề ra các biện pháp “tự sửa” cho phù hợp. Chỉ có tự giác “tự soi”, nghiêm túc “tự sửa” theo tinh thần cộng sản thì người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp mới phòng và chống được “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đồng thời nhận thức đầy đủ trách nhiệm “đầu tàu” của mình mà đi đầu trong mọi hoạt động, thực sự trở thành hạt nhân đoàn kết, tập hợp và phát huy được trí tuệ của tập thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên để xây dựng tổ chức cơ sở đảng và cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.
Song song đó, phải tiếp tục đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Vì sao như vậy? Bởi vì sinh hoạt chi bộ hàng tháng có ý nghĩa rất quan trọng trong nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì thế, phải làm cho sinh hoạt chi bộ trở thành nơi mà tất cả đảng viên được dân chủ thảo luận, tích cực đóng góp ý kiến về chương trình hành động, kế hoạch công tác của tập thể; góp ý cho cấp ủy trong phương pháp công tác, trong lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ; góp ý, phê bình cho đồng chí mình để khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm trong thực hiện chức trách đảng viên và nhiệm vụ của tổ chức đảng. Muốn vậy, bí thư chi bộ, các cấp ủy viên phải không định kiến hay áp đặt, trù dập mà luôn biết lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của đảng viên (kể cả các ý kiến nhiều khi có vẻ “nghịch nhĩ”, trái chiều). Từ đó, chọn lọc các ý kiến tiêu biểu, có giá trị thực tiễn để bổ sung cho kế hoạch, chương trình công tác của chi bộ triển khai đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, bí thư và mỗi cấp ủy viên đẩy mạnh tự phê bình cũng là cách “tự soi” mình để “tự sửa” cho bản thân ngày một tiến bộ trong công tác và đạo đức lối sống. Không chịu đổi mới mà cứ để sinh hoạt chi bộ diễn ra theo kiểu “đến hẹn lại lên”, “được chăng hay chớ”, tẻ nhạt, buồn chán vì thiếu không khí, tinh thần phản biện… thì sẽ tạo điều kiện cho “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có đất sinh sôi, phát triển. Để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, đẩy mạnh “tự soi”, “tự sửa” trong người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên phải gắn với kiểm soát quyền lực, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Muốn thế, phải có cơ chế cụ thể kiểm soát việc thực thi quyền lực của đội ngũ cán bộ các cấp, phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý công việc, có chế tài và kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi phạm pháp bất kỳ ở chức vụ nào. Có như vậy mới tránh được tình trạng “nghiêm khắc rút kinh nghiệm” dù “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” như đã từng xảy ra lâu nay, khuyết điểm xảy ra thì đổ lỗi cho tập thể còn trách nhiệm người đứng đầu rất chung chung, mờ nhạt…
TRẦN VIỆT