Gần 10 năm làm tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn (TKVV) của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Xuân, ông Trần Văn Sáu ở thôn Phú Xuân B, xã Xuân Phước (Đồng Xuân) đã phối hợp tốt với cán bộ tín dụng ngân hàng, đưa nguồn vốn đến đúng đối tượng, phát huy hiệu quả vốn vay.
Ông Sáu (trái) đang hướng dẫn tổ viên làm thủ tục vay vốn - Ảnh: V.AN
Ông Sáu cho biết, trước khi ngân hàng phân bổ chỉ tiêu tín dụng về thôn, ông thường đi từng nhà soát xét điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình trong thôn. Những hộ nghèo nhưng có sức lao động, có thể ăn nên làm ra thì đề nghị ngân hàng cho vay vốn; những gia đình có nhu cầu vay sản xuất kinh doanh thì phải có phương án làm ăn hiệu quả, quá trình trồng trọt, chăn nuôi, mua bán có lãi mới được xét duyệt cho vay để đảm bảo an toàn, phát huy hiệu quả đồng vốn của ngân hàng. Thông qua việc kiểm tra tình hình hộ vay, ông Sáu còn tuyên truyền, động viên từng người chú ý trả nợ, lãi đúng hạn. Nhờ vậy, đến nay, tổ TKVV ở thôn Phú Xuân B do ông Sáu làm tổ trưởng không có thành viên nào nợ lãi, không ai nợ quá hạn. Không những thế, nhiều hộ gia đình còn vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ vốn vay chính sách.
Điển hình như hộ anh Nguyễn Văn Quang, vừa được công nhận Nông dân sản xuất giỏi cấp huyện. Năm 2006, anh Quang vay 15 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ nghèo, mua 2 con bò cái sinh sản. Đến năm 2009, số bò tăng lên 8 con, anh Quang đem bán 2 con, trả hết nợ gốc cho ngân hàng rồi tiếp tục vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để mở rộng diện tích trồng trọt, đầu tư chăn nuôi. Đến nay, gia đình anh Quang đã sắm được xe tải để kinh doanh dịch vụ chuyên chở nông sản, thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng. Gia đình các ông Bạch Ngọc Phúc, Hồ Văn Hậu, Nguyễn Xuân Lộc…, thành viên tổ TKVV thôn Phú Xuân B cũng làm ăn hiệu quả nhờ vốn chính sách. Những hộ này có xuất phát điểm nghèo khó, được vay vốn chương trình tín dụng hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội, mua bò sinh sản, trồng sắn, mía. Nhờ chí thú làm ăn nên họ đều trả nợ đúng hạn, sau đó tiếp tục vay vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều hộ không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn tạo được công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Theo ông Sáu, hiện ngân hàng đã phối hợp với các hội, đoàn thể, tổ TKVV đưa vốn đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách. Để đồng vốn ấy phát huy tác dụng, đem lại hiệu quả thiết thực, chính quyền, hội, đoàn thể và các bên liên quan cần định hướng cho người vay biết cách sử dụng vốn, nuôi con gì, trồng cây gì cho phù hợp, tạo ra sản phẩm hàng hóa có lợi nhuận, giúp hộ nghèo thực sự vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay. Ông Sáu cho biết: “Trước đây, tôi thường xuyên tham gia các chương trình tập huấn, khuyến nông, hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; cách chọn giống, bón phân, tưới nước hợp lý… Nhờ vậy, tôi nuôi bò, trồng mía hiệu quả, năng suất đạt cao, đem lại thu nhập cho gia đình. Từ kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình sản xuất, tôi truyền đạt lại cho con cháu, bạn bè, thành viên trong tổ TKVV”.
Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Phước, ông Trần Văn Sáu là một tổ trưởng tổ TKVV uy tín, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Đầu năm 2013, ông được UBND huyện Đồng Xuân khen tặng vì có thành tích xuất sắc trong việc quản lý nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện. Ngoài làm tổ trưởng tổ TKVV của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Xuân, ông Sáu còn là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Phú Xuân B, xã Xuân Phước. Nhiều hội viên trong chi hội, thành viên trong tổ TKVV do ông Sáu quản lý được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp xã, cấp huyện. Bản thân ông cũng là Nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền.
VIỆT AN