Thứ Năm, 03/10/2024 01:28 SA
Đan đát nuôi con ăn học
Thứ Ba, 02/04/2013 09:00 SA

Do vất vả, thu nhập lại thấp, nhiều người trong thôn lần lượt bỏ nghề, nhưng vợ chồng ông Trương Minh Đức (61 tuổi) và bà Phan Thị Thân (63 tuổi) ở thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, (Đồng Xuân) vẫn giữ nghề truyền thống. Chính cái nghề “trầy da tróc vảy” này đã giúp ông bà nuôi con ăn học thành tài.

 

dan130402.jpg

Vợ chồng ông Đức chẻ nan, đan giỏ trong sân nhà - Ảnh: H.NAM

Trước ngôi nhà cấp 4 của ông là khoảng sân đất rộng, hằng ngày vợ chồng già tỉ mẫn vót nan đan ky giỏ, rổ rá. Ông Đức nói: Tôi học Bác Hồ ở câu nói “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…” nên dạy cho các con phải cố gắng học, dù gia cảnh eo nghèo nhưng các con đã không phụ lòng đấng sinh thành!

 

VẤT VẢ MƯU SINH

 

Ông cầm trên tay cái rựa sắc bén chẻ mò o (một loại cây giống lồ ô nhưng nhỏ hơn, có nhiều ở vùng rừng núi Phú Yên) rồi vót, chuốt nan mỏng mềm để vợ đan đỡ đau tay. Nói đỡ đau tay chứ thật ra đôi bàn tay của bà không có chỗ nào không bị nan mò o cứa đứt. Bà Thân - vợ ông Đức nói: “Làm cái nghề này, hằng ngày đôi tay lướt trên những chiếc nan sắc bén thì làm sao không bị cứa được. Có lúc, chỗ ngón tay cái bị cứa đứt chưa kịp liền da non thì ngón tay trỏ lại tiếp tục chảy máu”.

 

Ông kể đi chặt mò o rất vất vả vì phải trèo đèo lội suối. Sáng sớm, vợ chồng mang gói cơm, bình đựng nước đeo toòng teng bên hông, tay cầm rựa đi ngược dòng sông Kỳ Lộ lên phía thượng nguồn chặt mò o. Dốc sức trườn lên dốc cao dựng đứng như mái nhà tìm mò o chặt rồi vác ra sông, 2-3 ngày đủ chuyến kết bè thả theo dòng nước xuôi về. “Công việc bè mò o cũng “khổ chín khổ mười” như lúc chặt. Mùa lũ, hai vợ chồng đu theo bè ngâm mình dưới dòng nước lạnh, sơ hở một chút lái không vững thì bè đâm vào vách đá ngay” - ông Đức giải bày.

 

Ngày nào cũng cầm rựa, vậy mà ruộng đồng hai vợ chồng già không bỏ hoang đám nào. Gia đình ông hiện có 3 sào lúa, 4 sào mía và sắn. Lúa năm nào cũng xanh mượt, mía sắn tốt tươi. Từ lúc gieo sạ, chăm sóc đến thu hoạch, hai vợ chồng cùng ra đồng, tối về lại tranh thủ cầm rựa chẻ mò o đan ky, rổ.

 

Khó khăn nhất là thời điểm các con cùng nối nhau vào đại học. Có những ngày nắng như đổ lửa, hai vợ chồng vẫn trùi trũi leo lên núi cao chặt mò o. Còn ngày mưa dầm dề, hai vợ chồng núp dưới tán rừng, quần áo ướt nhũng mà chặt mò o. Bà Thân nhớ lại: Trước đây, khi thôn Thạnh Đức chưa có đường ô tô vào, đan xong, phải gánh xuống tận chợ Đồng Dài (thị trấn La Hai, Đồng Xuân), cách nhà 10 cây số để bán. Để kịp lúc chợ họp, bà thức giấc từ 2-3g sáng. Đường xuống chợ có đoạn đi trên bờ ruộng cong vênh, mùa mưa đất nhão nhẹt trơn như bôi mỡ, phải dò dẫm từng bước một mà đi.

 

NUÔI CON ĂN HỌC

 

Thôn Thạnh Đức chia làm 3 vùng: Thạnh Thượng, Thạnh Trung và Thạnh Hạ. Trước đây người dân ở khu vực Thạnh Thượng đan ky, Thạnh Trung đan bồ cót, còn Thạnh Hạ đan giỏ. Do đồ nhựa ra đời bán nhiều trên thị trường nên nhiều người trong thôn bỏ nghề chuyển sang làm phụ hồ, thợ mộc... Số người giữ nghề cầm rựa chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, nhưng cũng chỉ lúc nông nhàn. Riêng vợ chồng ông Đức vẫn giữ nghề, làm quanh năm suốt tháng.

 

Sau những ngày leo núi chặt mò o, lội sông bè về, rồi vừa chẻ vừa đan, một ngày vợ chồng ông làm ra 15 cái, bán giá từ 5.000-6.000 đồng/cái, kiếm gần 100.000 đồng. Ông Đức cho biết: Nhờ làm nghề đan cây mò o mà có tiền nuôi con ăn học đàng hoàng. “Lúc trước, ở đây chưa có điện, chiếc đài là phương tiện duy nhất giúp tôi biết được thông tin cuộc sống từ thành thị đến nông thôn. Nhờ chiếc đài, tôi nghe nhiều câu chuyện, nhiều lời khuyên của Bác Hồ. Vì vậy, động viên các con vượt qua khó khăn để học đến nơi đến chốn”, ông Đức thổ lộ.

 

Nhắc đến vợ chồng ông Đức đi chặt cây mò o về đan ky, giỏ, rổ để nuôi 5 con học cao đẳng, đại học, cao học, người dân trong thôn Thạnh Đức ai cũng nể phục. Ông Lâm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3 cho biết gia đình ông Đức, bà Thân là một gia đình hiếu học, lại biết giữ nghề truyền thống quê hương. Việc học hành thành đạt của các con ông là niềm tự hào của nhiều người dân trong xã.

 

Hai con lớn của ông Đức là Trương Thị Kỷ, Trương Văn Kim đã tốt nghiệp Trường đại học Quy Nhơn, hiện là giáo viên Trường THPT Lê Lợi (Đồng Xuân). Còn Trương Văn Kìm đang học cao học tại Trường đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh; Trương Văn Hoan là sinh viên năm thứ 3 Trường đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh và Trương Minh Tuấn đang là sinh viên Trường đại học Nha Trang.

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Xứng danh người lính Cụ Hồ
Thứ Hai, 01/04/2013 10:00 SA
Một trưởng công an xã xuất sắc
Thứ Sáu, 29/03/2013 08:10 SA
Hết lòng vì công tác hội
Thứ Tư, 27/03/2013 08:30 SA
Một chi đoàn tiêu biểu
Thứ Ba, 26/03/2013 09:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek