Đi lên từ đôi bàn tay trắng, đến nay vợ chồng chị Nguyễn Thị Thủy ở khu phố Liên Trì 2, xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) đã xây được ngôi nhà khang trang. Mỗi năm, nghề trồng mai và nuôi heo đã mang lại thu nhập cho gia đình chị trên 400 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Thủy chăm sóc vườn mai - Ảnh: T.TIÊN
Khởi nghiệp từ nghề trồng các loại rau la ghim nhưng kinh tế của nhà chị Thủy vẫn chưa hết khó khăn. Đến năm 1995, hai vợ chồng quyết định chuyển sang trồng cây cảnh và cuộc sống bắt đầu khấm khá. Hiện nay, vợ chồng chị Thủy sở hữu mảnh vườn rộng 3.000m2 với 1.000 chậu mai, 150 chậu quất. Chị kể: “Tôi đến với nghề trồng mai như một duyên may. Năm 1995, tôi bị bệnh nên vào TP Hồ Chí Minh khám, điều trị. Trong một lần đi sở thú chơi, tôi thấy nhiều cây mai có dáng thế rất đẹp và được nhiều người ưa chuộng nhưng lúc đó ở Phú Yên chỉ có vài người trồng. Tôi bèn xin hạt mai về, ươm lấy giống trồng thử nghiệm. Không ngờ hạt giống nảy mầm tốt, cây lớn lên cũng rất khỏe, cho hoa đẹp. Từ đó, tôi quyết định đầu tư trồng mai xuân theo kiểu sản xuất kinh tế. Ban đầu ít vốn, vợ chồng tôi chỉ trồng được trăm chậu, năm sau trồng thêm. Cứ thế, sau mười năm trồng mai, vườn nhà tôi đã có hơn 1.000 chậu và liên tục có cây gối đầu bán hằng năm. Bình quân, mỗi năm vườn mai của nhà cung ứng cho thị trường hoa tết trong tỉnh và các tỉnh, thành trong nước trên, dưới 200 chậu, thu lãi từ 300-350 triệu đồng”.
Để có được kết quả như ngày hôm nay, chị Thủy đã bỏ không biết bao công sức để ngược về các làng mai có tiếng ở Bình Định học hỏi kinh nghiệm chăm sóc và tạo dáng cho cây. Chị cho biết: “Qua nhiều năm làm nghề, tôi nhận thấy thị trường không chỉ chuộng mai to khỏe, hoa nhiều mà còn rất kén chọn dáng, thế cây. Những chậu mai có thế đẹp thì giá trị sẽ tăng gấp nhiều lần. Vì vậy tôi ra Bình Định học nghề, rồi tham gia rất nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng hoa và cây cảnh của Hội Nông dân TP Tuy Hòa và Hội Nông dân xã tổ chức. Nhờ vậy mới được như bây giờ”.
Không dừng lại ở đó, năm 2000, sau khi tham gia học lớp sơ cấp thú y của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hội Nông dân tỉnh, chị Thủy nảy ra ý định nuôi heo. Thế là chị lại khăn gói lặn lội vào Đồng Nai, nơi có nghề nuôi heo công nghiệp phát triển mạnh để học tập. Sau chuyến đi thực tế, nhận thấy nuôi heo là nghề hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao, chị quyết định đầu tư xây chuồng trại, mua heo giống thả nuôi. Ban đầu chỉ nuôi vài con để rút kinh nghiệm, năm sau đó chị mở rộng quy mô, thả nuôi 15 con nái, số heo con được sinh ra đều giữ lại nuôi thịt. Cứ thế, bình quân trong chuồng nhà chị Thủy lúc nào cũng có trên 100 con heo. Theo chị Thủy, nhờ chủ động con giống và thu gom thức ăn thừa ở các quán về nấu cháo cho heo ăn nên chi phí đầu tư giảm bớt, lợi nhuận cũng khá hơn. Bình quân mỗi năm, nghề nuôi heo mang lại cho gia đình chị khoảng 150 triệu đồng. Nguồn thu nhập khá ổn định từ nghề trồng hoa mai và nuôi heo giúp chị có điều kiện nuôi hai con ăn học. Đến nay, một cháu đang học tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung và một cháu đang học Trường trung cấp Y tế Phú Yên. Ngoài ra, năm 2009, vợ chồng chị cất được căn nhà khang trang trị giá cả tỉ đồng.
Không chỉ làm giàu cho mình, chị Nguyễn Thị Thủy còn tích cực giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn trong xã và phường 9 vươn lên thoát nghèo bằng cách bán nợ heo giống không lấy lãi. Người mua heo nuôi đến khi xuất bán mới trả lại tiền theo trị giá con heo thời điểm chị bán nợ.
Bên cạnh đó, chị Nguyễn Thị Thủy cũng rất năng nổ trong công tác xã hội từ thiện, vận động các nhà hảo tâm để tặng gạo, quà cho những gia đình khó khăn. Bản thân chị hàng năm dành cả triệu đồng để hỗ trợ cho người nghèo.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Kiến Hồ Tấn Thành cho biết: “Là phụ nữ nhưng chị Nguyễn Thị Thủy rất năng động trong làm ăn phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia công tác từ thiện - xã hội. Chị đã được tuyên dương tại hội nghị tôn vinh nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh và Trung ương”.
THỦY TIÊN