Trong khi nhiều người ở làng gốm Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) phải bỏ nghề để tìm công việc khác có thu nhập cao hơn, thì chị Trần Thị Chiên vẫn miệt mài theo nghề. Theo chị, làm gốm không chỉ vì miếng cơm manh áo, mà còn vì niềm đam mê và bảo tồn nghề của ông cha để lại.
Chị Chiên gia công lại tác phẩm của mình trước khi giao khách hàng - Ảnh: M.ĐĂNG
Tuy là nữ giới, “chân yếu tay mềm”, không phù hợp với những công việc nặng nhọc, vốn lại ít, nhưng với lòng yêu nghề, năm 2006 chị Chiên cùng một số nghệ nhân khác trong làng nghề gốm Hòa Vinh vẫn quyết tâm tham gia dự án đào tạo nghề sản xuất gốm đất nung mỹ nghệ tại Cơ sở gốm đất nung của ông Lê Đức Hạ (tỉnh Quảng Nam) trong hai tháng, do Sở Công thương Phú Yên hỗ trợ kinh phí.
Sau khi tham gia khóa đào tạo, chị Chiên đem kiến thức về áp dụng tại làng nghề và cho ra lò nhiều sản phẩm. Dù được tiêu thụ mạnh, thu nhập cao hơn so với các sản phẩm truyền thống, thế nhưng sau một thời gian gắn bó với công việc mới, bản thân chị và nhiều nghệ nhân khác đành quay lưng lại với các sản phẩm gốm mỹ nghệ, trở lại với các sản phẩm truyền thống, hoặc bỏ làng tìm đến các thành phố lớn để mưu sinh, vì chi phí đầu tư cao, khâu đúc khuôn phức tạp, sân bãi phục vụ sản xuất đòi hỏi rộng, nguồn đất sét dồi dào... Tất cả đều nằm ngoài khả năng của các nghệ nhân.
Do có chút năng khiếu về mỹ thuật, chị Chiên dồn hết tâm trí vào làm những sản phẩm này. Và đất không phụ công người, khi những mẻ sản phẩm đầu tiên do chính tay chị làm ra được khách hàng đánh giá cao, tiêu thụ mạnh trên thị trường. Công việc của chị như được tiếp thêm sinh lực, khi năm 2010 sản phẩm bình hoa, đèn trang trí được Sở Công thương Phú Yên lựa chọn tham dự “Festival gốm sứ Việt Nam” tổ chức tại tỉnh Bình Dương và được Chủ tịch Hội Làng nghệ Việt Nam Vũ Quốc Tuấn tặng bằng khen. Và cũng với những sản phẩm này, chị được Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa tặng bằng khen khi tham dự “Ngày Phụ nữ sáng tạo 2011” tổ chức tại Hà Nội.
Chị Thái Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Hòa nhận xét: “Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, song chị Chiên đã cố gắng duy trì công việc làm gốm đầy sáng tạo, giải quyết việc làm cho nhiều chị em. Hội đánh giá cao tính thẩm mỹ của những sản phẩm do chị Chiên làm ra, góp phần đưa làng nghề truyền thống này ngày càng phát triển”.
Ở tuổi 43, cuộc sống lam lũ, khó khăn có làm gương mặt chị già trước tuổi, nhưng tinh thần ham học hỏi và ấp ủ nguyện vọng làm giàu chính đáng vào chính đôi bàn tay tài hoa chị thật mãnh liệt. Hiện tại, chị nhận làm tất cả các sản phẩm gốm theo đơn đặt hàng của khách hàng. Với cách làm này, cơ sở sản xuất gốm của chị được nhiều khách hàng biết đến và làng gốm Hòa Vinh dần được hồi sinh.
MINH ĐĂNG