Với ba loại cây: điều, ca cao, tiêu trên một diện tích đất, mô hình xen canh này đã mang lại lợi nhuận hơn 50 triệu đồng/1ha, mở ra hướng mới trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhiều nông dân.
Ông Nguyễn Tấn Công (trái) truyền đạt kinh nghiệm trồng ca cao cho một số nông dân trong xã - Ảnh: V.THÙY
Đó là mô hình của ông Nguyễn Tấn Công ở thôn Chí Thán, xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh). Đầu năm 2009, Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh triển khai thí điểm mô hình trồng cây ca cao tại một số xã trong huyện, ông Công được hỗ trợ 200 cây giống cùng phân bón, kỹ thuật. Thời điểm này, đây là loại cây còn mới mẻ với nhiều người, nên ông Công không khỏi băn khoăn. Thế nhưng sau khi đi thăm và học hỏi kinh nghiệm từ một số vườn ca cao tại các tỉnh lân cận, ông đã mạnh dạn đầu tư hơn chục triệu đồng lên tỉnh Đắk Lắk mua thêm cây ca cao giống về trồng xen trên 2ha điều hơn 10 tuổi. Sau ba năm chăm sóc, đến nay vườn ca cao của ông Công cho trái và thu hoạch từ 10 - 15kg quả tươi/cây. Với 2.000 cây ca cao, sản lượng hạt đạt hơn 2 tấn/năm. Hiện giá mua ca cao tại rẫy 65.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Công thu về trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, 200 cây điều, mỗi năm ông Công cũng thu về khoảng 30 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, tận dụng những gốc điều có đường kính lớn, ông Công trồng hơn 60 trụ tiêu và thu hoạch 50kg hạt/năm; tận dụng đất trống giữa các hàng cây điều, ca cao, ông trồng sắn và các loại hoa màu, mang về hàng chục triệu đồng. Ông Công chia sẻ: “Yêu nước nghĩa là sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Theo tôi, học và làm theo Bác không khó. Mỗi việc làm có ích là đã học và làm theo gương Bác Hồ rồi”.
Theo ông Công, ca cao là loại cây ưa bóng mát, trong khi đó cây điều có tán rộng, đủ để cây ca cao quang hợp. Mật độ trồng khoảng 100 cây trên 1.000m2, hàng cách hàng 4m, cây cách cây 3m. Từ khi trồng đến nay, cây không có biểu hiện sâu bệnh, phát triển tốt, chỉ 2 năm là cho trái. Trung bình mỗi trái nặng 0,5kg, cá biệt có trái nặng 1,6kg.
Ông Phan Đình Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Bình Đông cho biết: Mô hình xen canh điều, ca cao, tiêu của ông Nguyễn Tấn Công có vốn đầu tư ít, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xã đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng mô hình này. Còn ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh thì nói: Huyện đang có chủ trương nhân rộng mô hình trồng cây ca cao xen canh với các loại cây khác, như mô hình của ông Công ra toàn huyện nhằm góp phần giảm nghèo cho nông dân.
VĂN THÙY