Với 18,85 điểm thi THPT quốc gia, Nguyễn Thị Lan Trinh ở xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa) trúng tuyển ngành Công nghệ Hóa học, Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau hai ngày theo học ở trường này, Lan Trinh quyết định rút hồ sơ về học cao đẳng ngành Công nghệ thực phẩm tại Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung.
“Để đưa ra quyết định bỏ đại học về trường địa phương học cao đẳng, em đã suy nghĩ rất kỹ và tham khảo những người đi trước. Ngoài ra, qua tìm hiểu em được biết Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung miễn học phí toàn khóa cho thí sinh có điểm đầu vào từ 18 điểm trở lên và cam kết đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, đây là những điều em cần, vì thế em quyết định chọn học ở trường này”, Lan Trinh lý giải về quyết định của mình.
Theo mong muốn của ba mẹ, sau khi tốt nghiệp THPT, Lan Trinh đăng ký dự tuyển và trúng tuyển vào Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh trong sự vui mừng của gia đình. Tuy nhiên, sau khi nhập học được 2 ngày, Lan Trinh thấy mình không phù hợp theo học bậc đại học cũng như môi trường sống ở TP Hồ Chí Minh nên em thuyết phục ba mẹ cho em chuyển sang học cao đẳng ở “sân nhà” với mong muốn sớm có việc làm sau khi tốt nghiệp, đồng thời tiết kiệm chi phí học tập cho gia đình.
“Những năm gần đây, em thấy nhiều anh chị đi trước học đại học ra thất nghiệp rất nhiều nên em cũng không thiết tha học đại học như trước nữa. Trong khi hiện nay nhu cầu tuyển dụng nhân lực thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp tăng, thậm chí nhiều công ty, doanh nghiệp còn đến tận cơ sở đào tạo để đặt hàng tuyển dụng nhưng vẫn không đủ. Nghĩ vậy nên em học cao đẳng để được đi làm sớm, sau này muốn học đại học thì liên thông cũng không muộn”, Lan Trinh chia sẻ.
Trúng tuyển đại học vẫn mạnh dạn bỏ đại học để học cao đẳng, trung cấp hay học nghề đang tạo thành một dòng chảy ngược bởi các bạn trẻ đã nhận thức được đích đến cuối cùng của mình là một công việc ổn định ngay sau khi ra trường. Chính vì điều này nên mùa tuyển sinh 2018, không ít thí sinh từ bỏ cánh cổng trường đại học để theo học các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Điều này cũng cho thấy sự thay đổi trong nhận thức về việc học và định hướng nghề nghiệp của học sinh, sinh viên.
Trao học bổng toàn phần với số tiền 25,6 triệu đồng (tương đương với số tiền học phí toàn khóa) cho Lan Trinh, TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, cho biết: “Bên cạnh miễn học phí toàn khóa học cho những thí sinh có điểm đầu vào từ 18 trở lên, từ năm học 2018-2019, trường còn ký cam kết với người học đảm bảo việc làm cho 100% học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đối với một số ngành thì ngay từ năm học thứ 2 các em đã được thực tập nâng cao tay nghề tại doanh nghiệp và được chính doanh nghiệp đó trả lương với mức 150.000-250.000 đồng mỗi ngày”.
Xu hướng tuyển chọn nhân lực ngày nay dần thay đổi, doanh nghiệp cần nguồn nhân lực có tay nghề chất lượng cao, chứ không phải bằng cấp cao. Họ yêu cầu người lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp, thành thạo những kỹ năng nghề nghiệp thực tế… tham gia làm việc trực tiếp hơn là có bằng cấp mà thiếu hụt kỹ năng nghề nghiệp. Điều này chứng minh vì sao rất nhiều lao động chỉ có bằng nghề mà thu nhập rất cao. Người học hiện nay cũng có cái nhìn rất thực tế giữa năng lực và việc làm, vì vậy dễ kiếm được việc ngay thay vì suy nghĩ cố vào đại học rồi “đứng núi này trông núi nọ”…
Hàng ngàn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là một thực tế cảnh tỉnh học sinh. Những em không đủ sức học đại học thì có thể chọn những bậc học thấp hơn, đừng nhất thiết đổ xô vào đại học để rồi lại bỏ đại học để vào trường nghề cho dễ xin việc. Tấm bằng đại học giờ không còn là cần câu cơm hữu hiệu như nhiều năm trước.
MẠNH THÚY