Không chỉ nhiệt tình trong công tác Hội, tích cực hiến máu cứu người, vận động giúp đỡ phụ nữ khó khăn trên địa bàn, chị Phạm Thị Bích Thủy ở thôn Thạch Chẩm (xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa) còn dám nghĩ, dám làm trong phong trào khởi nghiệp ở địa phương.
Chị Thủy giới thiệu sản phẩm bột sen, hạt sen của gia đình - Ảnh: NGỌC QUỲNH |
Sinh ra và lớn lên trong gia cảnh nghèo khó nên chị Thủy lúc nào cũng nung nấu ý chí vượt khó xóa nghèo. Nhất là sau khi lập gia đình, mức lương hàng tháng “ba cọc ba đồng” của công việc kế toán HTX Nông nghiệp Hòa Xuân Tây không đủ trang trải cuộc sống, chị Thủy càng trăn trở tìm cách thoát nghèo.
Năm 2016, được Hội LHPN xã xét cho vay 20 triệu đồng vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, cùng với số tiền 10 triệu đồng tích góp trước đó, chị lên kế hoạch thu mua hạt sen của bà con trong xã về nhà lột vỏ, rồi bán sen thành phẩm ở chợ.
Công việc ban đầu còn khá mới mẻ, chị gặp không ít khó khăn do không có kinh nghiệm kinh doanh, vốn ít, không có điều kiện thuê nhân công, mà chỉ làm thủ công trong gia đình để bán cho người quen, nhiều khi bán hàng không chạy, lỗ vốn.
Nhờ làm chi hội trưởng phụ nữ thôn quen biết nhiều chị em, chị Thủy giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình. Nhờ đó, nhiều người biết đến sản phẩm của chị và mua nhiều hơn. Dần dà, chị có nhiều đơn đặt hàng ở trong huyện, trong tỉnh.
Chị bắt đầu thuê nhân công làm sen thành phẩm để kịp đơn đặt hàng, từ một ngày bán 10kg sen thành phẩm chị đã bán hơn 100kg sen/ngày. Ngoài ra, chị còn đăng thông tin giới thiệu sản phẩm trên internet, mạng xã hội; quảng bá sản phẩm sen sạch trên toàn quốc kết hợp với bán online cho khách hàng ở Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Nghệ An...
Chị Thủy nở nụ cười tươi rói: “Mặc dù cơ sở sản xuất sen thành phẩm của gia đình tôi nhỏ chưa tạo được thương hiệu, nhưng khách hàng rất thích vì giá thành rẻ, lại chất lượng, an toàn. Trong quá trình sản xuất, tôi luôn chú trọng sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, không chạy theo lợi nhuận và luôn đề cao tiêu chí bảo vệ môi trường”.
Để tăng thêm thu nhập cho gia đình, chị còn liên hệ với gia đình chồng ở Lâm Đồng thu mua hồng giòn, dâu tằm về ủ rượu, nấu sirô. Ngoài ra, chị còn thu mua hạt đác ở huyện về làm đác rim để bán ra thị trường… Những sản phẩm này, chị Thủy thu mua theo thời vụ để tăng thu nhập, tạo việc làm thêm cho nhân công mỗi khi sen chưa vào mùa rộ.
Chị Thủy cho hay: Công việc kinh doanh thuận lợi, năm 2017, chị tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tiết kiệm của Hội Phụ nữ xã để mở rộng sản xuất các mặt hàng nông sản này. Hiện tại, gia đình chị Thủy thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.
Từ một người không có tài sản, nhà ở, đến nay chị Thủy đã xây được ngôi nhà cấp bốn khang trang, tạo việc làm cho 15 phụ nữ có hoàn cảnh gia đình khó khăn với mức thu nhập 150.000 đồng/người/ngày.
Không chỉ giỏi giang, năng động trong công việc kinh doanh, chị Thủy còn là một chi hội trưởng phụ nữ nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác Hội.
Chị thường xuyên kêu gọi, vận động hơn 650 hội viên thôn Thạch Chẩm nuôi con khỏe, dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc, tích cực phát triển kinh tế, gia đình, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chương trình, hoạt động do Hội phát động.
Chị còn tích cực đẩy mạnh phong trào tương thân tương ái trong hội viên phụ nữ, nỗ lực làm “cầu nối” kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ, hỗ trợ tiền, gạo cho nhiều gia đình hội viên lúc khó khăn, hoạn nạn. Bản thân chị đã 6 lần tham gia hiến máu cứu người.
Với những kết quả này, nhiều lần chị Thủy được Hội LHPN xã, Hội LHPN huyện biểu dương, khen thưởng. Mới đây, chị được Hội LHPN tỉnh tặng bằng khen trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp.
LAN KHANH