Với nghị lực và quyết tâm vượt khó, dám nghĩ, dám làm, ông Cao Nguyên Lâm ở buôn Quen, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh đã tiên phong trong phát triển kinh tế theo mô hình trang trại nông - lâm kết hợp. Hiện gia đình ông sở hữu hơn 80ha đất trồng cao su, keo, bạch đàn và các loại cây ngắn ngày…; mỗi năm thu lợi nhuận trên 1 tỉ đồng.
Đi lên từ gian khó
Ông Cao Nguyên Lâm - Ảnh: NGỌC HÂN |
Hơn 25 năm trước, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, ông Lâm dắt díu vợ con từ huyện Đồng Xuân sang Sông Hinh làm kinh tế mới. Đến với vùng đất khá mới mẻ tại buôn Quen, xã Ea Bar, vợ chồng ông ra sức khai hoang và mua thêm đất, mày mò học tập cách trồng trọt, chăn nuôi của nông dân địa phương, bắt tay vào sản xuất. Bước đầu, ông Lâm trồng hơn chục hécta cà phê, keo, bạch đàn xen lẫn sắn, bắp với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Thấy người dân địa phương nuôi bò hiệu quả, ông Lâm vay vốn mua hơn 20 con bò cái sinh sản về nuôi. Nhờ chăm sóc kỹ nên bò đẻ đều đặn, ông bán bê đực, rồi dựng thêm chuồng cho bò cái đẻ. Sau hơn 2 năm chăn nuôi, trồng trọt, ông Lâm đã trả xong nợ và lãi được số tiền kha khá.
Làm ăn có lãi, ông Lâm tiếp tục đầu tư mua gom đất mở rộng diện tích trồng cà phê, keo, sắn, lúa nước... Không dừng ở đó, năm 2001, khi dự án cao su tiểu điền được triển khai, ông Lâm mạnh dạn vay 180 triệu đồng vốn ưu đãi dài hạn từ Ngân hàng NN-PTNT huyện Sông Hinh đầu tư trồng 10ha cao su. Cứ thế, hàng năm, gia đình ông mở rộng thêm diện tích cao su, keo, bạch đàn. Hiện nay trang trại của ông Lâm đã lên đến hơn 80ha, gồm: 50ha cao su (20ha đã thu hoạch mủ), 25ha keo, bạch đàn và các loại cây ngắn ngày, còn lại trồng cây ăn quả (bơ, mít, sầu riêng, mãng cầu…). Đồng thời, mỗi năm ông nuôi hơn 200 con gà, vịt để đảm bảo nguồn thực phẩm hàng ngày cho gia đình.
Ngoài sản xuất nông nghiệp, ông Lâm còn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su tại trang trại để tiện cho việc thu hoạch mủ cao su của gia đình và bà con xung quanh, tránh tình trạng bị thương lái ép giá. Theo tính toán của ông Lâm, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu nhập không dưới 1 tỉ đồng. “Không còn cảnh thiếu trước hụt sau nữa, bây giờ gia đình tôi có điều kiện xây nhà cửa khang trang, mua ô tô, sắm máy móc hiện đại phục vụ sản xuất”, ông Lâm phấn khởi nói.
Tích cực tham gia các hoạt động xã hội
Để có được cơ ngơi như hôm nay, ông Lâm luôn cảm thấy mắc nợ vùng đất mà gia đình ông đến lập nghiệp. Vì vậy, trong cuộc sống đời thường, ông Lâm luôn gương mẫu đi đầu, vận động bà con cùng nhau thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, sẵn sàng giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.
Trước năm 2010, các tuyến đường nội đồng đi lại từ trang trại đến đường chính của xã rất khó khăn, ông Lâm đã vận động một số hộ sản xuất trong vùng thuê máy san ủi đất, mở đường, trồng trụ kéo điện về phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Bên cạnh đó, ông Lâm còn giúp tạo công ăn việc làm cho 15 lao động của 5 hộ nông dân tại trang trại. Ngoài tiền công mỗi tháng 6 triệu đồng/lao động theo hợp đồng thỏa thuận, các hộ này còn được ông cho mượn đất để tăng gia sản xuất và 30 triệu đồng/hộ để xây nhà… Đến nay, cả 5 hộ đều đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Bar Lê Mô Y Bông nhận xét: Ông Cao Nguyên Lâm là tấm gương sáng về tinh thần cần cù trong lao động sản xuất. Không chỉ làm kinh tế giỏi, khi Hội tổ chức các hoạt động, ông đều tham gia rất năng nổ và sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn cả về tinh thần lẫn vật chất nên được bà con ở buôn Quen quý trọng.
Ông Lâm vinh dự đại diện cho nông dân tỉnh Phú Yên báo cáo thành tích ở Trung ương; được Bộ trưởng NN-PTNT tặng bằng khen “Nông dân có thành tích SXKD giỏi năm 2006-2010”. Mới đây, ông vinh dự được Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gửi giấy mời dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc tổ chức tại Hà Nội và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen điển hình tiên tiến xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2018.
NGỌC HÂN