Anh Nguyễn Tấn Hùng ở thôn Phú Xuân A (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, sau nhiều lần thất bại, giờ đã là ông chủ của hơn 30ha mía, một trang trại rộng 2,4ha với mô hình chăn nuôi hiệu quả.
Anh NguyễnTấn Hùng tại ruộng mía của mình - Ảnh: NGUYÊN HẬU |
Dám nghĩ dám làm
Gần 20 năm trước, sau khi lập gia đình với gia sản khởi nghiệp chỉ 3.000m² đất trồng mía. Dù cần mẫn chăm bón song do phụ thuộc vào nguồn nước trời, trong khi thời tiết thì biến động, đầu năm nắng nóng kéo dài và lũ chồng lũ vào những tháng cuối năm nên vợ chồng anh vẫn thiếu thốn, chật vật kinh tế vô cùng. Trăn trở nhiều về hướng đi bền vững, anh quyết định từ bỏ phương thức sản xuất manh mún nhỏ lẻ, mạnh dạn đầu tư sản xuất quy mô hơn.
Thời điểm năm 2004, khi Nhà máy đường KCP có chương trình ký kết bao tiêu sản phẩ̀m, anh đã vay vốn mua thêm đất trồng mía đồng thời mua máy cày đại để chủ động trong sản xuất. Nhờ số tiền cung ứng đầu tư từ nhà máy, anh thuê thêm 6ha đất dài hạn của những chủ ruộng lân cận, mở rộng diện tích canh tác.
Sau hai năm đầu tư, nhờ giá mía ổn định, anh đã trả hết nợ đầu tư và còn lãi 500 triệu đồng. Đến năm 2014, anh tiếp tục mở rộng diện tích lên 30ha đất mía. Sau đó, anh còn thuê hơn 2ha đất trũng của UBND xã, cải tạo và xây dựng trang trại hết hơn 1,7 tỉ đồng để làm mô hình chăn nuôi kết hợp.
Làm giàu từ mô hình tương trợ
Năm 2017, Sở NN-PTNT PhúYên đã hỗ trợ cho anh hệ thống máy tưới nước tự động trị giá 46 triệu đồng để tưới nước mía, chu vi phun của béc tưới hơn 50m. Đây cũng là thời điểm mà mô hình của anh phát huy hết tác dụng, bổ trợ cho nhau.
Tại trang trại, anh xây dựng hệ thống chuồng nuôi heo với quy mô 150 con heo thịt và 7 con bò. Xung quanh anh đào 4 ao thả cá bao gồm 2 ao nuôi cá trắm, mè, thác lác, 1 ao trữ và 1 ao thả cá giống. Lượng nước trong ao sẽ dẫn qua hệ thống tưới cho khoảng 5ha mía. Lượng phân từ chăn nuôi heo, bò, anh cho chảy qua một bể chứa, sau đó hòa nước tưới cho các diện tích mía và hơn 6.000m² đất lúa hai vụ. Quy trình này không chỉgiải quyết được vấn đề vệ sinh môi trường mà còn tiết kiệm một phần chi phí cho việc bón phân hữu cơ.
Anh Nguyễn Tấn Hùng cho biết, so với phương thức canh tác bình thường, việc trồng mía chủ động nguồn nước tưới đem lại hiệu quả rất cao vì chất lượng mía tốt. Nếu như những tháng sinh trưởng đầu tiên, cây mía cần bổ sung lượng phân nền thì gặp thời tiết nắng nóng, không bỏ phân được nên mía vừa nhỏ vừa đoản mắc, dễ bị ngã đổ và trữ lượng đường không cao. Ngược lại, nếu chủ động nguồn nước, mía phát triển đều, cho năng suất cao trung bình từ 120-140 tấn/ha.
Sau 5ha thử nghiệm nước tưới, anh Hùng dự định sẽ mở rộng phạm vi. Hàng năm, theo mô hình này, trừ chi phí, anh còn lãi từ 250-300 triệu đồng. Anh dự định sẽ trồng các loại cây ăn trái, cây rau thực phẩm chung quanh trang trại đểtạo bóng mát và cung cấp rau quả cho các điểm thu mua trên địa bàn.
Không giấu được niềm vui vàtựhào, anh cho hay gia tài lớn nhất của vợ chồng anh hiện tại là hai đứa con ngoan và học giỏi. Con trai lớn của anh hiện đang học tại Học viện Kỹ thuật Quân sự và bé gái đang học lớp 6. Bên cạnh đó, anh Hùng còn có niềm đam mê thể thao rất lớn, hiện anh là thành viên chủ chốt trong CLB cầu lông, bóng bàn của xã Xuân Phước.
Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phước Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: “Sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm của anh Hùng là tấm gương cho nhiều nông dân khác noi theo. Xã Xuân Phước vừa đạt chuẩn nông thôn mới nên rất cần nhiều nhân tố điển hình như vậy, để tạo đà trong phát triển kinh tế hộ nói riêng và đóng góp vào phát triển xã hội nói chung”.
Với những cố gắng và thành quảtrên, anh vinh dự được UBND huyện tuyên dương khen thưởng với mô hình "Phát triển kinh tế hộ gia đình thoát nghèo ổn định cuộc sống".
NGUYÊN HẬU