Xuất phát từ chăn nuôi gà, vịt nhỏ lẻ để lo cho kinh tế gia đình, nhờ chịu khó học hỏi, vượt qua nhiều khó khăn, anh Nguyễn Tấn Lang (ở khu phố 2, thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa) đã mạnh dạn đầu tư nuôi gà thả vườn trên đệm lót sinh học và cung cấp con giống. Nhờ thế, gia đình anh có thu nhập ổn định và bền vững.
Anh Nguyễn Tấn Lang tại trang trại gà của gia đình - Ảnh: KHÁNH VY |
Thông qua sự giới thiệu của Hội Nông dân thị trấn Hòa Vinh, chúng tôi tìm đến trang trại chăn nuôi gà của anh Lang và được anh dẫn đi xem mô hình nuôi gà thả vườn trên đệm lót sinh học của gia đình. Anh Lang vui vẻ cho biết: “Trước khi chuyển hẳn sang mô hình chăn nuôi gà có sử dụng đệm lót sinh học, ngoài công việc chính là làm ruộng, tôi có chăn nuôi thêm gà, vịt theo cách thông thường để cải thiện thu nhập. Khi nuôi gà bằng phương pháp truyền thống, do tôi chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên gia cầm hay dịch bệnh, dẫn đến thua lỗ.
Năm 2013, để phát triển kinh tế căn cơ, tôi lân la học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi trước đó. Đồng thời tham gia các buổi hội thảo, tập huấn do Hội Nông dân thị trấn và Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức để nắm vững kiến thức về cách làm chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, phòng và chữa bệnh. Sau đó, vợ chồng tôi mạnh dạn đầu tư theo mô hình chăn nuôi mới”.
Từ 1.000 con gà nuôi ban đầu, thấy mô hình chăn nuôi có hiệu quả, anh Lang vay mượn để nuôi tiếp lứa gà thứ hai, thứ ba… rồi nâng dần số lượng đàn gà lên mỗi năm. Với diện tích hơn 4 sào đất vườn, anh chia ra nhiều chuồng trại để nuôi gà thịt thương phẩm, nuôi gà, vịt ấp nở, sinh sản...
Hiện trang trại của anh thường xuyên duy trì khoảng 5.000 con gà thịt, 1.000 con gà bố mẹ để ấp nở và 1.000 con vịt xiêm (ngan Pháp) giống để lấy trứng ấp bán con giống cho người dân xung quanh. Bình quân mỗi năm, anh có thể nuôi 4-5 lứa, mỗi lứa nuôi hơn 3 tháng. Khi gà được gần 2 tháng tuổi, anh thả ra ngoài khu vườn trống có rào chắn an toàn với tần suất 2 lần/ngày, mỗi lần khoảng 2 tiếng đồng hồ. Việc này giúp tăng sức đề kháng và thịt gà thêm săn chắc, đạt trọng lượng từ 1,5kg-1,7kg/con nên gà của anh được thương lái ưa chuộng. Hiện với giá bán 65.000 đồng/kg gà thịt và 55.000 đồng/kg vịt xiêm giống, sau khi trừ chi phí, anh thu lợi nhuận gần 300 triệu đồng/năm.
Theo anh Lang, yếu tố quyết định thành công trong chăn nuôi gà thương phẩm chính là áp dụng công nghệ nuôi khoa học. Hiện các khu chuồng trại nuôi gà, vịt đều được anh xây dựng thoáng mát đúng quy cách, có lót đệm sinh học để hạn chế ô nhiễm môi trường. Không những thế, cách làm này còn giúp giảm thiểu đáng kể mùi hôi từ chất thải, giảm nồng độ khí H2S, NH3... thải ra môi trường xung quanh; đồng thời tăng cường phân hủy phân, nước tiểu thành phân hữu cơ vi sinh, tăng quá trình tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn, góp phần phòng bệnh cho đàn gà. “Trước đây, tôi nuôi có vài trăm con mà dịch bệnh chết gần nửa. Từ khi nuôi trên đệm lót sinh học, gà tăng trọng nhanh, phát triển đồng đều; các bệnh thường gặp ở gà như thương hàn, thối móng, bệnh về đường hô hấp… cũng không còn. Sắp tới, tôi sẽ đầu tư xây thêm chuồng trại, tăng đàn gà thịt để đáp ứng nhu cầu thị trường”, anh Lang cho biết.
Ông Nguyễn Văn Trí, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Hòa Vinh nhận xét: “Nhờ mạnh dạn phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, kinh tế gia đình anh Lang giờ khá giả hẳn, bản thân anh nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Tại địa phương, việc phát triển kinh tế gia đình bằng các mô hình chăn nuôi là rất phổ biến, nhưng áp dụng đệm lót sinh học còn chưa nhiều. Hội đang vận động hội viên học hỏi kinh nghiệm thực tế từ mô hình của anh Lang để phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường”.
KHÁNH VY