Hơn 20 năm kể từ ngày chồng mất, bà Nguyễn Thị Kim Nguyên ở khu phố Định Thắng 2, thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) một mình tảo tần nuôi 6 người con khôn lớn, ăn học nên người. Câu chuyện vượt khó tìm chữ cho con của bà Nguyên đã trở thành tấm gương điển hình về nghị lực, sự hy sinh, tình yêu thương bao la của những người mẹ nghèo nơi đây.
Niềm vui của bà Nguyên khi nhìn lại thành tích học tập của các con - Ảnh: NGỌC DUNG |
Đường gập ghềnh
Năm 1996, chồng bà Nguyên lâm trọng bệnh qua đời, lúc ấy bà chưa đến tuổi 40. Năm ấy, người con trai đầu Nguyễn Kiều Toàn mới 13 tuổi, còn đứa con gái út Nguyễn Kiều Thị Nhơn mới 20 tháng tuổi. Đau buồn, lo lắng, hoang mang khi nghĩ đến chặng đường gian truân mịt mờ phía trước, nhưng bà Nguyên không thể buông xuôi khi nghĩ đến tương lai của 6 đứa con thơ dại. Làm cách nào để nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành là điều khiến người mẹ nghèo trẻ tuổi lúc ấy trăn trở đến mất ăn mất ngủ.
Để có tiền nuôi con, bà Nguyên nghĩ cách phát triển kinh tế gia đình từ việc làm ruộng, chăn nuôi. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, từ một ít tiền tích góp, vay mượn, bà Nguyên đầu tư vào việc nuôi heo. Ban đầu nuôi 1 con heo nái, sau đó tăng dần lên 4 con heo nái, rồi bà tiếp tục nuôi cả bốn đàn heo con mới đẻ thành heo thịt để bán. Qua nhiều năm nuôi heo, bà Nguyên tích lũy được một số vốn tương đối sau đó tiếp tục mua bò về nuôi và mua thêm 2 mẫu ruộng để trồng lúa. Không dừng lại đó, tranh thủ những khi ngơi việc đồng áng, ruộng vườn, bà Nguyên tất tả đi làm thêm bên ngoài để kiếm thêm thu nhập.
Bà Nguyên nhớ lại: Trong những năm tháng nhọc nhằn ấy có những lúc khốn khó, mệt mỏi tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng trong tôi chưa hề gợn lên ý nghĩ sẽ cho các con nghỉ học để mình “nhẹ gánh”. Những lúc như vậy, tôi nhớ đến di nguyện “mong các con ăn học nên người” của chồng, nghĩ đến tương lai của các con mà bước tiếp. Bà Nguyên thổ lộ: “Tôi nghĩ, tụi nhỏ phải có chữ nghĩa, tương lai mới thoát khỏi khổ cực, vất vả. Đời tôi đã khổ, tôi không muốn con cái cũng khổ như mình”. Với tâm nguyện ấy, hơn 20 năm qua, dù không có chồng bên cạnh đỡ đần, sẻ chia, cuộc sống thiếu thốn, vất vả trăm bề nhưng trong lòng người mẹ nghèo vẫn kiên định với quyết tâm nuôi con cái ăn học thành tài.
Cùng với thời gian, 6 người con của bà mỗi ngày một lớn. Các con càng học lên cao thì các khoản học phí, tiền mua sách vở, quần áo càng tăng. Điều này cũng đồng nghĩa với những khó khăn, vất vả của bà Nguyên mỗi ngày một chồng chất.
Quả ngọt
Thấu hiểu những vất vả, nhọc nhằn và ước mong của mẹ, 6 người con của bà Nguyên đều chăm ngoan, nỗ lực học tập, lần lượt thi đỗ vào các trường đại học. Niềm vui đến với bà thật lớn, song cùng với đó là bời bời nỗi lo khi phải chạy vạy, vay mượn tiền cho con đóng học phí, lo tiền ăn ở, sinh hoạt hàng tháng. Chính quyền địa phương, Chi hội Phụ nữ khu phố Định Thắng 2, Hội LHPN thị trấn Phú Hòa hiểu những khó khăn của gia đình bà Nguyên nên đã quan tâm giúp đỡ xét cho vay vốn sinh viên nghèo để tạo điều kiện cho các con bà bước chân vào giảng đường đại học. Để đỡ gánh nặng cho mẹ, các con bà vừa học, vừa kiếm việc làm thêm. Không phụ công sức, sự hy sinh của mẹ, hiện nay cả sáu người con của bà Nguyên, gồm: Nguyễn Kiều Toàn, Nguyễn Kiều Thị Lý, Nguyễn Kiều Thắng, Nguyễn Kiều Kim Phi, Nguyễn Kiều Hoài, Nguyễn Kiều Thị Nhơn đã và đang học tại các trường đại học ở TP Hồ Chí Minh.
Ở tuổi 57, nhìn lại chặng đường đã đi qua, bà Nguyên mỉm cười mãn nguyện vì ước mong ngày nào của bà giờ đây đã thành hiện thực. Nhiều người sống ở khu phố Định Thắng 2 nói rằng: Không ai vất vả, chịu thương chịu khó, giỏi giang như bà Nguyên. Chồng mất sớm, vậy mà bà một thân một mình “bới đất lật cỏ” lầm lũi nuôi 6 đứa con ăn học. Nhiều người có chồng vợ đủ đầy, thậm chí là khá giả, nhưng con cái đâu được ngoan hiền, học hành giỏi giang như vậy. Những năm gần đây, bà còn nuôi heo, bò, thu nhập mỗi năm từ 100-150 triệu đồng.
Câu chuyện người mẹ đơn thân vượt khó tìm chữ cho con của bà Nguyên đã trở thành gương điển hình tiêu biểu không chỉ ở Phú Hòa mà còn ở cả tỉnh Phú Yên. Bà là một trong 100 phụ nữ tiêu biểu trong toàn quốc được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tôn vinh khen thưởng trong năm 2017 vừa qua. Nói về chuyện này, bà Nguyên cười tươi: “Tôi không ngờ có ngày mình lại đi ra tận Hà Nội để nhận bằng khen về chuyện nuôi dạy con cái học hành của Trung ương Hội trao tặng. Tôi thấy vui và bất ngờ lắm. Trước giờ, tôi nghĩ cha mẹ nào sinh con cái cũng phải có trách nhiệm nuôi dạy con nên người, mình cũng vậy thôi”.
NGỌC QUỲNH