Hơn 30 năm lăn lộn đủ nghề nhưng anh Nguyễn Văn Bít (50 tuổi, trú khu phố 1, thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa) vẫn không khá nổi. Cuối cùng thì con chim yến đã giúp anh đổi đời.
Anh Nguyễn Văn Bít |
Tốt nghiệp THPT, thi đậu Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang, nhưng anh Bít chỉ học được một năm rồi nghỉ. Nuôi chí làm giàu, anh về quê, lăn lộn qua đủ nghề mong tìm một hướng đi khả dĩ “ăn nên làm ra”. Thành có, bại có nhưng rồi cũng không nghề nào anh trụ được lâu. Năm 2012, qua báo chí và mạng internet, anh Bít biết đến nghề nuôi chim yến trong nhà. Trước sự hấp dẫn của nghề nuôi chim yến làm giàu, anh Bít đã dành thời gian, công sức mày mò nghiên cứu các thông tin liên quan đến loài chim yến, quy trình kỹ thuật nuôi cũng như tìm cách “thâm nhập thực tế” từ những cơ sở nuôi yến mà anh có điều kiện tìm tới. Dốc vốn liếng tích cóp xây ngôi nhà 2 tầng để ở, anh Bít quyết định dành 60m2 tầng trên làm chỗ nuôi chim yến. Anh liên hệ Trung tâm Yến sào Hoàng Yến EKA Sài Gòn hỗ trợ tư vấn thiết kế, lắp đặt trang thiết bị nhưng trung tâm cho rằng diện tích quá nhỏ, không chịu nhận. Không chịu thua cuộc, sau nhiều ngày đêm trăn trở, anh Bít đã đi đến quyết định tự làm.
Thế là anh Bít tự thiết kế, tự mua trang thiết bị về lắp đặt. Cuối cùng, “nhà yến” cũng tạm xong nhưng việc “mở máy” (máy phát âm thanh dụ chim yến về làm tổ) chờ ròng rã nửa năm mà chỉ dụ vỏn vẹn được… mỗi đôi chim yến. Buồn nhưng không nản. Nhiều đêm anh thức trắng bên chiếc máy vi tính, miệt mài tìm tòi thông tin hướng dẫn về kết cấu kỹ thuật của nhà yến, về cách lắp đặt và vận hành trang thiết bị… để tìm ra chỗ sai, sau đó bắt tay vào sửa chữa. Anh Bít nhớ lại: Với nhà yến “khởi nghiệp” ấy, trong 3 năm (từ 2012-2014), tôi đã phải sửa đi sửa lại tới… 6 lần mới coi như tạm ổn! Sự “gan lỳ” không chịu lùi bước trước thất bại buổi đầu của anh giờ đã có kết quả với đàn yến kéo về làm tổ mỗi lúc một đông. Khi “quân số” yến tăng lên được khoảng ngàn con, anh Bít huy động vốn xây thêm tầng, cơi nới diện tích nhà yến tăng lên 150m2. Hoạt động nhà yến của anh dần đi vào ổn định. Số lượng chim cũng tiếp tục tăng. Hiện lượng chim yến khoảng 3.000 con.
“Nhà yến tại gia” của anh Bít mỗi năm khai thác được khoảng 15kg tổ yến, mang lại nguồn thu hơn 300 triệu đồng. Vậy nhưng thu nhập của anh không phải chỉ trông vào chừng ấy. Với vốn hiểu biết cùng kinh nghiệm tích lũy được, anh Bít đã có thêm một nghề mới: tư vấn, thiết kế và lắp đặt trang thiết bị nhà yến cho những ai có nhu cầu. Dịch vụ hoạt động hiệu quả, tiếng lành đồn xa khiến công việc của anh ngày càng phát đạt. Tính đến nay, anh đã tư vấn, thiết kế và lắp đặt trang thiết bị cho hàng trăm ngôi nhà yến trong tỉnh và các tỉnh bạn như Bình Định, Quảng Ngãi, Đắk Lắk… Anh Bít cho biết: Cứ 100m2 nhà yến được thi công, sau khi trừ hết các khoản chi phí tiền công, vật tư…, anh thu lãi khoảng 20 triệu đồng, một nguồn thu không hề nhỏ.
Công việc thuận lợi, thu nhập cao nhưng dường như khát vọng làm giàu luôn sôi sục trong người nông dân này. Năm 2016, anh Bít lại chung tay xây ngôi nhà yến thứ 2 tại thôn Cảnh Phước, xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa (phần anh sở hữu 80m2) chuẩn bị đưa vào khai thác. Chưa hết, anh còn tiết lộ dự định xây thêm căn nhà yến thứ 3 cho riêng mình với tổng diện tích mặt sàn khoảng 600m2, dự chi 1,5 tỉ đồng trên phần đất ở quê được thừa kế. Anh Bít tâm sự: “Tôi quyết tâm theo đuổi và hy vọng kết quả mang lại từ nghề nuôi chim yến sẽ sáng sủa hơn”.
Ông Nguyễn Gia Phong, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Hòa Vinh, nói: “Có thể xem anh Bít là một trong số ít người thử nghiệm thành công mô hình nuôi chim yến trong nhà tại địa phương. Chúng tôi mong mô hình này sẽ được nhân rộng, phát triển thành một ngành nghề làm ăn mới, giúp bà con tăng thêm cơ hội phát triển kinh tế, thoát nghèo”.
VĂN NGUYỄN