Bởi thấm thía những “thất thế” của nông dân, ông Nguyễn Văn Phước (53 tuổi, ở xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa) không cam chịu nghèo khó, đã khởi nghiệp dưới tán lá rừng, xây dựng mô hình trang trại và vươn lên làm giàu.
Ông Nguyễn Văn Phước - Ảnh: Đ.Đ.TUẤN |
Tìm đất mới để giàu
Ngun ngút phóng xe trong cái nắng gay gắt, chúng tôi đặt chân đến trang trại “ốc đảo giữa trần” của ông Phước. “Hơn 10 năm trước, vùng núi rừng Suối Phẩn (xã Hòa Mỹ Tây) này chỉ trơ trụi nắng gió, cây dại. Tôi vốn gốc ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), không chịu được cảnh túng thiếu, quanh năm sống dựa vào ruộng lúa nên mới lên đây mở đất…”, ông Phước nói.
Năm 2001, để lại ruộng lúa cho người thân thuê làm, vợ chồng ông Phước vác rựa lên Suối Phẩn. Quần quật ngày đêm khai khẩn đất rừng, vét túi mua gom một số rẫy lân cận, đến nay trang trại của vợ chồng ông đã có trên 15ha đất rừng trồng, chăn nuôi dưới tán rừng và sản xuất nhiều loại hoa màu.
Khởi sự với đất rừng, ông Phước trồng keo lai tại 4 khu vực để luân phiên trồng, chăm sóc và khai thác; mỗi năm khai thác khoảng 300 tấn gỗ nguyên liệu. Tiếp đó, ông túc tắc trồng 300 cây xà cừ dọc các lối đi để tạo cảnh quan và tỉa chọn khai thác gỗ. Tận dụng những vạt đất ven suối, vợ chồng ông trồng 300 khóm tre lấy măng, mỗi năm thu trên 2 tấn sản phẩm. Ông cũng luôn dành một phần đất trong trang trại trồng mía, đậu đỗ, mè và trồng cây dó bầu để tính kế lâu năm.
Theo ông Phước, việc xen canh, luân canh cây trồng thích hợp dưới tán rừng đã làm cho đất không bị rửa trôi, bạc màu, thoái hóa mà ngày thêm màu mỡ. Đây là điều kiện để sản xuất bền vững trên đất núi rừng. Tổng giá trị thu nhập “cứng” từ các loại cây trồng trong trang trại luôn đạt trên 500 triệu đồng/năm.
Thêm cây con, thêm khởi nghiệp
Ổn định xong việc phủ xanh đất, ông Phước lân la đi tìm các giống vật nuôi chất lượng, phù hợp chăn thả dưới tán rừng. Không đầu tư tấp cập, số lượng bò và dê trong trại của ông chỉ duy trì ở mức 50 con (nuôi thịt và sinh sản). Điều này giúp ông có điều kiện chăm sóc tối đa, dễ quản lý dịch bệnh và ổn định thu nhập 150 triệu đồng/năm.
Nhận thấy thị trường gà chọi có triển vọng, ông đầu tư mua giống “xịn” và duy trì đàn ở mức 100 con. Định kỳ mỗi năm vài lần, ông chọn những con gà trưởng thành, đạt tiêu chuẩn để xuất chuồng bán cho các mối quen. Số gà còn lại là nguồn thực phẩm thường xuyên cho gia đình. Tại một vùng đất trũng trong trang trại, ông Phước quy hoạch 1.500m2 để làm hồ nước “điều hòa sinh thái”, kết hợp thả nuôi các loại cá nước ngọt có giá trị.
“Đặc tính phát triển, nhu cầu thị trường mỗi cây, mỗi con mỗi khác, nên mỗi khi đầu tư sản xuất một cây con mới nào đó, tôi luôn dành thời gian học hỏi phương pháp trồng, “túm chặt” địa chỉ đầu ra. Có như vậy mới hạn chế được thấp nhất tình cảnh ế ẩm, giá cả bấp bênh, phải năn nỉ người mua. Mỗi ngày mở mắt ra là tôi… khởi nghiệp, bởi thấm thía những “thất thế” của nông dân”, ông Phước tâm sự.
Bên cạnh đó, gia đình ông còn làm dịch vụ máy tuốt lúa, cắt cỏ, bơm nước phục vụ sản xuất trong vùng. Với mức thu nhập “cứng” trên 1 tỉ đồng/năm, vợ chồng ông cho ba người con ăn học đến nơi đến chốn. Trang trại ông Phước hiện đang giải quyết lao động có thu nhập ổn định cho trên 20 nhân công trong vùng.
Ông Huỳnh Kim, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Mỹ Tây, nhận xét: Mô hình “Nông lâm kết hợp phát triển bền vững dưới tán rừng” được gia đình ông Phước triển khai rất bài bản. Việc sản xuất đa dạng sản phẩm đã giúp trang trại ổn định về thu nhập và bền vững về môi trường. Nhiều sản phẩm nông nghiệp mặc dù luôn biến động bất lợi nhưng nhờ kế hoạch luân canh, tự chủ về vốn nên ông ít sợ rủi ro, mất giá. Nếu gỗ rừng trồng rớt giá, ông giữ lại đó để lựa thời điểm khác khai thác; giá măng tươi hạ thì ông làm măng khô để bán tết. Nhờ chủ động nguồn thức ăn tại chỗ, ông cũng ít bị sức ép xuất chuồng khi sản phẩm chăn nuôi mất giá… Mô hình trang trại của ông đáng để học hỏi và nhân rộng.
HÙNG PHIÊN