Thứ Hai, 30/09/2024 07:34 SA
Nữ chiến sĩ Trường Sơn tích cực xây dựng nông thôn mới
Thứ Bảy, 12/08/2017 09:34 SA

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, bà Nguyễn Thị Đông ở thôn Nguyên An (xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa) có nhiều năm sống và chiến đấu trên những cung đường Trường Sơn. Sau khi xuất ngũ, phải đối mặt với bao khó khăn thử thách trong thời bình, bà lại tiếp tục truyền thống vẻ vang của một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, chăm lo cuộc sống gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới bằng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.

 

 

Bà Đông đang chăm sóc những cây chuối ghép mô - Ảnh: HÀ VÂN

Một thời khó quên

 

Năm 1968, bà Nguyễn Thị Đông nhập ngũ, được biên chế vào lực lượng thanh niên xung phong thuộc Đường dây 559 - đường Trường Sơn. Năm 1971, bà xuất ngũ bởi sức khỏe yếu. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những năm tháng tham gia tại Trường Sơn vẫn còn mãi trong ký ức của bà khi nhớ về một thời hoa lửa không thể nào quên. Đường Trường Sơn những năm chống Mỹ, cứu nước là con đường huyết mạch để phục vụ cho chiến trường miền Nam, bị quân đội Mỹ rải bom, cày đi xới lại không biết bao lần. Vì vậy, những đơn vị đóng quân ở cung đường này phải thường xuyên hứng chịu không biết bao hiểm nguy, cái sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc.

 

Bà Đông nhớ lại: “Sau những đợt địch rải bom, chúng tôi làm lại từ đầu. Bộ đội công binh thì lo san lấp hố bom, san phẳng lòng đường để kịp thông tuyến. Tôi là người làm nhiệm vụ thống kê vật tư, việc giữ bí mật sổ sách, số liệu được xem như giữ tính mạng của mình. Vì vậy dù lúc ăn hay ngủ, tất cả tài liệu, sổ sách đều được mang theo bên mình, tuyệt đối không để thất lạc. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, dù hàng ngày giặc Mỹ quần đảo không biết bao lần nhưng chúng tôi vẫn luôn bảo đảm cho những đoàn xe chở vũ khí, đạn dược, bộ đội kịp thời thẳng đường ra tiền tuyến”. Biết bao chuyện giữa rừng Trường Sơn, những năm tháng khốc liệt của chiến tranh đã giúp bà và đồng đội rèn luyện được đức tính vượt qua khó khăn khi trở về cuộc sống thời bình. Để rồi hôm nay, bà lại tiếp tục góp phần xây dựng quê hương Phú Yên bằng những việc làm hiệu quả, thiết thực, nhất là trong thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới.

 

Phát triển kinh tế gia đình hiệu quả

 

Năm 1971, sau khi xuất ngũ, bà Đông trở về quê hương ở xã Trung Chính (huyện Lương Tải, Bắc Ninh). Bà gặp chồng cũng là bộ đội Trường Sơn xuất ngũ. Cuộc sống ở quê gặp không ít khó khăn, vất vả. Tuy hai vợ chồng sẵn có nghề làm bún và đúc đậu khuôn nhưng thu nhập không đáng là bao, chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Năm 1987, hai vợ chồng bàn nhau vào Phú Yên sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất Sơn Nguyên cho đến ngày nay. “Có nghề trong tay, lại thấy ở vùng đất này ít có người làm bún, làm đậu nên hai vợ chồng tôi cố gắng làm lụng quên cả giờ giấc, miễn là có đồng ra đồng vào là được. Con cái dần lớn lên, trong nhà có thêm lao động, cơ sở làm bún ngày càng được mở rộng, vì thế thu nhập cũng tăng dần nên gia đình tích lũy được một ít vốn liếng dành khi ốm đau”, bà Đông tâm sự.

 

Không dừng lại ở chuyện làm bún, làm đậu khuôn, đầu năm 2004, khi phong trào trồng sắn, mía phát triển mạnh ở huyện Sơn Hòa, chồng bà Đông là ông Trần Văn Đô (nguyên là chiến sĩ công binh thuộc Binh đoàn 559 đường Trường Sơn) đã bàn bạc với vợ mở một xưởng cơ khí để sửa chữa các loại máy móc hư hỏng, đồng thời rèn, đúc một số dụng cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Lúc đầu vốn liếng ít, họ chỉ mở được một xưởng cơ khí nho nhỏ, rồi sau đó, bằng uy tín và trách nhiệm của mình, xưởng cơ khí dần dần mở rộng với nhiều hạng mục sửa chữa. Hiện nay, sau gần 14 năm, diện tích nhà xưởng được mở rộng. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ông nhận thêm hàng chục nhân công với mức thu nhập ổn định trên 3 triệu đồng/tháng. Từ xưởng cơ khí này cộng với nghề làm bún, làm đậu truyền thống của gia đình, sau khi trừ chi phí đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình bà Đông gần 500 triệu đồng/năm.

 

Hiện nay, vì tuổi cao sức yếu nên hai vợ chồng bà Đông giao lại một số công việc chủ chốt cho con cái. Hiện vợ chồng bà Đông đang thực hiện mô hình trồng chuối ghép mô của Nhật, đây là một trong những mô hình giảm nghèo trong quá trình thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Mặt trận chủ trì. Đến nay, vườn chuối của gia đình bà với 200 cây phát triển tươi tốt đang chờ cho trái. Bà Đông cho biết: “Chúng tôi là những người rất may mắn được trở về với cuộc sống đời thường. Tôi luôn nghĩ mình phải sống thật xứng đáng với những người đã khuất, sống có trách nhiệm với con cháu để thiết thực góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương”.

 

Bà Lê Thị Vân, Trưởng ban liên lạc Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Phú Yên, nhận xét: “Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Đông còn là tổ trưởng Tổ liên lạc Nữ chiến sĩ Trường Sơn ở xã Sơn Nguyên. Khi có các phong trào, các cuộc vận động để quyên góp giúp hội viên nghèo, chị luôn là người hăng hái đi đầu, đồng thời rất tích cực trong việc đóng góp, vận động con cháu trong gia đình thực hiện tốt các nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Những việc chị Đông làm được đã thiết thực chung tay góp sức mình trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, phát huy truyền thống của người cựu chiến binh trong tình hình mới”.

 

HÀ ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tuyên truyền viên năng động
Thứ Sáu, 11/08/2017 08:12 SA
Cô học trò đa năng
Thứ Tư, 09/08/2017 08:49 SA
Nữ công an “hai giỏi”
Thứ Ba, 08/08/2017 08:02 SA
Ông Thọ làm giàu từ trồng hành
Thứ Hai, 07/08/2017 09:57 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek