Từ nhiều năm nay, vườn ươm cung cấp giống cây trồng lâm nghiệp của ông Phạm Văn Hào (thôn Phong Hậu, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa) trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều nông dân. Không chỉ thế, anh còn được nhiều người biết đến bởi sự vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, nuôi con ăn học đàng hoàng.
Từ Vân Canh (Bình Định) vào Sơn Long lập nghiệp năm 1993, vợ chồng ông Hào đi làm thuê làm mướn để trang trải cuộc sống. Nhờ cần cù lao động, ông khai hoang và tích góp tiền mua đất để trồng mía, sắn. Tuy nhiên, giá cả bấp bênh, tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa diễn ra thường xuyên dẫn đến thu nhập không ổn định.
Khó khăn chồng chất khi các con lần lượt ra đời và đến tuổi đi học nên vợ chồng ông phải cố gắng lao động để ổn định cuộc sống gia đình. Nhận thấy nhu cầu trồng rừng của người dân địa phương ngày càng cao, trong khi đó nguồn cung ứng cây giống còn quá ít, năm 2005, tận dụng vườn nhà, ông Hòa quyết định ươm thử cây keo, bạch đàn bằng phương pháp gieo hạt. Thấy kết quả tốt, từ đó ông mạnh dạn xây dựng vườn ươm cây giống lâm nghiệp.
Những tưởng kinh tế gia đình sẽ khá hơn nhờ hướng đi mới này, nhưng không may, năm 2011, ông Hào bị tai nạn giao thông, vợ ông lại bận bịu chăm sóc con nhỏ nên ông quyết định ngừng làm vườn ươm. Với mong muốn gầy dựng lại vườn có cây giống chất lượng, năm 2012, để lại bốn cô con gái đầu ở Phong Hậu, vợ chồng ông cùng người con út về quê, vừa làm thuê vừa học kỹ thuật giâm hom cây keo tại một công ty chuyên về sản xuất cây giống tại Vân Canh.
Năm 2013, vợ chồng ông Hào quay lại Sơn Long đầu tư phát triển mô hình ươm cây keo theo phương pháp giâm hom trên diện tích 1.000m2. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, không ngừng đầu tư trang thiết bị, lắp đặt hệ thống tưới nước phun sương hiện đại nên cây giống của ông có tỉ lệ sống và khả năng phát triển cao, tạo được uy tín trên thị trường. Hiện nay, vườn ươm của ông Hào rộng 1,5ha, mỗi năm bán ra thị trường từ 800.000-1,5 triệu cây keo giống. Với giá bán 600 đồng/cây, sau khi trừ chi phí, ông thu khoảng 250 triệu đồng.
Bà Lang Thị Hoa Hường, vợ ông Hào, chia sẻ: “Những ngày đầu chưa nắm vững kỹ thuật nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ cố gắng học hỏi, chúng tôi biết lượng nước tưới như thế nào cho đủ, cắt hom phải lựa phần đọt non, đủ số lượng mắt lá… Để có một cây keo chất lượng bán ra thị trường, đòi hỏi phải cẩn thận từng khâu, từ làm đất, cho đất vào bì, làm luống, cắt cành giâm, tiến hành giâm hom. Trong đó, quan trọng nhất là khâu cắt hom, giâm hom và khâu chăm sóc cây con mới giâm. Làm nhiều năm kinh nghiệm tích lũy càng nhiều rồi cũng vượt qua khó khăn”.
Ông Nguyễn Văn Minh ở thôn Suối Phèn, xã Sơn Long, chủ vườn ươm cây keo giống Hồng Minh, cho biết: “Ông Hào là người đi đầu, đưa mô hình vườn ươm về đây. Ông ấy không giấu nghề, có thắc mắc gì, tôi chỉ cần hỏi là ông chia sẻ ngay”.
Bên cạnh làm vườn ươm cây giống, ông Hào còn có 6ha đất trồng cây keo sắp cho thu hoạch.
Niềm vui nhân lên gấp bội khi năm người con gái của ông Hào đều ngoan ngoãn, học giỏi và biết giúp đỡ cha mẹ. Ông Hào tâm sự: “Thương cha mẹ, đứa nào cũng lễ phép, chăm học. Con gái lớn của tôi học ngành Dược, đang thực tập tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa, đứa kế tiếp đang học luật tại Trường đại học Đà Lạt, đứa thứ ba vừa tốt nghiệp THPT, các bé còn lại thì đang học trung học và tiểu học”.
Ông Phan Thành Công, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Long, nhận xét: “Gia đình ông Phạm Văn Hào là tấm gương vượt khó làm kinh tế giỏi, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, rất đáng để nhiều người noi theo”.
CÚC NGUYÊN