Thứ Hai, 30/09/2024 23:38 CH
Người “giữ lửa” nghề dệt thổ cẩm
Thứ Năm, 30/06/2016 09:07 SA

Chị So Thị Diêm dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch 2016 - Ảnh: THIÊN LÝ

Với lòng yêu nghề và mong muốn giữ gìn nét đẹp truyền thống của người Chăm, chị So Thị Diêm (40 tuổi) ở thôn Hà Rai, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) đang cố gắng truyền lửa cho thế hệ trẻ nối tiếp nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình.

 

Gia đình có nhiều đời làm nghề dệt thổ cẩm, lại có đam mê nên chị So Thị Diêm được làm quen với khung cửi, sợi vải từ khi còn là một cô bé… Chị bắt đầu theo học từ mó, mí của mình và những phụ nữ lớn tuổi ở thôn Hà Rai cách dệt thổ cẩm và tự tay dệt cho mình những tấm khăn choàng, khăn quàng cổ, áo, váy... đầu tiên.

 

So Thị Diêm chia sẻ: “Ngày đầu mới bước vào nghề, tôi gặp nhiều khó khăn, khó nhất phải kể đến làm khung dệt và tạo hoa văn. Khung dệt được làm bằng gỗ tốt, tự tay chị và người thân chọn lựa, lắp ráp từng thanh gỗ một. Còn khi tạo hoa văn dễ khiến người dệt bị rối vì có quá nhiều kiểu, mỗi kiểu lại sử dụng màu sắc khác nhau. Vì thế, khâu làm hoa văn đòi hỏi người dệt phải thật chú tâm và kiên nhẫn”.

 

Tuy nhiên, với đôi bàn tay tài hoa và khéo léo, những họa tiết hoa văn truyền thống của người Chăm được chị Diêm thể hiện hài hòa, bắt mắt trên từng tấm vải thổ cẩm. Từ một đứa trẻ yêu thích nghề dệt thổ cẩm đến khi trở thành một người thợ lành nghề, chị đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Trong đó, việc tạo hoa văn và làm cho sợi cuộn len không bị bung làm xấu vải dệt là những bí quyết cơ bản để có được tấm thổ cẩm đẹp.

 

Quá trình làm ra một sản phẩm thổ cẩm tốn rất nhiều thời gian và công sức. Thời gian dệt xong một bộ trang phục hoàn chỉnh gồm: mũ, áo, khăn vấn đầu, thắt lưng và khăn choàng mất ít nhất cũng gần 3 tháng. Công việc dệt thổ cẩm chiếm phần lớn thời gian trong ngày nên hầu hết các chị em đồng bào không còn thời gian để làm thêm công việc khác. Hơn nữa, sản phẩm làm ra lại khó tiêu thụ nên các chị em ở đây dệt thổ cẩm chủ yếu để phục vụ trang phục lễ hội và biểu diễn trong các hoạt động của thôn. Vì vậy, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào ngày càng thưa dần, lớp trẻ cũng không còn mặn mà với nghề dệt thổ cẩm. Nam nữ trong buôn giờ ăn vận cũng tiện lợi hơn như quần jean, áo sơ mi…

 

Trước nhu cầu cơm áo như bao người, chị Diêm tạm gác công việc dệt thổ cẩm để tập trung cho việc đồng áng, kiếm tiền xoay xở, lo cho gia đình nhỏ. Thấm thoát cũng gần 10 năm chị Diêm mới có điều kiện quay lại với nghề mình yêu thích từ tấm bé. Chị tìm lại với nghề cũ không chỉ vì niềm đam mê mãnh liệt thôi thúc từng ngày, mà chị còn muốn gìn giữ và bảo tồn những nét đẹp truyền thống của đồng bào mình. Không chỉ vậy, chị Diêm còn nỗ lực vận động nhiều phụ nữ trong thôn nối tiếp nghề truyền thống của dân tộc mình; đồng thời luôn chia sẻ kinh nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho các chị em đến với công việc dệt thổ cẩm.

 

Ông Lê Viết Tứ, cán bộ Văn hóa - Xã hội xã Xuân Lãnh, nhận xét: “Chị So Thị Diêm là một trong những người thuộc lớp trẻ được các nghệ nhân lớn tuổi trong thôn tin tưởng, truyền lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Từ đó, chị Diêm ngày càng phát huy trách nhiệm và vai trò của mình trong việc gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc bằng cách chỉ dạy lại cho các chị em khác trong buôn. Bên cạnh đó, chị luôn tích cực tham gia các hoạt động của chi hội phụ nữ và vận động bà con bảo tồn, gìn giữ vốn quý của dân tộc mình”.

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek