Mơ ước thành kỹ sư công nghệ thông tin đối với Cao Việt Dũng (thôn Ân Niên, xã Hòa An, Phú Hòa) giờ đã trở thành hiện thực. Đam mê và nỗ lực không ngừng, Dũng từng ngày khẳng định mình là người khuyết tật hữu ích.
Cao Việt Dũng (trái) trao đổi công việc với đồng nghiệp - Ảnh: T.THỦY
HAM HỌC
Được sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng không may sau một trận sốt bại liệt lúc một tuổi, hai chân của Cao Việt Dũng bị teo dần, không thể đi lại được. Lúc đó anh nằm liệt một chỗ suốt mấy năm trong sự lo lắng tột cùng của gia đình. Nhờ chạy chữa và tập luyện mà dần dần chân có phần cứng cáp, anh có thể di chuyển đó đây bằng đôi nạng gỗ. Bản thân Dũng luôn ao ước được đứng dậy và đi như những đứa trẻ bình thường dù chỉ một lần.
Lúc nhỏ, Dũng được cha mẹ đưa đón vào tận lớp học. Lớn lên học THPT cách nhà gần 10 cây số, song anh may mắn được các bạn ngày ngày chở đến trường kể cả những ngày mưa to, gió lớn. Dù gặp nhiều khó khăn, Dũng luôn nỗ lực để trở thành học sinh khá giỏi của trường, là tấm gương để bạn bè noi theo. Năm 14 tuổi, Dũng đoạt giải cuộc thi sáng tác thơ về chủ đề: Một trái tim một thế giới do Đài Truyền hình NHK của Nhật Bản tổ chức dành cho người khuyết tật của 6 nước. Dũng thổ lộ: “Vốn dĩ từ bé em đã thích và hay làm thơ về cha mẹ, thầy cô, bạn bè và những cảm xúc về cuộc sống xung quanh em. Qua đọc báo, em biết có cuộc thi nên mạnh dạn tham gia”.
Dũng học giỏi đều các môn, đặc biệt học trội hơn với môn xã hội, nhưng khi chọn nghề lại thi khối tự nhiên. Ba mẹ Dũng muốn con mình học gần nhà nên khuyên em thi vào Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, học ngành Kế toán. Học một thời gian, Dũng thấy không phù hợp nên xin thôi học và tự ôn thi với quyết tâm vào Trường đại học Công nghệ thông tin. Và nguyện vọng ấy của anh đã đạt được.
Những khó khăn theo anh suốt 4 năm học ở nơi đất khách, quê người. Người bình thường xa gia đình đã khó, với Dũng lại càng khó hơn. Cảnh sống xa nhà mọi thứ đều phải tự lập, Dũng thấy bản thân mình bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày và đi lại; đôi khi lên lớp học tận tầng 4, 5. Đặc biệt, anh vượt chặng đường hơn 20 cây số (từ quận 9 đến quận Bình Thạnh) để đi học mỗi ngày. Mỗi sáng, Dũng phải dậy thật sớm để đón xe buýt đi học. “Những lúc khó khăn em đều nghĩ đến gương hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng mà noi theo”, Dũng tâm sự.
Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, người thân và nỗ lực của chính mình, Dũng đã vượt qua tất cả. Tốt nghiệp ra trường anh cầm tấm bằng khá trước sự xúc động và khâm phục của gia đình, người thân.
CÓ NGHỀ PHÙ HỢP
Sau khi tốt nghiệp, Dũng ở lại TP Hồ Chí Minh và làm việc với một công ty tư nhân bằng công việc chính là lập trình chương trình. Môi trường làm việc ở đó Dũng thấy thích nhưng anh lại nghĩ bản thân mình khuyết tật khó mà bám trụ một mình lâu dài khi xa gia đình.
Năm 2012, Dũng về lại Phú Yên. Ban đầu anh tự đi đó đây tìm hiểu để xin việc. Điểm đến mà anh thích nhất là các tổ chức xã hội, cứu trợ. Dũng ước mơ có một công việc phù hợp với sức khỏe, trình độ học vấn và đặc biệt muốn tạo điều kiện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Rồi Dũng được UBND xã Hòa An nhận vào làm việc. So với những người cùng cảnh ngộ, Dũng thấy mình may mắn vì có được công việc ổn định; chia sẻ phần nào gánh nặng cho ba mẹ. Ngoài giờ làm, Dũng thích những hoạt động từ thiện đem niềm vui đến cho mọi người. Dũng đã vài lần tham gia Chương trình Đom đóm thắp sáng tương lai Phú Yên cùng nhóm thanh niên thiện nguyện để giúp trẻ em hiếu học có hoàn cảnh bất hạnh.
Ông Đoàn Sĩ Hiếu, Phó chủ tịch UBND xã Hòa An cho biết, đã giao một số nhiệm vụ phù hợp khả năng của Dũng và đánh giá Dũng làm việc rất tốt. “Dũng trực tiếp đảm nhận công tác văn phòng thống kê, khai thác lắp đặt sáng tạo các phần mềm, sửa chữa máy vi tính trong đơn vị. Đặc biệt, Dũng đã giúp chúng tôi xây dựng phần mềm quản lý thu phí đường bộ và sắp tới xây dựng phần mềm quản lý hộ khẩu. Theo Luật Người khuyết tật, chúng tôi luôn tạo điều kiện cho người khuyết tật như Dũng phát huy khả năng của mình”.
Dũng thổ lộ: “Trước khi được làm việc ở UBND xã, em có nhận thỉnh giảng tại trường tiểu học ở địa phương. Ngoài làm việc ban ngày tại UBND xã, em muốn có việc làm thêm để có điều kiện giúp đỡ những người bất hạnh. Theo lời dạy của Bác dù ở hoàn cảnh nào em cũng luôn có gắng để chứng minh rằng mình tuy tàn nhưng không phế”.
THU THỦY