82 tuổi đời, gần 40 năm tuổi Đảng, già làng Ma Vi ở buôn Krông, xã Ea Bia (Sông Hinh) đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng, góp sức mình ươm mầm xanh tri thức cho thế hệ trẻ, xây dựng buôn làng ngày càng bình yên, no ấm.
Trung tá Nguyễn Văn Cảnh thăm hỏi sức khỏe già làng Ma Vi - Ảnh: K.PHƯỢNG
Theo chân Trung tá Nguyễn Văn Cảnh, Đội phó Đội Công an xây dựng phong trào xã về an ninh trật tự Công an huyện Sông Hinh, chúng tôi đến thăm già làng Ma Vi vào một ngày cuối năm Quý Tỵ. Năm nay đã bước sang tuổi 82 nhưng ông vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn. Già làng Ma Vi sinh ra và lớn lên ở buôn Hai Riêng, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha của ông tham gia cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp. Nối tiếp truyền thống yêu nước của gia đình, quê hương, năm 1956, chàng trai dân tộc Ê Đê Ma Vi tham gia hoạt động cách mạng. Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ, ác liệt, với nhiệm vụ được giao là du kích xã, Xã đội trưởng Ea Bia, vừa tham gia chiến đấu, ông vừa tuyên truyền vận động dân làng đào hầm, vót chông, đánh giặc, giữ làng, sắt son một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Với những cống hiến, đóng góp của ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, già làng Ma Vi vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng ba.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông cùng bà con buôn làng về lại xã Ea Bia xây dựng cuộc sống mới. Lúc đó cuộc sống của bà con còn gặp rất nhiều khó khăn, mỗi người chỉ có một cái rựa, một cái gùi và hai bàn tay trắng. Là một cán bộ xã, từng giữ trọng trách Chủ tịch UBND xã, Bí thư xã Ea Bia, Huyện ủy viên Huyện ủy Sông Hinh, ông luôn sâu sát, gần gũi dân, góp sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng buôn làng giàu đẹp.
Năm 1985, do sức khỏe giảm sút, già làng Ma Vi về nghỉ hưu nhưng vẫn tích cực tham gia vào công tác xã hội ở địa phương. Buôn Krông nơi ông đang sống có 246 hộ dân, 95% bà con là người dân tộc thiểu số Ê Đê, chủ yếu sống bằng nghề làm rẫy, trồng lúa, sắn, bắp. Trước đây do nhận thức của một số người còn hạn chế, mỗi khi trong nhà có người đau bệnh, họ đều cho là bị ma lai bắt nên giết bò, giết heo cúng, xua đuổi ma lai. Với uy tín của một già làng, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, lại là người học nhiều, biết rộng, già làng Ma Vi đã giải thích, tuyên truyền vận động bà con buôn làng khi bị đau bệnh cần phải đến trạm xá, bệnh viện chữa bệnh. Trong các buổi họp buôn, già làng Ma Vi tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không nghe theo lời kẻ xấu âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; không tranh chấp đất đai, nương rẫy; thanh niên trong buôn chăm chỉ lao động, học hành để cái đầu sáng, cái tay làm ra nhiều lúa, nhiều bắp, cuộc sống được no ấm, bình yên. Ở trong buôn, khi xảy ra sự việc mâu thuẫn, xích mích nhau, ông đều tìm hiểu rõ nguyên nhân, phân tích đúng, sai, hòa giải thấu tình đạt lý. Những người nào có biểu hiện vi phạm, ông đều gặp gỡ riêng, phân tích đúng, sai để họ nhận ra lỗi lầm sửa chữa. Tháng 6 năm 2013, một số hộ dân ở buôn Bầu, buôn Thinh, xã Ea Trol (Sông Hinh) muốn trở về buôn cũ làm ăn, nơi đây bây giờ là rừng phòng hộ do lâm trường Sông Hinh quản lý. Một số người đã tự ý phá rừng làm rẫy để trồng sắn, gây ra tranh chấp đất với lâm trường, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa phương. Sau khi nắm được tình hình, già làng Ma Vi đã đến tận nhà một số gia đình trong buôn Bầu, buôn Thinh để tuyên truyền vận động giải thích cho bà con hiểu. Nhờ đó, một số hộ dân đã hiểu việc làm của mình là không đúng, từ đó việc mâu thuẫn cơ bản đã được giải quyết ổn thỏa. Già làng Ma Vi thường nói với bà con buôn làng: Nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, các con đường tới buôn Ma Sung, buôn K’rông… đều được bê tông hóa; có điện thắp sáng, trường học, trạm xá xã được xây dựng khang trang. Hiện tại ở buôn K’rông nhà nào cũng có ti vi, xe máy.
Buôn K’rông nổi tiếng có nhiều con em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Kết quả đó có sự đóng góp rất lớn của già làng Ma Vi. Vào những năm khó khăn, khi cái bụng còn đói, củ sắn chưa to, ông vẫn luôn động viên con cháu đến lớp. Không phụ lòng mong mỏi của ông, con trai Lê Mô Y Tu thi đỗ vào trường đại học, sau đó hàng chục thanh niên khác lần lượt bước chân vào các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh. Lê Mô Y Ngưu, người con trai út của ông hiện là cán bộ Công an huyện. Sau những năm tháng miệt mài học tập, thấm sâu lời dặn dò của già làng Ma Vi, giờ đây họ đã trưởng thành, góp sức mình xây dựng quê hương như Y Trưng, Y Suôn, Lê Mô Y Thái , Y Park, Y Hai… Những lúc rảnh rỗi, già làng Ma Vi lại giúp cháu ngoại của ông là Y Thái - hiện đang công tác tại Đài Truyền thanh huyện Sông Hinh- dịch các chương trình của Đài từ tiếng Kinh sang tiếng Ê Đê. Công việc buôn làng, gia đình và dịch thuật làm cho ông rất bận rộn nhưng bụng già làng Ma Vi vui lắm vì đã góp phần làm được nhiều việc tốt cho bà con. Trung tá Nguyễn Văn Cảnh, Đội phó Đội Công an xây dựng phong trào xã về an ninh trật tự Công an huyện Sông Hinh, cho biết: “Già làng Ma Vi là một người sống rất gương mẫu, tham gia tích cực vào công tác giữ gìn an ninh trật tự địa phương. Công việc nào của buôn làng ông cũng đều quan tâm, góp sức. Ông được bà con buôn làng rất yêu mến, kính trọng”.
Với những đóng góp tích cực đó, già làng Ma Vi đã được các cấp tặng nhiều bằng khen, giấy khen, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích trong công tác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ông là đại biểu tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên, được Tỉnh ủy Phú Yên biểu dương là người có thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
KIM PHƯỢNG