“Quen với vất vả từ nhỏ nên dù suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, tôi vẫn thấy bình thường. Chỉ mong sao đời con tôi không phải chịu khó nhọc như cha mẹ chúng nó”. Đó là tâm sự và cũng là mong mỏi lớn nhất của chị Bùi Thị Xuân (SN 1980, ở thôn Tân Thành, xã Suối Bạc, Sơn Hòa).
Chị Bùi Thị Xuân đang cho bò ăn cỏ - Ảnh: T.CAO
BỤNG BẦU ĐI CHẶT MÍA THUÊ
Năm 2001, chị Bùi Thị Xuân bén duyên cùng anh Kiều Văn Xuân ở xã An Mỹ (Tuy An) lên xã Sơn Long (Sơn Hòa) làm kinh tế mới. Cưới nhau về, gia đình hai bên đều nghèo, vợ chồng chị Xuân tất bật khai hoang được 6 sào đất rẫy “chó ăn đá, gà ăn sỏi” ở thôn Tân Thành để trồng lúa và đậu đỏ. Chị Xuân cho biết: “Đất 6 sào nhưng hầu hết đều lẫn đá, sỏi, rất khó canh tác. Mùa đầu tiên nhận đất, vợ chồng tôi chỉ lo cải tạo để có thể trồng trọt. Vì vậy, chúng tôi phải vừa làm việc nhà, vừa thay phiên nhau đi làm thuê để chạy cơm từng bữa. Từ vốn liếng ít ỏi của cha mẹ cho khi cưới nhau, ngay lập tức chúng tôi mua một con nghé về nuôi”. Nhịn ăn nhịn mặc để “đầu tư” vào sản xuất, chăn nuôi nên hai vợ chồng chẳng sắm nổi chiếc xe đạp để đi làm mướn.
Hàng ngày, một là cả hai phải thức dậy khi gà còn chưa gáy, chuẩn bị cơm nước, đi bộ 5 đến 10 cây số đến chỗ làm thuê; hai là tranh thủ quá giang hàng xóm, bạn cùng làm để đi cắt cỏ, chặt mía thuê. Vất vả đến nỗi, mặc dù mang thai đã vượt mặt nhưng chị Xuân vẫn ngày ngày lên rẫy làm việc, ai thuê gì chị Xuân lại tất tả chạy đi. “Vợ chồng trẻ, trong tay không có mảnh đất cắm dùi nên tôi xác định là bản thân phải tự nỗ lực chứ không ai giúp mình được. Vì vậy, mang thai đến tháng thứ 9, tôi vẫn đi chặt mía thuê. Hôm trước còn tay cầm liềm, tay vác mía, hôm sau đã bế con nhỏ mới chào đời. Nghĩ lại, mình thật có lỗi với con nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn thì biết làm sao khác bây giờ”, chị Xuân xúc động nhớ lại.
Năm 2002, sinh con trai đầu lòng, vợ chồng chị Xuân gom hết vốn liếng mua một mảnh đất nhỏ ở thôn Tân Thành, xã Suối Bạc với giá 1 triệu đồng, cất nhà tạm bợ để có chỗ che nắng che mưa. “An cư”, hai vợ chồng tiếp tục “lạc nghiệp” trên mảnh đất cằn cỗi của gia đình. Sau một thời gian cải tạo đất ổn định, chị Xuân bắt đầu trồng mía thay cho đậu đỏ để tăng thu nhập. Ngoài ra, vợ chồng chị còn tích cực khai hoang, mở rộng diện tích gieo trồng và mua thêm đất để canh tác. Đến nay với 4ha mía, mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình chị Xuân thu về hơn 80 triệu đồng.
NỖ LỰC VÌ CON
Từ năm 2009, vợ chồng chị Xuân hùn vốn với một số người quen để trồng dưa hấu bán vụ tết. Năm lãi nhiều, năm hòa vốn và cũng có năm lỗ nhưng bình quân, mỗi năm chị thu được khoảng 40 triệu đồng từ việc trồng và bán dưa hấu. Có nguồn thu ổn định từ trồng mía, trồng dưa, vợ chồng chị bắt đầu xây dựng nhà cấp 4 khang trang, mua sắm thêm vật dụng trong gia đình với mong muốn cho con mình có chỗ ở đàng hoàng hơn. Vì con, chị cũng không tự bằng lòng với những gì đã có mà vẫn tiếp tục nỗ lực. Quần quật ngoài đồng từ sáng đến tối mịt mới về nhưng chị Xuân vẫn tranh thủ nuôi thêm gà, bò. Mới đây, vợ chồng chị mua máy cày với giá 80 triệu đồng.
Chị Xuân chia sẻ: “Tôi có2 con trai, cháu lớn đang học lớp 6, còn cháu nhỏ mới vào lớp 1. Chặng đường nuôi con phía trước còn rất dài. Vợ chồng tôi chịu khổ quen rồi nên giờ có khổ thêm chút nữa cũng chẳng sao. Chỉ mong những gì mình làm được hôm nay sẽ giúp con mình có điều kiện học hành và cuộc sống đỡ vất vả hơn cha mẹ chúng nó”.
Chị Công Thị Định, Phó chủ tịch Hội LHPN xã Suối Bạc cho biết, chị Bùi Thị Xuân là một điển hình phụ nữ vượt khó vươn lên của xã. Mặc dù xuất phát điểm rất nghèo nhưng chị Xuân đã nỗ lực để có được thành quả như ngày hôm nay, là một tấm gương để nhiều chị em học hỏi, làm theo.
TRIỆU CAO