Từng nếm trải thất bại trong cuộc sống nhưng ông Nguyễn Văn Hợi ở khu phố Tịnh Sơn, thị trấn Củng Sơn (Sơn Hòa) không nản chí, ông từng bước tạo dựng được cơ ngơi khang trang, có của ăn của để.
Ông Nguyễn Văn Hợi đang chăm sóc rẫy bắp - Ảnh: Q.HÙNG
Lập gia đình năm 1983, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hợi bắt đầu khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Từ nhỏ, ông chỉ biết bám ruộng bám vườn, không có nghề nghiệp gì khác nên cũng không biết phải chuyển sang làm việc gì để tăng thu nhập gia đình. Cứ làm thuê, làm mướn mãi cũng không phải là cách hay. Nghĩ vậy, ông bàn với vợ đi khai hoang đất để trồng trọt, kiếm cái ăn lâu bền. Ông Hợi kể: “Hai vợ chồng vất vả cả tháng trời dưới cái nắng cháy da và kết quả khai hoang được 2ha đất rẫy. Vợ chồng tôi gieo sạ, trồng lúa. Mấy mùa đầu, gia đình thu hoạch đủ ăn, con cái không lo thiếu bữa. Những năm sau đó, không đủ nước tưới, tôi chuyển bớt một phần diện tích sang trồng sắn, mè, đậu đỏ cho thu nhập khá hơn hẳn nên dư được chút đỉnh”.
Từ số tiền tích cóp được, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hợi đầu tư nuôi bò lai. Đàn bò sinh sản, phát triển thuận lợi, chỉ mới mấy năm đã có hơn 15 con. Không may, đến thời kỳ chuẩn bị xuất bán thì xảy ra dịch lở mồm long móng, giá bò xuống quá thấp, gia đình ông cũng đành kêu bán để cắt lỗ. Ông Hợi cho hay: “Mỗi con bò lai ngày đó có giá hơn 7 triệu đồng. Tiền mua bò, mua thức ăn rồi công chăm sóc ngốn cả trăm triệu nhưng khi tôi bán chỉ còn khoảng 50 triệu, lỗ hơn một nửa. Bán lỗ nhưng nói thiệt là tôi rất mừng, nếu để lâu chắc càng lỗ nặng hơn. Qua vụ đó, chúng tôi không dám nuôi bò nữa mà quay lại với trồng trọt”.
Để có thêm đất đai canh tác, vợ chồng ông Hợi không ngại cực nhọc, ra sức khai hoang thêm. Từ 2ha ban đầu, sau 3 năm diện tích đất sản xuất của gia đình ông đã tăng lên gần 5ha. Khi địa phương có chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông Hợi là một trong những người tiên phong chuyển từ trồng sắn sang trồng mía. Ban đầu, vốn ít ông trồng 1ha rồi thêm 2ha, sau thấy có lãi, ông trồng cả 5ha mía. “Nhờ cây mía, gia đình tôi mới thực sự đổi đời. Tuy ông trời vẫn thử thách lòng người, khi thì mưa gây ngập úng, khi thì hạn hán, mía khô cháy nhưng tính ra, nhờ cây mía, chúng tôi mới ổn định được cuộc sống. Mỗi năm, gia đình thu nhập gần 200 triệu đồng”, ông Hợi cho biết.
Bắt đầu có của ăn của để, ông Hợi không tự bằng lòng với chính mình mà luôn suy nghĩ, tìm tòi công việc mới để có thêm thu nhập. Ông bắt đầu gầy lại đàn bò; đi học hỏi các mô hình nuôi chồn mướp rồi về dựng chuồng, mua giống về nuôi. Ngoài ra, ông còn đầu tư hơn 100 triệu đồng mua máy cày để làm dịch vụ. Đầu mùa, ông nhận làm đất tất cả các công đoạn cày, xới, băm đất… cuối mùa, ông chở thuê nông sản. Chỉ sau một năm, ông đã thu hồi vốn mua máy. Vợ ông, bà Lê Thị Cẩm, cũng không kém chồng. Ngoài thời gian phụ giúp gia đình, bà Cẩm còn nhận xay bột và bán hàng tạp hóa.
Nhờ có thu nhập khá, vợ chồng ông Hợi đầu tư sửa sang lại nhà cửa, sắm thêm vật dụng tiện nghi cho gia đình. Ông chia sẻ: Hiện 2 con trai đã lập gia đình, có cuộc sống riêng. Vợ chồng tôi làm kinh tế cũng đem lại thu nhập ổn định. Nhìn lại một thời gian khó đã qua, tôi luôn nhắn nhủ với con cháu rằng “bí quyết thành công là không nản chí”.
Theo ông Nguyễn Xuân Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Củng Sơn, ông Hợi là một nông dân điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Từng nếm trải thất bại nên ông càng có nhiều kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi và thường xuyên chia sẻ với bà con xóm giềng.
TRIỆU CAO