Thứ Tư, 02/10/2024 19:38 CH
Muốn thành công phải xông vào
Thứ Năm, 22/08/2013 07:30 SA

Là chủ cơ sở xay xát gạo Tường Liên (Cụm công nghiệp Hòa An, xã Hòa An, Phú Hòa) có vốn đầu tư lên đến chục tỉ đồng nhưng hàng ngày, ông Huỳnh Kim Tường vẫn trực tiếp đến nhà máy kiểm tra chất lượng sản phẩm từ khâu đầu vào đến đầu ra. Nhìn những hạt gạo chắc, mẩy, bóng mượt lần lượt được đóng bao, chuyển đi các tỉnh, ông mới yên tâm làm việc khác.

 

HKTU130822.jpg

Ông Huỳnh Kim Tường kiểm tra chất lượng gạo thành phẩm trước khi đưa ra thị trường - Ảnh: V.AN

KHỞI ĐẦU GIAN KHÓ

 

Ông Huỳnh Kim Tường cho biết để tạo dựng và củng cố chỗ đứng của thương hiệu gạo Tường Liên trên thị trường, ông và gia đình đã trải qua một thời gian khó. Trước đây, ông Tường làm nghề lái xe, chở lương thực cho các nhà máy xay xát trong tỉnh. Mặc dù chăm chỉ làm ăn nhưng kinh tế gia đình khó vẫn hoàn khó, cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau khiến ông vô cùng chán nản. Năm 1985, ông gom hết vốn liếng và vay mượn thêm từ người thân, mở cơ sở xay xát gạo tại nhà. Cơ sở mới, vốn ít, quy mô làm ăn nhỏ nên những ngày đầu, ông gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc thu mua lúa, tìm thị trường tiêu thụ. Nhiều lúc không có khách hàng, ông Tường phải ký gửi gạo cho một số tiểu thương ở chợ hoặc cho người nhà đem đi bán lẻ khắp nơi. “Về sau, nghề dạy nghề, vốn liếng và kinh nghiệm được tích lũy ngày càng nhiều, tôi cũng tạo dựng được hệ thống khách hàng thân thiết ở các tỉnh nên quyết định mua thêm máy móc, mở rộng cơ sở sản xuất” - ông Tường nói.

 

Đến năm 2008, ông Tường thuê 1.500m2 đất trong Cụm công nghiệp Hòa An để chuyển cơ sở xay xát gạo Tường Liên của gia đình ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) vào nơi này. Ông Tường chia sẻ: “Chuyển đến cụm công nghiệp tập trung vừa đảm bảo các điều kiện về môi trường như bụi, tiếng ồn vừa có thể mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Làm ăn thì phải chấp nhận đầu tư thôi!”. Với suy nghĩ đó, ông mua hệ thống máy xay xát gạo 5 tỉ đồng, năng suất 4 tấn gạo thành phẩm/giờ, cho lắp đặt vào nhà máy và bắt đầu sản xuất. Ông Tường quan niệm: “Muốn thành công phải xông vào” nên cứ vào vụ mùa, ông lại đích thân đến các cánh đồng trong tỉnh để chọn và thu mua lúa; ngoài vụ thì cho các đại lý thu gom lúa ở các địa phương khác như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận để có nguyên liệu sản xuất. Mỗi ngày, cơ sở xay xát gạo Tường Liên đều xuất bán hàng chục tấn gạo cho thị trường Hà Nội và các tỉnh Tây Nguyên. Theo ông Tường, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các cơ sở xay xát gạo là phải có vốn lưu động lớn, có khi phải gấp đôi so với tiền đầu tư thiết bị vì vừa phải đặt cọc cho đại lý thu mua lúa, vừa phải ký gửi gạo cho các đại lý tiêu thụ. Ngoài ra, hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cơ sở xay xát lương thực nhỏ lẻ nên việc cạnh tranh thu mua, tiêu thụ ngày càng quyết liệt.

 

MỞ RỘNG QUY MÔ KINH DOANH

 

Mới đây, ông Huỳnh Kim Tường thuê thêm một khu đất mới trong Cụm công nghiệp Hòa An, gần với cơ sở cũ nhưng có diện tích lớn hơn gấp 3 lần, để mở rộng quy mô kinh doanh. Dây chuyền sản xuất mới cũng được đầu tư đồng bộ lên đến 10 tỉ đồng, đạt yêu cầu xay xát gạo xuất khẩu. Để đáp ứng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ông Tường cho biết đang có kế hoạch mở rộng vùng thu mua lúa vào tận các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ. Hiện cơ sở xay xát gạo Tường Liên giải quyết việc làm cho gần 50 lao động địa phương; trong đó, 8 công nhân làm việc thường xuyên trong nhà máy, còn lại là công nhân bốc xếp lúa, gạo. Mặc dù trả lương từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng/người nhưng ông cũng rất vất vả trong việc tìm kiếm nhân công, nhất là những thời điểm vào vụ. “Công việc cho thu nhập cao nhưng dùng sức nhiều nên người làm không mấy mặn mà. Tôi phải đầu tư thêm hệ thống, trang thiết bị, dây chuyền vận chuyển để hỗ trợ công nhân, giảm sức người, tăng năng suất lao động”, ông Tường nói.

 

Theo ông Tường, kinh doanh ngành nông sản, nhất là về lương thực phải linh hoạt, nhạy bén với thị trường. Điều quan trọng nhất là phải làm thật, sản phẩm thật, chất lượng thật thì mới được thị trường chấp nhận. Nhờ tôn trọng nguyên tắc này trong suốt quá trình kinh doanh mà đến nay, sản phẩm gạo của cơ sở Tường Liên đã có được chỗ đứng trên thị trường. Hàng năm, ông đã trích lợi nhuận của đơn vị, ủng hộ các quỹ Vì người nghèo, Nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin, hỗ trợ gạo cho bà con vào dịp tết, giáp hạt…

Ông Dương Công Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Phú Hòa cho biết: Không những làm ăn hiệu quả, ông Huỳnh Kim Tường còn thực hiện tốt nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, số thuế nộp năm sau luôn cao hơn năm trước. Vừa qua, ông Tường là một trong số ít cá nhân nhận được bằng khen của Tổng cục Thuế vì có thành tích chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế.

 

VIỆT AN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek