Trong những năm qua, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ngày càng được các cơ quan, các cấp, ngành quan tâm. Năm 2009, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra, kiểm tra, xem xét 299 vụ việc. Các bộ, ngành, địa phương đã giải quyết 64.025/76.798 vụ việc thuộc thẩm quyền.
Nguyên tắc Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm xử lý đơn tiếp nhận được trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn
Để giải quyết tốt hơn công tác này, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 4/2010/TT-TTCP quy định Quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn phản ánh, kiến nghị (đơn) liên quan đến khiếu nại, tố cáo. Thông tư được áp dụng từ ngày 11/10/2010.
Thanh tra Chính phủ thống nhất các đơn tiếp nhận sẽ được phân loại theo 6 tiêu chí: Phân loại theo nội dung đơn (đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn phản ánh, kiến nghị...); theo điều kiện xử lý (đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện xử lý); theo thẩm quyền giải quyết; theo số lượng người khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; theo giấy tờ, tài liệu kèm theo đơn; hoặc phân loại theo thẩm quyền của cơ quan, tổ chức.
Theo Thông tư, đơn đủ điều kiện xử lý là đơn được người khiếu nại, tố cáo, phản ánh ký tên trực tiếp. Trong đơn ghi rõ ngày tháng năm khiếu nại; họ tên, địa chỉ người khiếu nại cũng như tên địa chỉ cụ thể của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung lý do khiếu nại... Đồng thời, đây cũng phải là đơn chưa được cơ quan tiếp nhận đơn xử lý, hoặc đã được xử lý nhưng được người khiếu nại, tố cáo cung cấp được tài liệu, chứng cứ mới.
Xử lý đơn trong thời hạn 10 ngày
Cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm xử lý đơn tiếp nhận đơn từ 3 nguồn: Trực tiếp từ cơ quan, tổ chức, cá nhân; do đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, các cơ quan báo chí và các cơ quan khác chuyển đến, hoặc đơn gửi qua dịch vụ bưu chính.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đơn, Thủ trưởng các cơ quan này có trách nhiệm xử lý đơn trên nguyên tắc đảm bảo tính khoa học, khách quan, trung thực, chính xác, kịp thời.
Trường hợp đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết, các cơ quan nhận đơn có trách nhiệm chuyển tiếp hoặc hướng dẫn người người gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
Riêng với đơn khiếu nại do đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, các cơ quan báo chí và các cơ quan khác chuyển đến nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết thì, cơ quan nhận đơn sẽ gửi trả lại và thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do không thụ lý.
Ngoài ra, với đơn khiếu nại có họ tên, chữ ký nhiều người, cán bộ xử lý đơn đề xuất Thủ trưởng cơ quan chuyển trả đơn và toàn bộ tài liệu kèm theo (nếu có) cho người gửi đơn và hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại riêng của từng người, gửi đến cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền để được giải quyết.
Theo chinhphu.vn