Thứ Sáu, 25/10/2024 17:27 CH
Để xứng đáng là lực lượng xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Thứ Bảy, 26/03/2011 10:11 SA

Năm 2011 là Năm Thanh niên có ý nghĩa đặc biệt vì là năm mở đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 nhằm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

 

thi-nghiem2110326.jpg

Sinh viên Khoa khoa học tự nhiên Trường Đại học Phú Yên làm thí nghiệm, khảo sát, tính chất hóa học của các dung dịch axit, bazơ, muối - Ảnh: T.HIẾU

 

Sinh thời Bác Hồ đặc biệt yêu quý thanh niên và dành nhiều tâm huyết chăm lo bồi dưỡng, đào tạo các thế hệ thanh niên. Năm 1925, ngay sau khi thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, Bác Hồ đã lo đến việc tổ chức và lãnh đạo đoàn thể riêng của thanh niên cách mạng. Người kể lại: Hội đã chọn tám em Việt kiều ở Xiêm đưa sang Quảng Châu để bồi dưỡng thành hạt nhân Đoàn Thanh niên sau này. Trong số các em đó có Lý Tự Trọng, về sau là đoàn viên đầu tiên của Đoàn Thanh niên Cộng sản nước ta, cũng là người cộng sản đã oanh liệt đấu tranh đến hơi thở cuối cùng cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng.

 

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đảng ta: Cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.

 

Thật vinh dự và tự hào, tổ chức thanh niên cách mạng ở nước ta do Bác Hồ sáng lập và chăm lo xây dựng để bồi dưỡng các thế hệ trẻ Việt Nam làm đội quân xung kích của cách mạng. Hơn 80 năm qua, thanh niên Việt Nam luôn được sự quan tâm, chăm lo giáo dục của Bác Hồ và của Đảng về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cũng như nghề nghiệp, nâng cao năng lực, trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật đã tỏ rõ là lực lượng kế thừa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước đây, các thế hệ thanh niên tập hợp trong tổ chức Đoàn đã ra sức học tập, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh và “làm đúng những lời dạy bảo của Đảng”, nên đã vươn lên trở thành lực lượng xung kích trong kháng chiến và kiến quốc. Rất nhiều thanh niên là tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu, sản xuất, sáng tạo trong lao động, học tập văn hóa, khoa học, kỹ thuật. Trong thời kỳ đổi mới, thanh niên, thế hệ trẻ Việt Nam nối tiếp truyền thống “đâu cần thanh niên có; đâu khó có thanh niên” tự vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, thách thức không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, ra sức lao động, học tập, lập thân, lập nghiệp, tự nguyện đến những nơi gian khó, đem ánh sáng văn hóa, khoa học đến với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

 

Hiện nay nước ta đang đi vào thời kỳ phát triển mới. Sau 25 năm đổi mới, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh vượt bậc, đã ra khỏi tình trạng kém phát triển. Sự nghiệp của thanh niên, tương lai, tiền đồ của thế hệ trẻ không thể tách rời vận mệnh và tương lai của dân tộc. Để thanh niên vươn lên xứng đáng là đội quân xung kích trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa, các Nghị quyết Đại hội X và Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ phương hướng phát triển cho thanh niên. Đó là thường xuyên giáo dục chính trị, truyền thống, lý tưởng và đạo đức cách mạng cho thanh niên. Khuyến khích thanh niên tự học, tự nâng cao tay nghề, tự tạo việc làm. Chú trọng bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ, đào tạo thanh niên trong lực lượng vũ trang có nghề khi hết thời hạn nghĩa vụ quân sự. Tạo điều kiện, cơ hội cho thanh niên có tài năng đi học ở nước ngoài để về phục vụ đất nước.

 

Có thể khẳng định rằng, Đảng và nhân dân ta quan tâm và kỳ vọng rất nhiều ở thanh niên. Vấn đề đặt ra là trong điều kiện đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, mở rộng quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế hiện nay, thanh niên phải làm thế nào để trở thành lực lượng “hăng hái xung phong” trong công việc. Tuy lực lượng lao động trẻ nước ta được xếp vào hàng quốc gia có trình độ học vấn khá, có nhiều sinh viên, học sinh thông minh đạt giải quốc tế, nhưng lại thiếu những người quản lý trẻ tài năng, những doanh nhân, nhà doanh nghiệp trẻ có tài và những lao động tinh thông công việc. Do vậy mà năng suất lao động còn rất thấp và hiệu quả kinh tế chưa cao so với mức đầu tư. Đây là một thực tế cần nhìn nhận thẳng thắn để tìm cách khắc phục. Hiện nay, nước ta có hơn 50 triệu người ở độ tuổi lao động, nhưng số người từ 15 tuổi trở lên được đào tạo nghề nghiệp và chuyên môn kỹ thuật rất thấp, trong đó chỉ có 2,3% là công nhân kỹ thuật và nhân viên nghiệp vụ; 2,8% có trình độ trung học chuyên nghiệp; 0,7% cao đẳng và 1,7% đại học, 0,1% có trình độ trên đại học. Cơ cấu đào tạo lại bất hợp lý, thợ ít, cử nhân nhiều. Do đó, tình trạng thiếu thợ lành nghề trong nền kinh tế ngày càng trầm trọng. Sinh viên ra trường không có việc làm ngày càng nhiều, song các khu công nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lại tuyển được rất ít lao động có trình độ cao, công nhân kỹ thuật và thợ có tay nghề.

 

Thực hiện Chiến lược kinh tế - xã hội 2011-2020, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế nhanh và bền vững thì yêu cầu về nguồn nhân lực trẻ được đào tạo có chất lượng ngày càng cao. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển hướng phát triển kinh tế sang chiều sâu, nâng cao năng suất lao động, nâng cao hàm lượng chất xám trong sản phẩm hàng hóa, phát triển kinh tế tri thức đòi hỏi cấp bách phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

 

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ, giải pháp vừa cơ bản, vừa cấp bách là phát triển, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo một cách toàn diện gắn kết giáo dục và dạy nghề với nghiên cứu khoa học, công nghệ và bám sát, thậm chí đi trước một bước yêu cầu phát triển kinh tế đất nước, nhu cầu thị trường, sự phát triển của doanh nghiệp. Trong đó chú trọng hai lĩnh vực là mở rộng đào tạo công nhân, kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ và đào tạo đại học, trên đại học. Đổi mới phương pháp dạy và học, phát huy tư duy sáng tạo và năng lực đào tạo của người học. Đổi mới chương trình đào tạo đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề thiết thực, hiện đại. Cần quan tâm việc trang bị kiến thức tin học, ngoại ngữ cho sinh viên là những công cụ để có thể tiếp cận nhanh với xã hội, thế giới, tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đi vào kinh tế tri thức, hội nhập, tham gia toàn cầu hóa kinh tế, trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 21, Việt Nam phải xây dựng và thực hiện một chiến lược tổng thể quốc gia và chương trình hành động cụ thể về đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Đoàn Thanh niên Cộng sản các cấp cần tham gia tích cực và hiệu quả vào chiến lược này. Theo đó, cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm bồi dưỡng, đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và rất cần thiết, thật sự coi giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, tập hợp và đào tạo thanh niên để họ là đội quân xung kích trong sự nghiệp vẻ vang của Đảng và dân tộc.

 

PHẠM VĂN KHÁNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Viễn “26/3”
Thứ Sáu, 25/03/2011 08:20 SA
Một cán bộ Đoàn giỏi
Thứ Tư, 23/03/2011 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek