Chủ Nhật, 27/10/2024 23:21 CH
Đau lòng những đứa con xa quê
Thứ Sáu, 06/11/2009 10:00 SA

Về đến phòng trọ, Nguyễn Văn Hiền (quê ở xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân) vội vã chạy qua chỗ ở của người bạn cùng quê hỏi thăm các số điện thoại gần nhà để gọi về, nhưng đầu dây bên kia không có tín hiệu. “Đã ba ngày nay mình không gọi được về nhà, từ điện thoại bàn đến di động. Đồng Xuân là huyện có nhiều người chết nhất do bão lũ. Mình không thể tập trung vào việc gì khi không biết những người thân như thế nào” - Hiền lo lắng.

 

Đây là nỗi lo chung của những người con xứ “nẫu” xa quê khi thông tin liên lạc về nhà bị tắc nghẽn. Nhóm bạn Thúy, Mẫn, Linh (sinh viên Trường Cao đẳng Sư Phạm trung ương Nha Trang, quê ở huyện Tuy An) đang thực tập ở tỉnh Lâm Đồng đứng ngồi không yên vì thông tin về người chết ở tỉnh Phú Yên ngày càng tăng. 

 

Bận rộn với lịch học ở hai ngành học nhưng tối nào Nguyễn Thành Luân (quê ở TP Tuy Hòa, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn) cũng cùng mấy bạn trong phòng theo dõi tin tức bão lũ qua Báo Phú Yên điện tử. Luân nói: “Vì điện thoại ở nhà liên lạc không được nên đây là phương tiện để mình biết được tin tức ở quê nhà. Nhìn những ngôi nhà chìm trong biển nước, đau lòng lắm”. “Nhà mình bị sập khúc trước. Vỡ đập Đá Vải, quê mình nhiều người chết”. Tâm sự của tân sinh viên Nguyễn Chi Ý (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, quê ở huyện Sông Cầu) khiến mọi người chùng lòng.   

 

Ở những dãy nhà trọ có nhiều sinh viên Phú Yên đang sinh sống, các bạn biết quan tâm đến nhau nhiều hơn. Nhiều bạn được gia đình gửi tiền trước khi có bão, đã không ngần ngại cho bạn mình mượn chi tiêu vì sau cơn bão, ATM ở Phú Yên ngừng hoạt động. 

 

May mắn hơn nhiều bạn, Thái Vĩnh Chương (sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, quê ở xã An Mỹ, huyện Tuy An) có thể liên lạc về nhà bằng điện thoại. Gặp  trên mạng, Chương thổ lộ: “Dù gì mình cũng đỡ lo vì gia đình không bị thiệt hại nhiều. Khi nghe mình nói “Con sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn”, má cười. Có lẽ đó là nụ cười hiếm hoi trong mùa bão”.

 

Phòng trọ của Mỹ Trang là nơi tập trung 4 bạn ở Phú Yên. Các bạn quyết định: Mỗi bạn thay phiên nhau tới trường lấy nước uống, vừa đảm bảo vệ sinh vừa giảm được khoản tiền mua nước.

 

Sống ở TP Hồ Chí Minh khá lâu nên Bùi Thị Viên (sinh viên Trường Đại học Công nghệ sinh học Viễn thông Đồng Nai, quê ở xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa) biết những nơi có quán ăn giá rẻ. Nghe tin nhà bị tốc mái nhưng không giúp được gì, Viên quyết định đi xa hơn mọi ngày để đến những quán ăn giá rẻ hơn. Còn sinh viên Nguyễn Tấn Luật (Trường Đại học Công nghệ thông tin) rủ cả phòng nấu ăn thay vì ăn “cơm bụi” như trước đây.

 

Chia sẻ nỗi đau với người dân Phú Yên, Ban Liên lạc sinh viên Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh đã tổ chức quyên góp ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, góp phần thiết thực xoa dịu nỗi đau của người dân vùng bão lũ.

 

      VÕ THỊ LỆ

(Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek