Trẻ em thường hiếu động, là lứa tuổi đang trong quá trình nhận thức về sự vật trong cuộc sống. Do vậy, việc giáo dục, định hướng những việc nên làm và những việc không nên làm là điều vô cùng quan trọng với các em.
Ảnh minh họa: Internet |
Hiện nay, các trường mầm non đã chú trọng giáo dục trẻ bằng những bài hát, câu thơ cho trẻ dễ tiếp thu như “đèn màu xanh là đèn được đi, đèn màu đỏ là đèn dừng lại…” hay “đường em đi là đường bên phải”, những câu chuyện về lòng dũng cảm của Thạch Sanh, của cô bé quàng khăn đỏ…, hay tinh thần tương thân, tương ái khi thấy một ai đó giúp những người nghèo khó… Chị Nguyễn Thị Diệu Hiền (khu phố 1, phường 2, TP Tuy Hòa) thổ lộ: “Tôi có con gái năm nay được 3 tuổi, nên thường mua truyện cổ tích để kể cho con nghe về những tấm gương cứu người trong hoạn nạn, gặp người quen thì phải biết chào, hay cho tiền cụ già đi xin ăn…Mỗi lần làm những việc như vậy, tôi thấy cháu rất vui, nên động viên khuyến khích”.
Đời sống xã hội ngày càng phát triển kéo theo đó là nhiều tệ nạn, có thể khiến trẻ nhiễm các thói hư, tật xấu. Thực tế, khi được hỏi về tham gia giao thông hay vứt rác ngoài đường, không ít trẻ hồn nhiên trả lời: “Không thấy chú công an thì cháu cứ đi, không cần dừng khi có đèn đỏ”, “cháu thấy ai cũng vứt rác ngoài đường, nên cháu cũng làm như vậy”…
Thiết nghĩ việc giáo dục pháp luật, nhân cách cho trẻ em cần phải có quá trình lâu dài và bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, và ông bà, cha mẹ, anh chị, thầy cô giáo có vai trò quan trọng trong việc chỉ bảo các em về những hành vi đúng đắn trong cuộc sống.
NGUYỄN THÀNH TIẾN
(phường 9, TP Tuy Hòa)