Hiện nay, đời sống của người dân từ thành thị đến nông thôn không ngừng được nâng cao. Nhu cầu về đời sống tinh thần, trong đó lĩnh vực âm nhạc được nhiều người quan tâm. Điều này thể hiện rõ qua việc nhiều người thuê nguyên dàn nhạc sống để phục vụ tại gia.
Tuy nhiên, điều đáng nói là có không ít trường hợp sử dụng dàn nhạc một cách “quá mức”, âm thanh mở hết cỡ nhất là vào buổi trưa, ban đêm gây phiền cho hàng xóm láng giềng, nhất là các gia đình có người già, trẻ em, người bệnh… cần được nghỉ ngơi yên tĩnh.
Nếu như trước đây, nhạc sống chỉ sử dụng trong lễ cưới, thì ngày nay nhạc sống đã được người dân chọn làm phương tiện giải trí mỗi khi gia đình tổ chức bất cứ khi có đám tiệc, từ việc cưới hỏi, đám giỗ, sinh nhật, thôi nôi, nhà mới, nhà ba năm… Vì vậy, mỗi khi trong xóm có đám tiệc thì có không ít người lo lắng “đêm nay coi như mất ngủ”.
Khi có dàn nhạc sống kết hợp với chút hơi men thì có không ít người nổi “máu ca sĩ” để thể hiện khả năng ca hát của mình. Nhiều người hát đến khuya mà không thấy “mỏi”. Lúc này, họ không nghĩ đến cảm nhận của những người xung quanh. Càng khuya, âm thanh càng lớn làm cho người làng trên xóm dưới đinh tai, nhức óc.
Bà Nguyễn Thị Thành (76 tuổi, ở thôn Phú Phong, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) cho biết: “Cứ vài ba ngày trong xóm lại có nhà tổ chức đám tiệc, họ thuê nhạc sống về hò hát ồn ào, khi có men rượu vào người, họ càng hăng và gào thét to hơn… rất khó chịu”.
Ca hát, thưởng thức âm nhạc là cần thiết đối với cuộc sống. Tổ chức hát nhạc sống - đó là niềm đam mê, là nhu cầu của nhiều người. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của âm nhạc, tạo văn hóa nhạc sống đòi hỏi các chủ cho thuê, người thuê dàn nhạc phải tổ chức nhạc sống có chừng mực, âm lượng vừa phải và phải dừng, nghỉ đúng giờ quy định, không gây ảnh hưởng đến người khác.
NGUYỄN LINH CHI
(xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa)